Điều này đã tạo bước tiến mạnh, đột phá, chuyển biến rõ rệt; xử lý dứt điểm một số vụ án nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài; tập trung điều tra, làm rõ các trường hợp cán bộ, đảng viên sai phạm, khởi tố điều tra một số cán bộ cấp cao đương chức hoặc đã nghỉ hưu.
Hành vi phạm tội từ bên ngoài lãnh thổ
Thống kê cho thấy, các lực lượng chức năng phát hiện 22.105 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế, nhiều hơn 38,56% so với cùng kỳ năm trước. Trong số này có 2.254 vụ án đã khởi tố với 3.631 bị can. Số vụ xử lý hành chính là 20.012 vụ với số tiền trên 140 tỷ đồng. Cùng với đó, 313 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và các vi phạm khác về chức vụ được phát hiện (ít hơn 2,49%), trong đó khởi tố 290 vụ, 616 bị can phạm tội về tham nhũng; 26 vụ, 178 bị can phạm tội về chức vụ.
Các thủ đoạn mà nhóm tội phạm này thường sử dụng là lợi dụng chức vụ, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; lợi dụng sơ hở trong quy định và những lỏng lẻo trong quản lý, giám sát để thực hiện hành vi phạm tội. Tình trạng thông đồng, móc nối giữa cán bộ có chức vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước với người trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước cũng là một thủ đoạn của các đối tượng được Bộ trưởng Bộ Công an chỉ ra.
Người đứng đầu ngành Công an cũng lưu ý về nguy cơ xuất hiện tội phạm kinh tế, tham nhũng có tổ chức, xuyên quốc gia, một số hành vi phạm tội kinh tế, tham nhũng được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, điển hình như vụ công ty con tại tỉnh Bắc Ninh của Công ty Tanma (Nhật) có dấu hiệu hối lộ một số cán bộ của Việt Nam để trốn thuế.
Tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm diễn ra phức tạp, nhất là trên tuyến biên giới, các cửa khẩu, cảng biển, hàng không. Hành vi gian lận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa Việt Nam để "né thuế" có xu hướng gia tăng do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, tiềm ẩn nguy cơ Việt Nam bị trừng phạt gây thiệt hại về kinh tế. Vụ Công an TPHCM phối hợp phát hiện 22 container chứa 40.000 sản phẩm máy cầm tay các loại khai báo giả mạo nguồn gốc Việt Nam... được Bộ trưởng đưa ra làm dẫn chứng.
"Khi dịch Covid-19 bùng phát cũng là thời điểm phát sinh một số loại tội phạm, vi phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19" - Bộ trưởng Tô Lâm nhận định. Chứng minh, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ trên 258 vụ vi phạm trong đó nổi lên là hành vi thu gom, đầu cơ để tăng giá, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; sản xuất hàng giả là hàng hóa, trang thiết bị phục vụ phòng bệnh, lợi dụng công tác phòng, chống dịch bệnh để trục lợi.
Tội phạm ma túy có yếu tố nước ngoài giảm
Phản ánh kết quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy, Bộ trưởng Bộ Công an chia sẻ, lực lượng chức năng đã phát hiện 30.332 vụ, 49.885 đối tượng (nhiều hơn 30,02% số vụ, nhiều hơn 37,72% số đối tượng); khởi tố 24.132 vụ, 30.517 bị can. Lượng ma túy thu giữ gồm: 705,43kg heroin (ít hơn 42,28%); 3.766,39kg và 2.197.597 viên ma túy tổng hợp (ít hơn 47,18% số ký, nhiều hơn 108,68% số viên ma túy tổng hợp); 425,33kg thuốc phiện (ít hơn 30,73%); 1.228kg cần sa (nhiều hơn 59,92%).
Theo Bộ trưởng, hoạt động của tội phạm ma túy xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài giảm, song ma túy tổng hợp từ Lào, Campuchia được vận chuyển vào Việt Nam tiếp tục có xu hướng gia tăng. Dẫn chứng là vụ Công an Lào phát hiện, thu giữ 1.032 bánh heroin, 200kg ma túy đá của đối tượng người Đài Loan (Trung Quốc) đang trên đường vận chuyển vào Việt Nam tiêu thụ; vụ Công an Nghệ An bắt 2 đối tượng Lào, thu giữ 20 bánh heroin, 12kg ma túy tổng hợp; vụ Công an Kiên Giang phát hiện 51,25kg heroin và 20kg ma túy tổng hợp trôi dạt trên vùng biển giáp ranh Campuchia.
Điểm đáng quan tâm nữa được Đại tướng Tô Lâm chỉ ra là tình trạng thanh, thiếu niên sử dụng ma túy tổng hợp diễn ra nhiều. Toàn quốc hiện có 235.012 người nghiện có hồ sơ quản lý và phần lớn đang sinh sống tại cộng đồng, tuy nhiên số lượng người nghi nghiện còn rất lớn. "Đây là nguyên nhân, điều kiện phát sinh nhiều loại tội phạm, trong khi công tác đưa người vào cơ sở cai nghiện gặp nhiều khó khăn do thủ tục pháp lý” - Bộ trưởng nhận định.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, tội phạm và vi phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, hoạt động có tính chất xuyên quốc gia và xảy ra trên nhiều lĩnh vực, gây thiệt hại lớn.
Hành vi phạm tội ngày càng đa dạng, gia tăng về quy mô và tính chất nguy hiểm, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xâm phạm quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân. Ngoài ra, tình trạng tội phạm sử dụng mạng viễn thông, Internet để lừa đảo; đánh bạc, tổ chức đánh bạc với quy mô lớn xảy ra tại nhiều địa phương với số tiền lớn, gây hậu quả nghiêm trọng.
Xem thêm: lmth.204101_gnort-meihgn-et-hnik-gnuhn-maht-na-meid-tud-yl-ux/hnihc-nit/nv.moc.nagnoc