TPHCM quyết nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh
Lê Anh
(TBKTSG Online) - Để cải thiện môi trường kinh doanh và môi trường đầu tư, trong giai đoạn 2020-2025 TPHCM sẽ đưa ra 9 giải pháp để cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đồng thời, đổi mới sáng tạo,năng suất lao động, năng lực cạnh tranh để hướng đến nền kinh tế tri thức.
Đây là vấn đề được nêu ra trong tham luận của một số đại biểu tại ngày làm việc thứ 2 của Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra hôm nay 16-10.
Chỉ số tiếp cận đất đai là một trong các chỉ số yếu kém của TPHCM cần được cải thiện - Ảnh: Lê Anh |
Vào nhóm địa phương điều hành kinh tế - xã hội tốt nhất cả nước
Trong tham luận của mình ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM đánh giá, trong những năm qua, chính quyền thành phố luôn quan tâm đến công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và môi trường đầu tư.
Giai đoạn 2016 - 2019 chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TPHCM có sự tăng về điểm số, tuy nhiên thứ hạng thay đổi từ hạng 8 thành hạng 14, các chỉ số thành phần có tăng điểm nhưng không nhiều, trong khi các tỉnh, thành khác có sự tăng đột biến về điểm số, nên dẫn đến việc TPHCM xuống hạng qua từng năm.
Đối với chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) thì chỉ số của thành phố tăng dần trong từng năm, có vị trí so với các tỉnh, thành phố khác nhưng các nội dung khắc phục điểm trừ chưa triệt để và ổn định.
Ông Nhân chỉ ra rằng năng lực cạnh tranh có chuyển biến nhưng chưa thật sự mạnh mẽ và nổi bật; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh chưa cao; các tiêu chí đánh giá về năng lực cạnh tranh còn xếp hạng thấp, chậm được cải thiện.
Số lượng thủ tục hành chính được cung cấp và sử dụng theo hình thức dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 và mức độ 4 so với số thủ tục hành chính được công bố chưa nhiều. Về xã hội hóa dịch vụ công chưa được thực hiện sâu, rộng. Bên cạnh đó, kết quả khảo sát sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp tuy có cao nhưng vẫn còn một phận người dân chưa hài lòng đối với chính quyền thành phố.
Để đạt được mục tiêu lọt vào nhóm có chất lượng điều hành kinh tế - xã hội tốt nhất cả nước, giai đoạn 2020 - 2025, TPHCM quyết tâm nâng cao chất lượng cung ứng các dịch vụ công với 9 giải pháp.
Thứ nhất, xác định rõ trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan, đơn vị và người đứng đầu trong công tác cải cách hành chính và đề ra các giải pháp nâng cao PAR Index. Đề ra các giải pháp kết nối hiệu quả PCI, PAR Index, chỉ số công tác đánh giá phòng chống tham nhũng cấp tỉnh (PACA Index), chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam (Việt Nam ICT Index).
Thứ hai, kiên quyết khắc phục những hạn chế, yếu kém, đề ra giải pháp để có các bước cải thiện rõ nét hơn về môi trường đầu tư, kinh doanh của thành phố theo hướng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Đưa thành phố vào nhóm các địa phương có chất lượng điều hành kinh tế - xã hội ở nhóm tốt nhất cả nước.
Thứ ba, đưa thành phố trở thành điểm đến hàng đầu trong khu vực về thu hút đầu tư, đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ và tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, an toàn cho người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Thứ tư, cải thiện chất lượng cung ứng các dịch vụ công thiết yếu khác thông qua ứng dụng công nghệ thông tin như y tế điện tử được ứng dụng trong khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế; ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Thứ năm, tập trung xây dựng chương trình chuyển đổi số nhằm phát triển chính quyền số, kinh tế số; thực hiện chuyển đổi số trong một số ngành, lĩnh vực: y tế, giáo dục, giao thông vận tải, tài chính, ngân hàng, logistics...
Thứ sáu, lấy người dân, doanh nghiệp và tổ chức là trung tâm để hoàn thiện các dịch vụ hành chính công theo hướng công khai, minh bạch, hiệu quả và tiện lợi. Lấy tiêu chí sự hài lòng của người dân là thước đo để các cơ quan hành chính hoàn thiện và cải thiện hoạt động.
Thứ bảy, rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan thuộc UBND thành phố và các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phù hợp với đặc điểm của thành phố. Tập trung hoàn thiện tổ chức bộ máy chính quyền các cấp theo các nghị định của Chính phủ.
Thứ tám, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành công vụ.
Thứ chín, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương để thống nhất những nội dung, giải pháp kỹ thuật khi xây dựng đô thị thông minh, chuyển đổi số, xây dựng các mô hình mới trong tổ chức bộ máy để đảm bảo cho mô hình chính quyền đô thị của thành phố hoạt động hiệu quả.
Hướng đến phát triển nền kinh tế tri thức
Cùng với việc cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), TPHCM cũng đặt mục tiêu hướng đến nền kinh tế tri thức. Trong bài tham luận của mình, ông Vũ Hải Quân, Phó giám đốc trường Đại học Quốc gia TPHCM cho biết, đổi mới sáng tạo, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, phát triển nhanh bền vững là những nhân tố chính của nền kinh tế tri thức đều là các mục tiêu phát triển của thành phố trong giai đoạn 2020 - 2025.
Trong các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thì phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ quốc tế ở một số lĩnh vực ưu tiên; xây dựng đô thị thông minh... là các nhóm giải pháp quan trọng được TPHCM đề xuất và đây cũng là nhóm giải pháp các quốc gia trên thế giới áp dụng để phát triển kinh tế tri thức.
Theo ông Quân, trong bốn chương trình phát triển thành phố giai đoạn 2020 – 2025 tầm nhìn đến năm 2030 thì cả bốn chương trình này đều gắn với bốn trụ cột của nền kinh tế tri thức. Đó là các Chương trình đột phá đổi mới quản lý, gắn với trụ cột về hệ thống thể chế chính sách thúc đẩy phát triển; chương trình đột phá phát triển nhân lực và văn hóa, gắn với trụ cột về giáo dục đào tạo; chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực, gắn với trụ cột nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; chương trình đột phá phát triển hạ tầng TPHCM, gắn với trụ cột hạ tầng công nghệ thông tin.
Từ mục tiêu, giải pháp đến chương trình hành động được trình bày trong dự thảo cáo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đều định hướng phát triển nền kinh tế tri thức, nhất là kinh tế tri thức số.
Mời xem thêm:
TPHCM đóng góp 22,2% kinh tế cả nước trong 5 năm qua
Thu nhập bình quân người dân TPHCM đạt 9.000 đô la vào năm 2025
Xem thêm: lmth.hnart-hnac-cul-gnan-os-ihc-oac-gnan-teyuq-mchpt/135903/nv.semitnogiaseht.www