vĐồng tin tức tài chính 365

Những thách thức chờ đợi kinh tế Việt Nam

2020-10-16 23:40

Những thách thức chờ đợi kinh tế Việt Nam

Hoàng Thắng

(TBKTSG Online) - Thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao và giải bài toán thị trường đầu ra cho các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ là hai trong số nhiều thách thức với kinh tế Việt Nam trong bối cảnh đầy bất định của thế giới.

Tốc độ phát triển kinh tế Việt Nam năm 2020 đã chậm lại do ảnh hưởng của dịch Covid-19. (Ảnh: Thành An)

Chia sẻ với TBKTSG Online, PGS. TS Tô Trung Thành – Trưởng phòng Quản lý khoa học thuộc trường Đại học Kinh tế Quốc dân – dự báo quá trình phục hồi của nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với không ít rào cản - xuất phát từ cơ cấu kinh tế được xây dựng trong quá khứ.

Những chỉ báo đáng lo ngại

Thưa ông, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 2,12% sau chín tháng của năm 2020 nhờ sự đóng góp lớn của lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Số liệu này đang thể hiện điều gì?

Số liệu này cho thấy vai trò của công nghiệp chế biến, chế tạo với tăng trưởng của ngành công nghiệp và xây dựng nói riêng và đối với nền kinh tế nói chung. Điều này cũng đồng thời phản ánh vai trò quan trọng và đầu tầu của khu vực FDI trong nền kinh tế.

Dù đây là mức tăng thấp nhất trong 9 tháng trong một thập kỷ qua do tác động của việc gián đoạn chuỗi cung ứng quốc tế ở cả thượng nguồn và hạ nguồn, nhưng đây là những con số thống kê khả quan hơn hầu hết các nước trong khu vực. Điều này cũng hàm ý lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang và sẽ tiếp tục là động lực cho tăng trưởng kinh tế những năm tới.

Đặc thù ở Việt Nam là để xuất khẩu thì doanh nghiệp phải nhập khẩu rất nhiều, vì vậy nền kinh tế ngay lập tức gặp vấn đề khi các chuỗi cung ứng toàn cầu bị ngưng trệ. Ông đánh giá như thế nào về rủi ro này khi dịch Covid-19 có thể kéo dài sang năm 2021?

Ngành chế biến, chế tạo, đặc biệt những ngành đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế như dệt may, giầy da, điện tử, lắp ráp ô tô đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Đây là ngành tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, khi nguồn nguyên liệu đầu vào chủ yếu nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc, còn sản phẩm đầu ra được xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu.

Giá trị nguyên liệu được Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm đến 30% tổng kim ngạch nhập khẩu, chủ yếu là các nguyên liệu đầu vào sản xuất và máy móc, thiết bị. Cụ thể, giá trị nhập khẩu đầu vào công nghệ, máy móc và thiết bị điện tử, điện thoại, linh kiện từ Trung Quốc lần lượt chiếm tỷ trọng 34,16%, 38,62% và 29,80% tổng kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng tương ứng trong năm 2019. Việt Nam cũng nhập khẩu máy vi tính, linh kiện điện từ Hàn Quốc chiếm thị phần cao nhất gần 35%.

Vì vậy tình trạng đình trệ sản xuất tại Trung Quốc và Hàn Quốc, cùng sự hạn chế giao thương giữa Việt Nam và hai quốc gia này trong những tháng đầu năm – khi Covid-19 bùng phát - đã làm đứt đoạn khâu sản xuất trong chuỗi giá trị tại Việt Nam. Bên cạnh đó, thượng nguồn của chuỗi giá trị mà Việt Nam tham gia là Mỹ và EU cũng đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 - khiến việc xuất khẩu sang các thị trường gặp khó khăn, thậm chí là suy giảm giá trị xuất khẩu. Như vậy, cả thượng nguồn và hạ nguồn của chuỗi giá trị mà Việt Nam tham gia đều bị ảnh hưởng nặng nề.

Covid-19 từng khiến hoạt động sản xuất - kinh doanh ở Việt Nam rơi vào tình trạng đình trệ. (Ảnh: Trọng Hiếu).

Hiện tình hình Covid-19 tại Trung Quốc và Hàn Quốc đang dần được kiểm soát, các quốc gia này đã bước qua đỉnh dịch nên nguồn cung ứng nguyên vật liệu, linh - phụ kiện nhập khẩu cho các ngành sản xuất tại Việt Nam đang được phục hồi dần. Vấn đề hiện nay và thời gian tới với nước ta là tìm thị tường tiêu thụ cho các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo khi tình hình dịch bệnh tại Mỹ và châu Âu được dự đoán còn diễn biến phức tạp.

Sự phụ thuộc ngày càng lớn của kinh tế Việt Nam vào đầu tư nước ngoài (FDI) - chiếm tới hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu, gần 50% tổng sản lượng công nghiệp - sẽ khiến nền kinh tế Việt Nam đối mặt với rủi ro gì trong tương lai?

 

"Tương tự bẫy thu nhập trung bình, bẫy giá trị thấp xuất hiện khi chúng ta không có giải pháp để cải thiện tình trạng ở dưới đáy của chuỗi giá trị toàn cầu", PGS. TS Tô Trung Thành nhận xét.

Các doanh nghiệp FDI đang thể hiện sự lấn lướt so với các doanh nghiệp trong nước do việc được thụ hưởng rất nhiều ưu đãi về cơ chế - gồm chủ chương trải thảm đỏ thu hút đầu tư ở nhiều địa phương, tâm lý bỏ qua những tiêu chuẩn về môi trường, ưu đãi về thuế và điều kiện kinh doanh – đã giúp họ tận dụng tốt những lợi thế cạnh tranh của Việt Nam như nguồn tài nguyên dồi dào, lao động trẻ, giá nhân công thấp. Ngoài ra, họ cũng sở hữu năng lực tài chính, công nghệ, quản trị tốt hơn các doanh nghiệp trong nước về. Bên cạnh đó, xu hướng xác lập chuỗi sản xuất Đông Á của các công ty đa quốc gia - trong đó xây dựng Việt Nam là điểm cuối của chuỗi trước khi xuất các sản phầm sang Mỹ, Nhật Bản hay EU - cũng làm gia tăng đáng kể sự hiện diện của các doanh nghiệp FDI.

Nhưng sau nhiều năm tham gia vào nền kinh tế Việt Nam, các doanh nghiệp FDI vẫn chủ yếu tập trung vào ngành khai thác tài nguyên, gia công tận dụng lao động giá rẻ - giá trị gia tăng thấp tạo ra cho nền kinh tế rất thấp - về cơ bản là sản xuất gia công. Tương tự như “bẫy thu nhập trung bình”, “bẫy giá trị thấp” xuất hiện khi chúng ta không có giải pháp để cải thiện tình trạng ở dưới đáy của chuỗi giá trị toàn cầu. Liệu điều gì sẽ xảy ra với nền kinh tế nếu các doanh nghiệp FDI rời khỏi Việt Nam khi những lợi thế về chính sách và nhân công giá rẻ của Việt Nam không còn nữa?

Thêm vào đó, khi các doanh nghiệp FDI phát triển mạnh mẽ bằng những ưu đãi chính sách thì khu vực kinh tế trong nước chủ yếu vẫn dựa vào kinh doanh cá thể với mức đóng góp là 31% GDP, còn doanh nghiệp tư nhân khu vực chính thức  đóng góp còn rất ít – chỉ khoảng 8% GDP. Khu vực kinh tế tư nhân - gồm kinh doanh cá thể và doanh nghiệp – bên cạnh việc bị khu vực kinh tế Nhà nước và FDI chèn lấn, cũng tự chèn lấn lẫn nhau khi vẫn tồn tại các doanh nghiệp tư nhân “sân sau” khiến môi trường kinh doanh bị méo mó.

Tính kết nối giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn lỏng lẻo. Các doanh nghiệp FDI có công nghệ cao ít tạo được hiệu ứng lan tỏa về công nghệ với các doanh nghiệp trong nước do khoảng cách công nghệ giữa hai nhóm doanh nghiệp này và sự thiếu vắng của lực lượng lao động trình độ cao - làm giảm khả năng hấp thụ những tiến bộ công nghệ.

Bên cạnh đó, một bộ phận doanh nghiệp FDI đã lợi dụng những quy định về môi trường còn lỏng lẻo để di dời các ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường đến Việt Nam – trở thành một trong những tác nhân quan trọng gây ô nhiễm môi trường những năm gần đây.

Như vậy có nghĩa việc thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao sẽ tiếp tục gặp khó khăn tron thời gian tới, thưa ông? 

Hiện Chính phủ Việt Nam đã có những thay đổi nhất định về tư duy và có những quy định khắt khe hơn trong thu hút FDI – hướng các doanh nghiệp này vào những ngành tạo giá trị gia tăng cao, ít gây ô nhiễm môi trường, phục vụ phát triển kinh tế bền vững. Luật Bảo vệ Môi trường 2014 cũng đã có những điều khoản liên quan đến đánh giá tác động môi trường phù hợp hơn với luật pháp quốc tế với những tiêu chí đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư, trong đó có FDI. Có thể nói, trong thời gian tới các vấn đề liên quan đến môi trường sẽ được tính toán và cân nhắc cẩn trọng hơn khi quyết định phê duyệt dự án đầu tư FDI.

Tuy nhiên, việc thực thi vẫn gặp khó khăn do các nguyên nhân. Thứ nhất, năng lực thực thi các quy định về bảo vệ môi trường còn kém.

Thứ hai, việc phân cấp phê duyệt đầu tư cho các địa phương vẫn khiến các địa phương thu hút FDI bằng những quy định dễ dãi về môi trường. Ngoài ra, năng lực thẩm định vấn đề về môi trường của các dự án FDI tại nhiều địa phương còn thấp.

Thứ ba, năng lực khoa học và công nghệ thấp, thiếu ngành công nghiệp phụ trợ, lao động năng suất thấp vẫn là những cản trở chính trong việc thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao vào các ngành có giá trị gia tăng cao, ít gây ô nhiễm môi trường.

Một số đơn vị nghiên cứu đã dự báo nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng có thể tăng lên 3% và cuối năm 2020 và 3,5-4% trong năm 2021. Cá nhân ông có lo ngại với điều này?

Hiện nay và trong thời gian sắp tới, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn do tác động của Covid-19, những khó khăn về dòng tiền và doanh thu là điểm mấu chốt khiến kết quả hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng, từ đó gây áp lực đến hệ thống ngân hàng khi tỷ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng. Đây là một hiện tượng rất đáng lo ngại.

Kết quả báo cáo tài chính quý 2-2020 của hầu hết các ngân hàng thương mại cho thấy nợ xấu tăng lên cao trong nửa đầu năm 2020 và sẽ tiếp tục gia tăng ở quý 3 và quý 4 khi các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn hơn. Thậm chí, nợ xấu có thể tăng cao trong năm 2021 khi những chính sách ưu đãi hỗ trợ lần thứ nhất hết hiệu lực.

Trong thời gian trước Covid-19, toàn ngành ngân hàng đã rất nỗ lực để kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, nhưng tình hình Covid-19 có thể phá vỡ những nỗ lực trong nhiều năm qua của cả hệ thống. Quá trình tái cơ cấu hệ thống gắn với xử lý nợ xấu theo đó bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Gia tăng nguồn lực cho kinh tế tư nhân

Ông có thể đề xuất giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn trên?

Khu vực FDI đóng góp khoảng 20% GDP, còn khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân lần lượt đóng góp 30% và 40% GDP những năm gần đây. Nhưng dưới tác động của Covid-19, khu vực FDI đã chịu ảnh hưởng lớn do các doanh nghiệp trong khu vực này đều tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu trong bối cảnh  hạ nguồn và thượng nguồn của chuỗi giá trị đều chịu ảnh hưởng mạnh của dịch bệnh. Thậm chí, dịch bệnh lần này sẽ làm gia tăng xu hướng bảo hộ và chống toàn cầu hóa trong vài năm gần đây nên khu vực FDI rất khó trở thành đầu tầu để kéo nền kinh tế hồi phục nhanh như vẫn là đầu tầu tăng trưởng nhiều năm gần đây.

Khu vực Nhà nước chủ yếu là các doanh nghiệp lớn. Số liệu thống kê cho thấy dù doanh nghiệp Nhà nước chỉ chiếm khoảng 0,8% tổng số doanh nghiệp trong nền kinh tế, nhưng trong nhóm doanh nghiệp quy mô lớn có tới 72% số doanh nghiệp là doanh nghiệp Nhà nước. Những doanh nghiệp này chịu tác động nặng nề từ Covid-19, nhưng khả năng linh hoạt thích ứng với các điều kiện khó khăn thì kém hơn các khu vực khác, vì vậy khả năng phục hồi sẽ chậm hơn.

Còn khu vực tư nhân - phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các đơn vị cá thể, hộ kinh doanh với quy mô rất nhỏ - lại có đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng GDP và khu vực có khả năng thích ứng nhanh với những cú sốc nếu có những hỗ trợ đúng và trúng của Chính phủ. Đồng thời, khu vực này ít tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu như hai nhóm doanh nghiệp còn lại nên sẽ ít lệ thuộc vào tình hình dịch bệnh phức tạp trên thế giới.

Vì vậy, Chính phủ cần tập trung tạo điều kiện tốt hơn về cơ chế, tài chính, môi trường kinh doanh, chính sách phát triển để thúc đẩy sự hồi phục nhanh chóng của khu vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh cá thể. Sự hồi phục nhanh chóng của khu vực cũng sẽ đóng góp lớn vào tăng trở lại thu nhập của đại đa số người lao động của nền kinh tế khi khu vực kinh tế ngoài nhà nước hiện tạo ra 85% tổng số việc làm của cả nước. Từ đó, cầu của nền kinh tế cũng sẽ gia tăng. 

Hoạt động bán lẻ, dịch vụ ở nhiều địa phương chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. (Ảnh: Trọng Hiếu)

Nhưng tôi xin lưu ý là Chính phủ phải đảm bảo những thành viên yếu thế, dễ bị tổn thương này còn sức để tồn tại trong giai đoạn dịch bệnh, duy trì sản xuất vượt qua khó khăn trước khi bước vào chu trình hồi phục. Việc cần làm là nhanh chóng thực thi và có cam kết mạnh mẽ với các giải pháp hỗ trợ hiện nay cho khu vực này, thậm chí thiết kế gói hỗ trợ riêng, tập trung vào hỗ trợ khả năng thanh khoản dòng tiền cho doanh nghiệp thông qua các giải pháp tiền tệ và tài khoá.

Chính phủ cũng cần kéo dài thời gian các gói hỗ trợ để doanh nghiệp này có đủ thời gian hoàn các khoản được giãn, hoãn trong thời gian qua để phục hồi sản xuất kinh doanh một cách bền vững. Các chính sách hỗ trợ cũng cần rõ ràng và minh bạch về thủ tục cũng như đối tượng được hưởng các gói chính sách. Cần giảm thiểu những phiền hà về thủ tục và quy trình tiếp cận các gói hỗ trợ, đặc biệt là thủ tục chứng minh về tài chính.

Vậy nguồn lực ngân sách có vai trò như thế nào trong quá trình phục hồi nền kinh tế sắp tới?

Trong bối cảnh các nguồn lực tư nhân và FDI đều bị giảm sút nghiêm trọng thì vai trò vốn từ ngân sách Nhà nước trở nên quan trọng và cần được tăng cường, trở thành một giải pháp quan trọng trong giai đoạn đặc biệt này. Đặc biệt tiến độ và lượng vốn ngân sách Nhà nước cần được đẩy nhanh và mạnh hơn nữa.

Tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công đã diễn ra trong bốn năm gần đây do vướng phải những cập khi thực hiện Luật Đầu tư công. Cụ thể, thể chế pháp luật về đầu tư công chưa thực sự đồng bộ, thống nhất và hoàn thiện đã dẫn đến những khó khăn trong quá trình triển khai và giải ngân vốn, đặc biệt là khó khăn về đất đai, thủ tục hành chính. Đây chính là những điểm nghẽn cần phải giải quyết để khai thông nhanh dòng vốn này - mang tới sự đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng, từ đó nâng cao năng lực sản xuất và tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Tiếp đó, cần củng cố và tăng chi tiêu vào an sinh xã hội, gồm gia tăng chuyển giao thu nhập cho nhóm đối tượng nhất định như trợ cấp thất nghiệp, giảm thuế cho nhóm thu nhập thấp, nâng mức khởi điểm thuế Thu nhập cá nhân. Chính phủ và các địa phương cần đặc biệt lưu ý tới những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương - người lao động trình độ thấp, những đơn vị cá thể ở khu vực phi chính thức. Đây là những nhóm đối tượng có thể làm việc từ xa (online) nếu dịch bệnh tiếp diễn và là  những người có tốc độ suy giảm thu nhập nhanh nếu kinh tế rơi vào suy thoái.

Cuối cùng, đây cũng là cơ hội để cải cách cải cách tài khóa theo hướng bền vững và hỗ trợ tăng trưởng. Cụ thể, cần cải cách hệ thống thuế nhằm giảm bớt gánh nặng thuế khóa, tạo nguồn thu ngân sách ổn định và cân bằng cần được coi là quan điểm chủ đạo. Đồng thời, cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng ổn định và gia tăng hiệu quả đầu tư phát triển - chỉ bố trí vốn ngân sách cho những công trình thật sự cần thiết, có hiệu quả cao và kiểm soát chặt chẽ đầu tư công nhằm tránh đầu tư dàn trải gây lãng phí, thất thoát, tham nhũng.

Việc quản lý nợ công cũng phải bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, kỷ luật, giám sát chặt chẽ, sử dụng hiệu quả và đánh giá theo kết quả đầu ra, phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Xem thêm: lmth.man-teiv-et-hnik-iod-ohc-cuht-hcaht-gnuhn/045903/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Những thách thức chờ đợi kinh tế Việt Nam”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools