Gia đình, người thân ở nhà ông Nguyễn Văn Bình chuẩn bị hậu sự cho ông - Ảnh: TRẦN MAI
Xong việc cứu trợ, ông lại lao về hướng núi, điểm đến là thủy điện Rào Trăng 3, nơi ông vừa nhận thông tin sạt lở núi. Nào có ngờ, chuyến đi ấy là mãi mãi.
Tối qua 15-10, chúng tôi đến nhà ông Bình (phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế). Dòng sông Bồ trước mặt nhà ông Bình vẫn ngầu đục, dấu tích của trận lũ ngập nửa vách căn nhà cấp 4 đơn sơ của ông Bình vẫn còn nguyên lằn nước.
Người thân, bạn bè, đồng nghiệp, xóm giềng thẫn thờ trước sự ra đi đột ngột của ông. Mỗi người một tay, chuẩn bị "đón" ông về nhà.
Ông Hoàng Tiến (hàng xóm) kể về ông Bình mà đôi mắt rưng rưng, những ngày lũ tràn sông Bồ vào làng, mẹ già lại đổ bệnh nhập viện.
Vậy mà ông Bình gác lại tất cả việc tư dồn thời gian vào cứu trợ, cứu hộ người dân. "Nhà Bình cũng ngập cả mét, vậy mà cứ đi lo cho dân. Hiền lành, trách nhiệm vậy mà ông trời không thương. Thiệt tội" - ông Tiến nói.
"Tui nói Bình chức tước cũng to, nhưng về xóm vô cùng thân tình. Chú đi hỏi 10 người thì 10 người khen tính của Bình" - ông Tiến nói thêm về ông chủ tịch huyện vừa ra đi.
Ông Nguyễn Văn Bình (trái) mang quà cứu trợ đến người dân Phong Điền - Ảnh: P.T.
Trong ngôi nhà cấp 4 của ông Bình, những người đồng nghiệp cứ kể về vị chủ tịch huyện trong những cuộc họp gần đây luôn thúc giục anh em rà soát toàn bộ những điểm lũ, không để người dân thiếu thốn, những đội cứu hộ, cứu nạn trực 24/24 giờ người dân cần là phải có mặt.
"Anh Bình mới làm chủ tịch hơn 1 tháng thôi, từ trước giờ anh làm việc gì cũng rất trách nhiệm, anh em học hỏi tính anh ấy rất nhiều" - một cán bộ UBND huyện Phong Điền nói.
Trước khi vào thủy điện Rào Trăng 3, chúng tôi có cùng ông Bình vượt dòng lũ Ô Lâu vào xã Phong Hòa và Phong Bình hỗ trợ người dân vùng rốn lũ.
Hôm đó là sáng 12-10, mưa tầm tã, lũ ở Huế chạm đỉnh lũ lịch sử 1999. Khi nghe thông tin báo Tuổi Trẻ cứu trợ dân, ông Bình lập tức lên đường cùng chúng tôi.
Khi thuyền đưa đoàn vào rốn lũ, ông Bình trong chiếc áo mưa, lội nước cùng đoàn mang nhu yếu phẩm vào cho dân. Tặng quà, động viên bà con, ông lại dặn dò lãnh đạo xã phải nắm rõ tình hình không để bà con gặp bất kỳ khó khăn gì.
Lúc rời khỏi làng, ông Bình nói với chúng tôi: "Năm nay lụt lớn quá, bà con thiệt hại nặng nề. Tội ghê, vừa ảnh hưởng Covid-19 giờ lại đến lũ".
Chúng tôi càng bất ngờ hơn khi biết sau khi trao quà hỗ trợ đã quá trưa, về UBND huyện, nhận thông tin sự cố sạt lở khiến 17 công nhân mất tích thì lập tức ông vượt núi vào hiện trường.
Trước lúc gặp nạn vài tiếng, ông Bình còn điện thoại cho phóng viên báo Tuổi Trẻ nói vội: "Em chuyển lời cảm ơn của anh đến báo Tuổi Trẻ và bạn đọc giúp, anh và người dân Phong Điền sẽ biết ơn rất nhiều.
Anh đang vào rừng kiểm tra vụ sạt lở, hẹn sau lũ anh em mình gặp nhau". Khi phóng viên quan tâm đến sự cố, ông Bình nói: "Chưa nói trước được, bởi hiện trường còn rất xa và cách trở. Khi nắm rõ hiện trường, anh sẽ cung cấp thông tin".
Vậy mà khuya hôm ấy sự cố đã xảy ra, ông Bình đã nằm lại. Lời hẹn cuối, mãi theo gió trời.
TTO - Từ khi lũ dâng, ông Nguyễn Văn Bình - chủ tịch UBND huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế - chỉ lo cho dân, dù mẹ già nằm viện, lũ ngập nhà cả mét. Ông đã nằm lại ở trạm bảo vệ rừng 67 trong lúc vào thủy điện Rào Trăng 3 cứu người.
Xem thêm: mth.69533958061010202-nan-pag-ihk-court-neid-gnohp-neyuh-hcit-uhc-auc-iouc-iol-gnuhn/nv.ertiout