Theo IMF, Châu Á đã đạt những kết quả khả quan trong quá trình ngăn chặn đại dịch Covid-19. Nhiều nước trong khu vực dần đang dỡ bỏ hoặc nới lỏng các biện pháp phong tỏa kinh tế, cách ly, giãn cách xã hội nhưng tốc độ triển khai không đồng đều giữa các nước. Tuy vậy, một số nước đang phải đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ hai và tăng cường trở lại các biện pháp giới hạn hoạt động. Hoạt động kinh tế khu vực Châu Á đang chứng kiến sự phục hồi, nhất là trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. Trong các tháng 7 và 8/2020, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất toàn khu vực tăng từ 50 điểm lên mức 52 điểm, chỉ số PMI lĩnh vực dịch vụ tăng từ 46 lên mức 47 điểm.
Với việc tốc độ vượt thoát khủng hoảng Covid-19 không giống nhau giữa các nước, IMF dự báo năm 2020, kinh tế Châu Á giảm 2,2%, mức giảm lớn nhất từ trước đến nay, lớn hơn mức giảm 1,6% được đưa ra trong tháng 6/2020. Kinh tế Ấn Độ được dự báo suy giảm mạnh nhất với mức giảm 10,3% trong năm 2020, lớn hơn nhiều mức giảm 4,5% được dự báo trước đó. Trái ngược với Ấn Độ, kinh tế Trung Quốc dự kiến đạt mức tăng trưởng 1,9% trong năm 2020, cao hơn mức dự báo 1% đưa ra hồi tháng 6/2020. Năm 2020, Nhật Bản và Hàn Quốc được dự báo giảm lần lượt 5,3% và 1,9%. Khu vực ASEAN-5 được dự báo giảm 3,4%, lớn hơn mức giảm 2% trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế cập nhật tháng 6/2020; trong đó, kinh tế Philippines dự kiến suy giảm nặng nề nhất với mức giảm 8,3%. Trên cơ sở cập nhật số liệu GDP điều chỉnh và kinh tế tăng trưởng dương, IMF dự báo năm 2020, quy mô GDP của Việt Nam sẽ lớn hơn Singapore và Malaysia, đứng thứ tư khu vực Đông Nam Á sau Indonesia, Thái Lan và Philippines.
Bước sang năm 2021, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực quay đầu phục hồi, đạt mức 6,9%, cao hơn 0,3 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 6/2020. Trung Quốc, Ấn Độ được dự báo tăng trưởng ở mức 8,2% và 8,8%. Nhật Bản, Hàn Quốc dự kiến tăng trưởng ở mức 2,3% và 2,9% trong năm 2021. Khu vực ASEAN-5 được dự báo phục hồi mạnh mẽ, tăng 6,2%, Việt Nam dự kiến tăng trưởng 6,7% trong năm 2021. Theo IMF, các chính sách hỗ trợ quy mô lớn cả về tài khóa và tiền tệ đã giúp cải thiện triển vọng kinh tế trong khu vực, tuy nhiên vẫn chưa rõ các chính sách hỗ trợ sẽ kéo dài trong bao lâu. Đồng thời, triển vọng kinh tế khu vực vẫn phải đối mặt với rủi ro, thách thức đến từ căng thẳng thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc, thị trường việc làm khó khăn do tác động của đại dịch tới lĩnh vực du lịch trong bối cảnh nhiều nền kinh tế phụ thuộc lớn vào du lịch, tình hình tài chính của nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp gặp khó khăn trong khi tỷ lệ vay nợ ở mức cao, và nợ công tăng.
Phát biểu tại cuộc họp, đại diện NHNN cho biết với độ mở kinh tế lớn (kim ngạch xuất nhập khẩu tương đương hơn 200% GDP), khủng hoảng Covid-19 đã tác động tiêu cực tới hoạt động kinh tế trong nước qua cả kênh tổng cung và tổng cầu. Mặc dù vậy, nhờ các giải pháp chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, kinh tế vĩ mô được bình ổn, lạm phát trong 9 tháng đầu năm kiểm soát dưới mức mục tiêu 4%, góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư quốc tế. Để hỗ trợ hoạt động kinh tế, NHNN đã triển khai nhiều giải pháp như giảm lãi suất điều hành 3 lần kể từ đầu năm với mức giảm 1,5-2 điểm phần trăm, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, đáp ứng đầy đủ nhu cầu thanh khoản của nền kinh tế, bình ổn thị trường ngoại hối qua đó củng cố niềm tin của nhà đầu tư và người dân vào đồng nội tệ, hướng dẫn các tổ chức tín dụng miễn giảm lãi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng vay, miễn giảm phí dịch vụ thanh toán...
Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu thanh khoản của nền kinh tế, ổn định thị trường ngoại hối, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục, giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng vay. Trong trung hạn, NHNN sẽ tiếp tục nâng cao năng lực điều hành, hiện đại hóa công cụ chính sách tiền tệ, giảm tình trạng đô la hóa, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển và nâng cao sức cạnh tranh của hệ thống các tổ chức tín dụng trong nước.
Trong bối cảnh đại dịch lan rộng, các nước Châu Á – Thái Bình Dương cho rằng cần tăng cường hợp tác quốc tế, các bên cần nỗ lực đảm bảo hệ thống thương mại mở và dựa trên luật lệ và chuỗi giá trị toàn cầu. Các chính phủ cần tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ đến khi nào dịch bệnh đi qua. Đánh giá cao vai trò của IMF trong việc hỗ trợ các nước ứng phó với dịch bệnh Covid-19, các đại biểu kiến nghị IMF tăng cường hoạt động hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn chính sách, qua đó nâng cao năng lực ứng phó với khủng hoảng cho các nước.
HTQT
Xem thêm: 638814VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www