Chùa Bửu Long, điểm nhấn của khu Long Trường, quận 9 - Ảnh: TỰ TRUNG
Bưng sáu xã khi ấy dung chứa bao nhiêu bí mật, những câu chuyện đau thương, những chiến tích anh hùng...
Máu trên vành đai trắng
Nằm ngay cửa ngõ Sài Gòn nhưng suốt 30 năm chiến tranh, bưng sáu xã đã là lõm căn cứ của những người cách mạng. Lý do dễ thấy nhất là địa hình tạo điều kiện cho những người hoạt động bí mật, và lý do dễ hiểu hơn nữa là lòng người sẵn sàng bao bọc những lý tưởng yêu nước, đòi độc lập, thống nhất, lập lại hòa bình.
Không có gì tự nhiên mà sinh ra, kể cả lòng yêu nước và lựa chọn một chỗ đứng. Quá trình đi làm báo đã cho tôi gặp bà Bảy Cầu (Lê Thị Cầu) nhiều năm trước đây trong một lần đến thăm di tích bót Dây Thép (Tăng Nhơn Phú, quận 9). Bà cụ nhỏ thó, lưng còng, mắt mờ, khuôn mặt hằn những đường nếp đau khổ bước chậm rãi đọc những dòng chữ, tay sờ lần hiện vật. Bà là nhân chứng của khu vực này qua bao nhiêu biến động.
Những ngày thơ ấu ở Tăng Nhơn Phú, Thủ Đức, cô bé Lê Thị Cầu mồ côi cha nhưng cũng được mẹ cố gắng cho đi học hết Sơ học yếu lược, rồi ở nhà làm ruộng rẫy. Những ngày thiếu nữ hồ hởi xem các anh gia nhập Thanh niên tiền phong, hăng hái tham gia phong trào phụ nữ, mừng vui say mê với Ngày Độc lập 2-9-1945, những mới mẻ hứa hẹn của đời sống mới. Chưa đầy một tuần trăng, quân Pháp quay trở lại, cuộc kháng chiến bắt đầu, cô Cầu chứng kiến những người trai làng mình cầm tầm vông vũ khí bảo vệ nền độc lập.
Thủ Đức là địa bàn chiến lược mà quân Pháp nhất định phải chiếm lại. Tăng Nhơn Phú có nhà dây thép vốn được chính quyền Pháp cũ sử dụng như bưu điện, chiếm lại được, tên sĩ quan Pirolet và đám lính lê dương lập tức biến điểm bưu điện thành bót giam giữ, tra tấn, hành hình những người yêu nước. Là một cô gái trẻ nhưng rồi cũng đến ngày Lê Thị Cầu bị bắt trói và giải vào đây cùng hàng chục dân làng vì tội ủng hộ Việt Minh. Tất cả bị bắt ngồi phơi nắng dưới sân bót, và từng người lần lượt bị lôi lên, bắn chết tại chỗ.
Đến lượt cô Cầu, quá kinh hoàng, căm phẫn, nghĩ không thể im lặng vậy mà chết, cô buột ra một câu chửi bằng tiếng Pháp còn đọng đâu đó trong trí nhớ những lần nghe lỏm lính Pháp nói chuyện với nhau bằng kiến thức vài năm được đi học. Tay súng của tên lính chợt chùng lại, trao đổi với nhau rồi buông cô ra: "Tha cho vì biết tiếng Pháp". Những ngày sau đó, Cầu bị bắt quét dọn làm công trong bót, tận mắt thấy hầm nhốt người dưới chân cầu thang, người tù bị hành hạ, tra tấn, giết hại... Cô quyết trong lòng "sống chết cũng phải theo cách mạng, sống chết cũng phải có độc lập", và bỏ trốn ngay khi có cơ hội.
Chỉ hai năm 1946-1947, hơn 700 người vùng Thủ Đức đã bị giết dã man tại bót Dây Thép rồi thả trôi sông ở cầu Bến Nọc. Chuyện bót Dây Thép là câu chuyện mà tôi mới nghe kể đã thấy run người, khảo sát hiện vật, phỏng vấn nhân chứng lại càng choáng váng, đến mức run tay không viết lại được, không kể lại được. Nên trong bài viết về bà Lê Thị Cầu ("Giỏ cá giữa rừng"), tôi chỉ kể về bao năm bà đã bao bọc, nuôi dưỡng, hỗ trợ những người cách mạng ngay giữa Sài Gòn.
Ám ảnh kinh hoàng, căm phẫn từ bót Dây Thép đã thôi thúc bà, tiếp sức cho bà, cũng như đã góp phần hun đúc tinh thần cho quân dân Thủ Đức suốt hai cuộc kháng chiến để bám vào đồng bưng mà sống, mà chiến đấu kể cả khi bom đạn đã quyết xóa nơi này thành vùng trắng để bảo vệ Sài Gòn. Cứ thế cho đến ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh.
Ở khu di tích Bưng sáu xã, gương mặt anh hùng của những người con đồng bưng ngày ấy được lưu lại, những lá thư cho nhau hơi ấm niềm tin những ngày gian khổ được lưu lại, hũ gạo người dân chắt chiu nuôi cách mạng cũng được lưu lại...
Những đầm lầy Bưng sáu xã nay đã thành Khu công nghệ cao quận 9 - Ảnh: TỰ TRUNG
Dựng lại cuộc sống
Hòa bình, Bưng sáu xã bước vào cuộc chiến mới. Bưng trảng đầy bom mìn, hoang vắng, xác xơ. Cả xã Long Trường chỉ còn hơn 300 người, xã Phú Hữu hơn 1.000 người. Cuộc chiến đấu với đói nghèo thách thức và đòi hỏi từng ngày, từng giờ còn hơn bom đạn.
Mười năm trộn máu, mồ hôi, nước mắt trên chiến trường Bưng sáu xã, đánh hàng trăm trận với 10 chiếc huân chương chiến công lẫy lừng, buông súng xuống, ông Bảy Hà (Lê Văn Hà, Anh hùng Lực lượng vũ trang) quay về với nghề nông và đưa cả gia đình trẻ của mình quay lại vùng bưng.
Đất đã vào hợp tác hết, ông đưa vợ con đến mỏm sông cụt Ngọn Ông Tiệm (nay là Phú Hữu, quận 9) quen thuộc, xin phép ủy ban xã và quyết định lập nghiệp tại đây.
Trước sự ngăn cản của mọi người, ông tự "xây" một cái ghe bằng ximăng cốt sắt, hì hụi bơi lặn, vớt cát, đá, sạn dưới lòng sông để đắp vào cái xẻo lá, tự mình đắp nên cái nền để vợ con có thể đứng chân, không xin đất, không phiền những người đồng chí đều đã là cán bộ huyện, xã.
Đầu tiên là xây cái nhà lá, sau đó là đắp bờ thả cá, rồi san được nền đến đâu thì chạy tìm tre dựng chuồng trại nuôi heo đến đó. Quả là "có sức người sỏi đá cũng thành cơm", từ tay trắng vợ chồng ông Bảy Hà đã làm ra được cơm gạo để nuôi mình, nuôi con ăn học.
Đủ ăn rồi hết nghèo, rồi mua được đất ở Long Thành để làm trang trại lớn, đã rất nhiều lần ông Bảy Hà được tuyên dương là tấm gương "xóa đói giảm nghèo" của xã, của quận. Heo ở chuồng của ông được dân cả xã đến xin mua giống. Hai con trai ông đều theo học ngành nông nghiệp để sau này mở mang công việc gia đình.
Năm 2001, khi chúng tôi tìm đến nhà ông viết câu chuyện "Tỉ phú giữa vùng bưng" (Tuổi Trẻ 11-3-2001), Phú Hữu vẫn còn mang hương đồng gió nội của một vùng nông thôn rặt. Chỉ có hương lộ 33 chạy xuyên, một cái chợ nhỏ duy nhất. Con đường đất đỏ hun hút chạy giữa ruộng và những vườn chuối xanh mịt, hỏi thăm ai cũng chỉ "đi hết đường, thấy cái nhà lầu là nhà Bảy Hà". Căn nhà của ông là nhà có lầu đầu tiên ở xóm này. "Tự tay tôi làm hết đó. Cứ làm thì sẽ hết nghèo thôi, đất không phụ mình đâu" - ông Bảy Hà cười khà khà khoát tay chỉ ra chuồng trại xung quanh. Cũng phải thôi. Mười năm trộn máu, hai mươi năm trộn mồ hôi, làm sao đất này phụ ông được.
Năm 2020 này quay lại, chúng tôi lại phải tiếp tục đi tìm. Ông Bảy Hà đã không còn, và căn nhà lầu mồ hôi nước mắt, niềm tự hào của ông nay lọt thỏm giữa khu Phú Hữu đã đô thị hóa, gia tăng dân số với tốc độ chóng mặt. Vùng ruộng nhiễm phèn chỉ khai thác được một mùa bên sông cụt xưa kia nay đã thành khu biệt thự Khang Điền lộng lẫy.
Thím Muội - vợ ông, các con trai, con gái vẫn còn đây. Bà kể chuyện trại heo ở Long Thành vừa bị dịch không còn con nào, mất hết vốn lẫn công, quận ra thông báo sắp mở rộng đường nên căn nhà sẽ mất, khu chuồng trại sau nhà đã sập chưa xin được giấy phép xây dựng để làm lại nhà...
Câu chuyện mở rộng đường, triển khai các dự án chắc chắn đang là câu chuyện thời sự nhất của những gia đình cố cựu nơi đây như gia đình bà. Để cho Bưng sáu xã chuyển mình, hàng ngàn hộ dân đã phải tiếp tục thầm lặng hi sinh, chia tay ruộng vườn nhường đất cho dự án...
Bưng sáu xã đã trở thành quận 9 nhộn nhịp, đông đúc người nhập cư, sông rạch được bắc cầu, đồng bưng được mở đường, khu dân cư, khu công nghệ theo nhau mọc lên, nhưng những di tích bót Dây Thép, cầu Bến Nọc, Bưng sáu xã vẫn giữ gìn để kể lại cho những người mới đến đây câu chuyện về máu, mồ hôi của người Thủ Đức đã trộn trong đất này.
Xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa ra đời, khu kỹ nghệ được thành lập ở Thủ Đức, và bắt đầu xây dựng dọc theo xa lộ những nhà máy vẫn còn đóng vai trò thiết yếu cho đến tận sau này như Nhà máy nhiệt điện Thủ Đức, Nhà máy lọc nước Thủ Đức, Nhà máy ximăng Hà Tiên...
Kỳ tới: Những dự án giữa chiến tranh
TTO - Chỉ hơn chục năm trước thôi, ai bước lên phà từ trung tâm quận 1 sang Thủ Thiêm cũng sẽ tưởng như đã cập bến miền Tây vỏn vẹn trong 10 phút.
Xem thêm: mth.64803159151010202-gnuh-hna-ax-uas-gnub-3-yk-gnod-ohp-gnov-tahk-cud-uht/nv.ertiout