vĐồng tin tức tài chính 365

Đà Nẵng: Doanh nghiệp thiệt hại nặng nề do đứt gãy các mối giao thương

2020-10-16 21:22

Đà Nẵng: Doanh nghiệp thiệt hại nặng nề do đứt gãy các mối giao thương

Nhân Tâm

(TBKTSG Online) - Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ nhất rồi lần thứ hai chỉ cách nhau trong vài tháng đã khiến các doanh nghiệp ngành sản xuất bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là khi nguồn nguyên vật liệu, hàng hóa đầu vào dự trữ của doanh nghiệp này ngày càng cạn kiệt, khó bảo đảm cho việc sản xuất trong khi nỗ lực nối lại giao thương chưa được tái lập ổn định.

Cảng Tiên Sa, thành phố Đà Nẵng. Covid-19 và các biện pháp hạn chế giao thương của các thị trường quốc tế khiến các doanh nghiệp bị đứt gãy nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất. Ảnh: Nhân Tâm

Đứt gãy thương mại quốc tế

Có tới hơn 45,3% số doanh nghiệp được phỏng vấn cho hay đang trong tình cảnh bị thiếu hụt nguồn nguyên liệu, hàng hóa đầu vào, khó có thể đảm bảo cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tình trạng đứt gãy thương mại quốc tế cũng gây ra những hệ lụy tới hoạt động sản xuất và xuất, nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa. Có 38,1% số doanh nghiệp đối mặt với vấn đề thiếu hụt nguyên liệu, hàng hóa đầu vào từ nhập khẩu.

Việc thiếu hụt nguồn nguyên liệu, hàng hóa đầu vào từ nhập khẩu được các doanh nghiệp nhận định là do một số nguyên nhân như sau:

Số lượng doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu hàng hóa đầu vào từ nguồn nhập khẩu giảm đi (44% doanh nghiệp nhận định); do giá nguyên liệu, hàng hóa đầu vào từ nhập khẩu tăng lên (34,1%); chi phí vận chuyển, lưu kho tăng (36,7%); mặt khác, doanh nghiệp gặp khó khăn trong lưu thông nguyên liệu, hàng hóa do thị trường nhập khẩu áp dụng biện pháp phong tỏa, đóng cửa (48,5%) và một phần do chất lượng nguyên liệu, hàng hóa đầu vào để đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn của doanh nghiệp giảm đi (10,3%).

Những kết quả này được đề cập trong bản báo cáo khảo sát đánh giá tác động của dịch Covid-19 (lần 2) tới hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Trong số 8.300 doanh nghiệp tham gia cuộc khảo sát, có 6.082 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh (chiếm 73,3%); 1.422 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và có kế hoạch quay trở lại hoạt động (chiếm 17,1%); 645 doanh nghiệp ngừng hoạt động và chưa có kế hoạch quay trở lại hoạt động (chiếm 7,8%) và 151 doanh nghiệp đang chờ giải thể, phá sản (chiếm 1,8%).

Doanh nghiệp FDI là đối tượng thiếu hụt nguồn nguyên liệu đầu vào từ nhập khẩu lớn nhất với tỷ lệ 42,2%, tiếp đến là doanh nghiệp Nhà nước với 38,5% và doanh nghiệp ngoài Nhà nước là 37,9%.

Thiếu hụt nguồn cung trong nước

“Điều đáng nói là không chỉ những doanh nghiệp phụ thuộc vào nguyên liệu, hàng hóa từ nguồn nhập khẩu bị thiếu hụt mà những doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu, hàng hóa trong nước cũng đang đối mặt với khó khăn về vấn đề này”, ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng, chia sẻ.

Cụ thể, có 44,6% doanh nghiệp thiếu hụt nguyên liệu, hàng hóa đầu vào từ trong nước. Nguyên nhân của việc thiếu hụt nguyên liệu, hàng hóa đầu vào từ trong nước do số lượng doanh nghiệp cung ứng nguyên liệu, hàng hóa đầu vào giảm (61% doanh nghiệp nhận định); giá nguyên liệu, hàng hóa đầu vào trong nước tăng (40,1%); chi phí vận chuyển, lưu kho tăng (37,8%); chất lượng nguyên liệu, hàng hóa đầu vào đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn của doanh nghiệp giảm (12,4%).

Ông Vũ cũng cho biết thêm doanh nghiệp có quy mô lớn là đối tượng gặp nhiều khó khăn nhất trong tiếp cận nguồn nguyên liệu, hàng hóa đầu vào từ nhập khẩu cũng như trong nước với tỷ lệ lần lượt là 42,6% doanh nghiệp thiếu hụt nguyên liệu, hàng hóa nhập khẩu và 48,5% doanh nghiệp thiếu hụt nguyên liệu, hàng hóa trong nước; tỷ lệ này đối với doanh nghiệp quy mô vừa lần lượt là 37,3% và 41,4%; doanh nghiệp quy mô nhỏ là 38,6% và 46,9%; doanh nghiệp siêu nhỏ là 37,5% và 43,2%.

Do chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, nhiều chuyến bay thương mại cũng như hoạt động vận chuyển, lưu thông hàng hóa bị gián đoạn nên các doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ có tỷ lệ thiếu hụt hàng hóa đầu vào cao nhất với 45,6%, riêng ngành thương mại là 48,2% (trong đó 42,5% doanh nghiệp thiếu hụt hàng hóa đầu vào từ nhập khẩu).

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng chịu tác động không kém với tỷ lệ doanh nghiệp thiếu hụt nguyên liệu đầu vào lên đến 45% (trong đó thiếu hụt nguyên liệu từ nhập khẩu là 40,6%), tập trung nhiều nhất ở các ngành như: Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan (71,4%); sản xuất kim loại (66,7%); sản phẩm điện tử, máy vi tính (62,5%); sản xuất trang phục (53,5%); dệt (57,1%); sản xuất giấy và các sản phẩm giấy (55,6%)…

Dẫn đến tiêu thụ sản phẩm bị ảnh hưởng

Thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng là một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của đại bộ phận doanh nghiệp. Dịch Covid-19 bùng phát, thị trường tiêu thụ trong nước và thị trường xuất khẩu đều gặp khó khăn. Có đến hơn 80% doanh nghiệp tham gia phỏng vấn đánh giá thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, trong đó 84,3% doanh nghiệp bị thu hẹp thị trường tiêu thụ trong nước và 54,3% doanh nghiệp bị thu hẹp thị trường xuất khẩu.

Đối với thị trường xuất khẩu, có đến 47,9% số doanh nghiệp được phỏng vấn cho rằng đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, trong đó có đến 75,7% doanh nghiệp có quy mô vừa và 65,2% doanh nghiệp có quy mô lớn bị sụt giảm đơn hàng; tỷ lệ này đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ lần lượt là 49,6% và 42%. Có 53,2% số doanh nghiệp gặp khó khăn trong lưu thông hàng hóa do thị trường xuất khẩu đang áp dung biện pháp phong tỏa, đóng cửa biên giới; 24,9% doanh nghiệp đánh giá chi phí vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa và chi phí lưu kho tăng…

Tỷ lệ doanh nghiệp thiếu hụt nguyên liệu, hàng hóa đầu vào phân theo quy mô doanh nghiệp và loại hình kinh tế. Ảnh: Cục Thống kê Đà Nẵng

Thị trường tiêu thụ hàng hóa của các doanh nghiệp bị thu hẹp ở hầu hết các loại hình doanh nghiệp. Trong đó, khối doanh nghiệp ngoài Nhà nước bị thu hẹp thị trường tiêu thụ nhiều nhất với 80,4% số doanh nghiệp; tiếp đến là doanh nghiệp FDI với 72%, và doanh nghiệp Nhà nước là 55,2%.

Thị trường xuất khẩu bị thu hẹp nhiều nhất tập trung ở khối FDI với 66,4%, đặc biệt, diễn biến phức tạp của dịch bệnh tại Nhật Bản đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất - xuất khẩu của một số doanh nghiệp có vốn đầu tư Nhật Bản trong lĩnh vực sản xuất - xuất khẩu động cơ, thiết bị điện, điện tử và chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong kim ngạch xuất khẩu của thành phố; khối ngoài Nhà nước là 53,1% và khối Nhà nước là 50%.

Nhìn chung, không có sự khác biệt lớn về tỷ lệ doanh nghiệp bị thu hẹp thị trường tiêu thụ trong nước xét theo quy mô doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu xét về thị trường xuất khẩu bị thu hẹp nhiều nhất thuộc về khối doanh nghiệp có quy mô vừa với 63,8%; doanh nghiệp lớn, nhỏ và siêu nhỏ có tỷ lệ lần lượt là 59,0%; 53,9% và 53,3%.

Một số nhóm ngành có tỷ lệ doanh nghiệp bị thu hẹp thị trường tiêu thụ cao phải kể đến như doanh nghiệp sản xuất đồ uống (94,1%); sản xuất, chế biến thực phẩm 90,6%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất (90,5%); sản xuất trang phục (82,5%)… Bên cạnh lĩnh vực sản xuất, thị trường tiêu thụ hàng hóa, và cung cấp dịch vụ của các doanh nghiệp cũng đối mặt với không ít khó khăn, cụ thể: hoạt động thương mại (82,7%); vận tải kho bãi (81,6%); dịch vụ lưu trú và ăn uống (88%)…

Theo ông Vũ, qua kết quả khảo sát, mong mỏi lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp Đà Nẵng trong lúc này là quá trình ban hành và thực thi chính sách phải thực sự đặt mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp là ưu tiên hàng đầu, điều kiện của chính sách phải phù hợp thực tế, được thực thi nhanh và thuận tiện, đồng bộ từ cấp trung ương tới cấp địa phương, tăng cường đẩy mạnh trực tuyến các quy trình thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, cần có các chế tài mạnh với các khâu thực thi đi ngược chủ trương tạo thuận lợi của Chính phủ cũng được nhiều doanh nghiệp khuyến nghị. Gói hỗ trợ của Chính phủ cần nên hướng tới việc củng cố niềm tin và tạo động lực cho doanh nghiệp. Quá trình thực hiện chính sách phải thực sự đặt mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp làm ưu tiên hàng đầu.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần có các quyết sách và cơ chế giúp chính sách được ban hành nhanh hơn, thực thi nhanh hơn, minh bạch, thuận tiện hơn; đồng thời, thay vì hỗ trợ doanh nghiệp đã kiệt quệ, đổ vỡ thì nên hướng tới chính sách giúp doanh nghiệp tiết giảm dòng tiền chi ra.

Khảo sát cũng cho thấy vấn đề khó khăn trong tiếp cận vốn vay xảy ra ở hầu hết các loại hình doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp Nhà nước có tỷ lệ doanh nghiệp gặp trở ngại nhiều nhất về quy trình, thủ tục vay vốn (84,6%), tiếp đến là doanh nghiệp FDI (75,3%) và doanh nghiệp ngoài Nhà nước (75,1%).

Lĩnh vực sản xuất có tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận vốn khá cao, một số nhóm ngành như sản xuất, chế biến thực phẩm; sản xuất đồ uống; dệt; sản xuất trang phục… có tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn về quy trình, thủ tục vay vốn cao vượt trội so với các ngành khác (trên 80%). Đối với lĩnh vực dịch vụ, tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn về quy trình, thủ tục vay vốn tập trung nhiều ở các ngành như: Nghệ thuật vui chơi, giải trí; dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ; hoạt động kinh doanh bất động sản; thông tin và truyền thông; vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú (trên 75%)…

 

Xem thêm: lmth.gnouht-oaig-iom-cac-yag-tud-od-en-gnan-iah-teiht-peihgn-hnaod-gnan-ad/935903/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Đà Nẵng: Doanh nghiệp thiệt hại nặng nề do đứt gãy các mối giao thương”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools