vĐồng tin tức tài chính 365

Trung Quốc dẫn dắt cuộc đua 'vét hàng' trước mùa đông

2020-10-16 21:22

Trung Quốc dẫn dắt cuộc đua 'vét hàng' trước mùa đông

Ricky Hồ

(TBKTSG Online) - Trung Quốc có vụ lúa mì bội thu, nhưng lượng hàng mua vào của kho dự trữ quốc gia giảm mạnh. Các nhà phân tích dự báo cuộc đua “vét hàng” các loại ngũ cốc trước mùa đông do Trung Quốc dẫn dắt sẽ khiến giá thị trường thế giới gia tăng. Trong khi đó, một số chuyên gia Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi các nước cùng hợp tác và điều phối để tránh giá cả lương thực tăng phi mã.

Trung Quốc có vụ lúa mì bội thu trong năm 2020 dù có các đợt lũ nghiêm trọng vào tháng 6 - Ảnh: Reuters

Nông dân ghim hàng, kho dự trữ thiếu hụt

Tính đến cuối tháng 8, nông dân ở các vùng lúa mì chính yếu của nước này đã bán 49,3 triệu tấn – thấp hơn cùng kỳ năm trước 20%. Caixin dẫn số liệu của chính phủ nước này cho thấy: Hơn 43 triệu tấn (tức 86%) bán cho các nhà máy xay xát và chế biến, tăng đến 70% so với năm ngoái. Phần còn lại tương đương 6,2 triệu tấn bán cho Cơ quan dự trữ chiến lược và thực phẩm quốc gia, giảm đến 70%.

Lo ngại về an toàn lương thực gia tăng ở Trung Quốc sau khi dịch bệnh kéo đến và các đợt lũ lớn vào tháng 6 đã nhận chìm phần lớn diện tích canh tác. Mối lo ngại thiếu các loại lương thực thiết yếu như gạo và lúa mì đã khiến giá cả tăng vọt, mặc cho các quan chức trấn an rằng kho dự trữ vẫn đầy và các đợt tăng giá gần đây chỉ là tạm thời.
“Lượng lúa mì chính phủ mua đã giảm trong năm nay, trong khi thị trường lại là kênh mua vào là chủ yếu”, Tang Ke, quan chức cấp cao của Bộ Nông nghiệp và Nông thôn sự vụ, nói tại một cuộc họp báo.

Từ năm 2006, chính phủ đã thu mua lúa mì từ nông dân với giá cố định để đảm bảo người trồng không bị thiệt khi giá thị trường trượt dài. Nhưng phần lớn giá mua của chính phủ đều thấp hơn. Giá thị trường của lúa mì chất lượng trung bình tại các vùng lúa mì trọng điểm ở Trung Quôc đạt 2.421 nhân dân tệ, tức 354 đô la, mỗi tấn. Trong khi đó, giá mua vào của nhà nước chỉ 2.240 tệ. Với lúa mì thượng phẩm, giá thị trường mỗi tấn từ 2.440 – 2.460 tệ, trong khi giá thu mua của nhà nước là 2.320 tệ, theo số liệu của hãng nghiên cứu hàng hóa Sublim China Information.

Giá bắp gia tăng giữa các đợt lũ đã khiến nông dân nhiều tỉnh chuyển sang dùng lúa mì làm thức ăn gia súc, khiến nhu cầu lúa mì tăng vọt. Tại chợ bán sỉ ngũ cốc Trường Châu, nằm ở tỉnh trồng lúa mì Hồ Nam ở miền Trung, giá lúa mì chất lượng cao đã tăng 6,6% trong tháng 7.

Khi nông dân mong đợi kiếm lời nhiều hơn, họ ít quan tâm đến chuyện bán mà sẽ chuyển sang tích trữ. Nhưng một số nhà buôn nói rằng giá sẽ không tăng nhiều trong thời gian tới bởi các nhà máy bột mì sẽ không thể nhập thêm lúa nguyên liệu. Trong khi đó, ông Tang Ke khẳng định giá bắp sẽ giảm dần.

Trung Quốc có vụ thu hoạch lúa mì bội thu mùa hè này, với sản lượng tăng thêm 756.000 tấn – tăng 0,6%, trong khi diện tích trồng lại giảm 1,2%.

Tuy vậy, thu hoạch của tỉnh Hồ Nam, vốn chiếm gần 30% sản lượng toàn quốc, lại giảm do thiên tai, bao gồm đợt lạnh và hạn hán vào đầu năm nay. Chính phủ đã mua 9,1 triệu tấn lúa mì từ Hồ Nam, giảm 5,4 triệu tấn so với năm trước – tức giảm gần 40%. Đây là mức giảm kỷ lục trong các tỉnh trồng lúa mì. Trong khi đó, nông dân cũng nói rằng sản lượng của họ giảm hơn 20%. Một nhà buôn nói lượng lúa mì ông mua giảm đi gần 1.000 tấn, tức chỉ bằng 50% của năm 2019.

Giá thu mua lúa mì (lằn đỏ) của các kho dự trữ nhà nước ở Trung Quốc luôn thấp hơn thị trường tự do – Đồ họa: Caixin

Hợp tác toàn cầu để ổn định nguồn cung

“Nếu các nước không đồng lòng và hợp tác để bảo đảm nguồn cung toàn cầu ổn định, nếu họ chỉ chăm chăm đặt lợi ích quốc gia mình hàng đầu, tình hình sẽ tồi tệ hơn”, ông Tim Benton – Giám đốc nghiên cứu của tổ chức tư vấn Chatham House của Anh – nhận định.

Ông cảnh báo rằng việc mua sắm “điên cuồng” cùng với chính sách bảo hộ khiến giá có thể tăng cao – một chu kỳ vòng tròn không bao giờ kết thúc. “Nếu bạn hoảng loạn mua lương thực ở vụ mùa tương lai, chắc chắn giá sẽ tăng liên tục. Và khi giá lên, các nhà hoạch định chính sách lại càng hoảng hơn”, ông Benton nói. 

Khi giá lương thực tăng, mầm mống bất ổn cũng xuất hiện. Trong lịch sử, giá bánh mì từng là ngòi nổ cho các bất ổn xã hội và chính trị. Trong các đợt giá thực phẩm tăng vọt vào năm 2011 và 2018, đã xảy ra các đợt bạo động do tranh giành thực phẩm ở hơn 30 nước khắp châu Phi, châu Á và Trung Đông. “Không có nguồn cung thực phẩm, các liên kết xã hội có thể tan rã”, Benton nhận định.

Không như các đợt lạm phát phi mã trước đây, kho dự trữ toàn cầu các loại thực phẩm thiết yếu như gạo, bắp, lúa mì và đậu nành hiện đang dồi dào – theo lời ông Dan Kowalski, phó chủ tịch của CoBank, một quỹ của Mỹ đã cho vay đến 145 tỉ đô la tín dụng nông nghiệp. Ông nói các nhà xuất khẩu hiện sẽ không được lợi nhiều lắm khi giá tăng.

Các đợt tăng giá trong thập niên trước chủ yếu do thời tiết cực đoan gây ra với mùa màng, chính sách bất hợp thời của nhiều nước khiến tình hình trầm trọng hơn. Chẳng hạn, năm 2010 nước Nga gặp tình trạng khô hạn và nóng kỷ lục, làm ảnh hưởng đến thu hoạch lúa mì. Chính phủ Nga đã cấm xuất khẩu để ổn định nguồn cung trong nước. Các chỉ số về giá thực phẩm toàn cầu của Liên Hiệp Quốc đạt mức cao kỷ lục vào tháng 2-2011.

“Với tình hình hiện nay, đây không phải là thời điểm đưa ra các chính sách tương tự như vậy. Ngược lại, đây là lúc cần phải hợp tác để kiểm soát và điều phối”, nhà kinh tế chính Maximo Torero của FAO kêu gọi ngay từ tháng 6.
Đồng đô la Mỹ có xu hướng tăng mạnh so với các loại tiền tệ khác. Điều này đồng nghĩa sức mua của các nước cũng giảm bởi hàng hóa thường được yết giá bằng đồng đô la xanh. “Cuối cùng, khi có bất cứ gián đoạn nào vì bất cứ lý do gì, các nước kém phát triển nhất với đồng nội tệ yếu sẽ bị tổn hại nhiều nhất”, bà Ann Berg kết luận.

Xem thêm: lmth.gnod-aum-court-gnah-tev-aud-couc-tad-nad-couq-gnurt/145903/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Trung Quốc dẫn dắt cuộc đua 'vét hàng' trước mùa đông”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools