Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 20 điểm, tương đương 0,07%, và đóng cửa ở 28.494 điểm. Trong phiên có lúc chỉ số này sụt hơn 300 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite kết phiên giảm lần lượt 0,2% và 0,5%.
Facebook dẫn đầu đà giảm của nhóm công nghệ vốn hóa lớn khi mất 1,9%. Amazon giảm 0,8%, Alphabet và Microsoft giảm tương ứng 0,5% và 0,4%.
Ngược lại, nhóm ngân hàng và năng lượng diễn biến tích cực. JPMorgan Chase, Morgan Stanley và Citigroup đều tăng trên 1%. Exxon Mobil và Chevron đi lên lần lượt 0,9% và 0,8%.
15/10 là phiên đi xuống thứ 3 liên tiếp của thị trường chứng khoán Mỹ, đánh dấu chuỗi giảm điểm dài nhất của các chỉ số trong một tháng trở lại đây.
CNBC dẫn lời ông Mark Haefele - Giám đốc đầu tư tại công ty quản lí tài sản UBS nhận định: "Thị trường sẽ tiếp tục biến động mạnh trong những tuần tới khi nhà đầu tư phải chuẩn bị cho hàng loạt những bất định như khi nào thì có vắc xin ngừa COVID-19 (sau khi Johnson & Johnson phải tạm ngừng thử nghiệm), gói hỗ trợ tài khóa bổ sung có qui mô lớn đến đâu và khi nào được thông qua, cuộc bầu cử có kết quả ra sao".
Ông nói thêm: "Quá trình hồi phục không đồng đều ở Mỹ cũng khiến nhà đầu tư thêm lo ngại trong mùa công bố kết quả kinh doanh".
Trả lời phỏng vấn CNBC, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết ông và Tổng thống Trump đang rất muốn đạt được một thỏa thuận kích thích kinh tế và cả hai sẽ tiếp tục cố gắng dù khả năng dự luật được thông qua trước cuộc bầu cử 3/11 là không cao.
Ông Mnuchin cho biết các cuộc thảo luận giữa ông và Đảng Dân chủ đã đạt được một số tiến bộ. Tuy nhiên ông cũng cảnh báo rằng "yếu tố chính trị" có thể cản trở quá trình thương lượng và rằng Đảng Dân chủ vẫn muốn một thỏa thuận theo kiểu "có tất cả hoặc không có gì".
Bộ trưởng Mnuchin đề xuất hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tạm thời thông qua một số gói chi tiêu cụ thể mà hai bên đều đồng ý như phát tiền mặt trực tiếp cho người dân, hỗ trợ tiền lương cho người lao động, ...
Tổng thống Trump thì tuyên bố ông sẵn sàng nâng đề xuất dự luật giải cứu kinh tế lên trên mức 1.800 tỉ USD hiện tại. Đầu tháng 10, Đảng Dân chủ chiếm đa số ở Hạ viện đã thông qua một dự luật với qui mô tới 2.200 tỉ USD.
Tâm lí nhà đầu tư cũng bị ảnh hưởng khi dịch bệnh tại châu Âu bùng phát. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), châu Âu hiện nay đã ghi nhận trên 7,2 triệu ca dương tính với COVID-19. Pháp đã phải tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn quốc, Anh đang xem xét phong tỏa cả nước lần thứ 2 trong khi Đức đã đưa ra những qui định hạn chế mới để ngăn virus lây lan.
Chỉ số chứng khoán Stoxx 600 của châu Âu sụt 2,1% trong phiên 15/10. Chỉ số DAX của Đức giảm 2,5%, chỉ số FTSE của Anh giảm 1,7%, chỉ số CAC của Pháp cũng mất 2,1%.