Bộ Ngoại giao Nga tin rằng Moscow không thể tiếp tục tham vấn với Hà Lan và Úc về vụ bắn rơi máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia ở Ukraine năm 2014, cáo buộc những nước này không muốn tìm hiểu sự thật.
Mảnh vỡ của máy bay MH17 tại hiện trường ở khu vực Donbass (Ukraine). Ảnh: Maxim Zmeyev/REUTERS
Theo đài RT, trong tuyên bố hôm 15-10, Bộ Ngoại giao Nga cho biết nước này rút khỏi đàm phán ba bên về vụ máy bay MH17 bị bắn rơi ở miền Đông Ukraine cách đây sáu năm. Nga cáo buộc Úc và Hà Lan chỉ tìm cách đổ lỗi cho nước này.
Tuyên bố cho hay hai năm trước Nga đồng ý các cuộc tham vấn ba bên, hy vọng điều này sẽ giúp thiết lập, tìm hiểu nguyên nhân thật sự đằng sau thảm kịch năm 2014 này.
Tuy nhiên, theo Bộ Ngoại giao Nga, chính phủ Úc và Hà Lan đã có mục đích khác khi những nước này chỉ muốn “Nga phải thừa nhận tội lỗi và nhận tiền bồi thường cho người thân các nạn nhân”.
Hồi tháng 7, Hà Lan nộp đơn kiện chống lại Nga tại Tòa án Nhân quyền châu Âu, cáo buộc Moscow tham gia vụ bắn rơi máy bay MH17. Vào thời điểm đó, chỉ có ba vòng tham vấn được tổ chức nhưng chính phủ Hà Lan đã đưa ra động thái này mà thậm chí không đợi kết quả sơ bộ từ những cuộc tham vấn trên.
“Những hành động không thân thiện như vậy của Hà Lan khiến việc tham vấn ba bên và sự tham gia của chúng tôi trở nên vô nghĩa” – Bộ Ngoại giao Nga nói rõ. Tuyên bố nói rằng tiến trình này thất bại lỗi hoàn toàn do Hà Lan.
Tuy nhiên, tuyên bố cho biết Nga không hạn chế tất cả liên hệ với Hà Lan về vấn đề này. Sự hợp tác của Nga với các quan chức Hà Lan về thảm kịch MH17 sẽ tiếp tục nhưng theo định dạng khác.
Moscow phủ nhận mọi liên quan tới việc bắn rơi MH17 và xem những phát hiện trong cuộc điều tra của Nhóm Điều tra chung (JIT) do Hà Lan dẫn đầu là “thiên vị về mặt chính trị”.
JIT kết luận rằng máy bay MH17 bị bắn rơi bằng một hệ thống phòng không Buk do Liên Xô chế tạo. JIT còn cho hay phe nổi dậy ở vùng Donbass (miền Đông Ukraine) đã có được hệ thống này từ Nga.
Đáp lại, Nga nói rằng cuộc điều tra đã bỏ qua một loạt dữ liệu lớn về vụ bắn rơi MH17 mà Nga đã sốt sắng cung cấp, thay vào đó phần lớn dựa vào bằng chứng từ Ukraine và thông tin nguồn mở chẳng hạn như các video được cho là bằng chứng lan truyền trên mạng xã hội.
Tài liệu trong cuộc điều tra của JIT cũng thiếu dữ liệu quan trọng từ radar của Ukraine và những hình ảnh do vệ tinh Mỹ chụp, điều mà cả Kiev và Washington đều nói họ không thể cung cấp. Một câu hỏi khác mà Nga đặt ra là tại sao chính phủ Ukraine không tiến hành đóng cửa không phận tại một khu vực chiến tranh ở Donbass.
Máy bay hành khách MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines gặp nạn khi đang trong hành trình bay từ Amsterdam (Hà Lan) tới Kuala Lumpur (Malaysia) hồi tháng 7-2014. Vụ việc khiến toàn bộ 298 người trên khoang thiệt mạng, trong đó 193 nạn nhân là người Hà Lan, 27 nạn nhân là người Úc.