Đèn cao áp được đưa lên phục vụ san gạt đường vào thủy điện Rào Trăng 3 tại Trạm bảo vệ rừng 67 - Ảnh: TẤN LỰC
Trên đường vào hiện trường, phóng viên chứng kiến hàng chục điểm sạt lở, trong đó có nhiều điểm sạt lở rất nghiêm trọng và nguy hiểm.
Tường thuật của phóng viên Tuổi Trẻ tại khu vực Trạm bảo vệ rừng 67 và thủy điện Rào Trăng 3
Tại cầu tràn khe Cát cách ngã ba tỉnh lộ 11B khoảng 4km, lực lượng công binh đã làm rọ đá đắp cao thêm khoảng 1 mét và khơi thông đường cống để nước không chảy qua tràn.
Có không ít điểm sạt lở nặng, trụ điện trung thế bị giật sập làm dây cáp đứt nằm la liệt trên đường bên cạnh những đống đất đá ngổn ngang.
Suốt 2 ngày qua, hàng ngàn nhân lực cùng hàng chục phương tiện cơ giới được tăng cường vào trong san gạt, mở đường và tiếp cận được hiện trường sạt lở, tìm kiếm được thi thể nhóm 13 cán bộ, chiến sĩ hi sinh do đất đá vùi lấp tại Trạm bảo vệ rừng 67.
Trạm 67 nằm cách ngã ba tỉnh lộ 11b khoảng 19km. Nơi đây giờ hoang tàn, tất cả đã bị đất đá vùi lấp, chỉ còn sót lại tấm bảng do Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế dựng phía trước trạm. Bên cạnh bùn đất, nhiều tảng đá lớn cỡ chiếc máy xúc cũng lăn xuống chà qua khu vực này.
Vượt qua Trạm 67, đi thêm hơn 1km về hướng thủy điện Rào Trăng 3 là một khu vực sạt lở với quy mô lớn hơn nhiều so với điểm sạt lở Trạm 67. Trên một diện tích hàng ngàn mét vuông dọc con đường đã bị đất đá từ các ngọn đồi từ cả hai bên đổ xuống vùi lấp. Cạnh đó còn có một khe suối lớn với nước chảy rất xiết.
Tại đây 3 máy xúc và 1 máy ủi đã được đưa tới chuẩn bị mở đường tiến vào tiếp cận thủy điện Rào Trăng 3 để tìm kiếm nhóm công nhân còn đang mất tích.
Ghi nhận khu vực hiện trường hôm nay trời tiếp tục mưa to, nhiều nơi tiềm ẩn nguy cơ sạt lở rất cao vì đất nhão do ngấm nước mưa nhiều ngày liên tục.
Trưa 16-10, mũi tìm kiếm bằng đường sông đã phải tạm dừng để đảm bảo an toàn do mưa rất lớn.
Ngày 16-10, thêm nhiều xe ủi được huy động tập trung trên tỉnh lộ 11B sẵn sàng tăng cường vào Rào Trăng 3 - Ảnh: TẤN LỰC
Điểm sạt lở đầu tiên cách ngã ba tỉnh lộ 11B 3,5km - Ảnh: TẤN LỰC
Cầu tràn khe Cát đã được công binh dùng rọ đá nâng cốt và khơi thông cống xả, không còn nước qua tràn như 2 ngày trước - Ảnh: TẤN LỰC
Điểm sạt lở nghiêm trọng cách ngã ba tỉnh lộ 11B khoảng 18km khiến trụ điện trung thế bị gãy đổ - Ảnh: TẤN LỰC
Trạm bảo vệ rừng 67 nơi nhóm 13 cán bộ, chiến sĩ cứu hộ tử nạn, nơi này cách 19km tính từ ngã ba tỉnh lộ 11B - Ảnh: TẤN LỰC
Có những tảng đá lớn tương đương một chiếc xe múc lăn qua chà xát lên khu vực Trạm bảo vệ rừng 67 - Ảnh: TẤN LỰC
Lều dã chiến quân đội dựng ngay cạnh Trạm bảo vệ rừng 67 phục vụ tìm kiếm người mất tích - Ảnh: TẤN LỰC
Dấu vết duy nhất còn lại của trạm này là tấm bảng bằng gạch xây của Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế - Ảnh: TẤN LỰC
Tại Trạm bảo vệ rừng 67 hiện giờ còn lại những thân cây lớn gãy rạp, tét vỏ vì đất đá sạt lở - Ảnh: TẤN LỰC
Một điểm sạt lở lớn bên đường vào thủy điện Rào Trăng 3, cách tỉnh lộ 11B 20km - Ảnh: TẤN LỰC
Nhóm 3 xe múc tập kết tại điểm sạt lở lớn nhất đang chắn đường vào thủy điện Rào Trăng 3 - Ảnh: TẤN LỰC
Điểm sạt lở này rộng gấp nhiều lần điểm sạt tại Trạm bảo vệ rừng 67, cách ngã ba tỉnh lộ 11B hơn 20km - Ảnh: TẤN LỰC
Một xe múc di chuyển trên đường dẫn vào thủy điện Rào Trăng 3 ngày 16-10 - Ảnh: TẤN LỰC
TTO - Trong ngày 15-10, lực lượng tìm kiếm cứu hộ bằng đường sông của Công an tỉnh Thừa Thiên Huế và các lực lượng kết hợp vẫn tiếp tục đi đường thủy lên Rào Trăng 3 tìm kiếm người mất tích.