Bà Đỗ Thị Tám - mẹ thượng tá Hoàng Mai Vui - nặng trĩu nỗi buồn khi biết tin con trai hi sinh - Ảnh: HÀ ĐỒNG
Mẹ già chờ tin con
Mấy ngày này, bà con khu phố cùng người thân đến ngôi nhà nhỏ ở ngõ 58, phố Tô Vĩnh Diện, phường Điện Biên, TP Thanh Hóa hỏi thăm thông tin về thượng tá Hoàng Mai Vui và chia sẻ, an ủi, động viên bà Đỗ Thị Tám (83 tuổi), mẹ của thượng tá Vui.
Thượng tá Vui là một trong số 13 người hi sinh ở Trạm bảo vệ rừng 67, tỉnh Thừa Thiên Huế rạng sáng 13-10.
Bà Tám ngồi thẫn thờ nhìn ra ngõ hẹp, miệng lẩm bẩm gọi tên con trai. Bà kể trong tiếng nấc nghẹn, rằng thượng tá Vui là người con hiếu thảo. Khi còn công tác ở Tây Nguyên, đến khi về Thanh Hóa, rồi chuyển vào Quân khu 4, lúc nào về thăm gia đình anh Vui cũng chăm lo cho mẹ.
Phần quà cho người mẹ bị cao huyết áp mỗi lần thượng tá Vui về thăm nhà không thể thiếu thuốc phòng bệnh, sữa uống cho người già. Anh Vui chăm sóc mẹ cẩn thận, nhắc mẹ uống thuốc và ăn cơm đúng giờ.
"Hơn 30 năm qua, từ khi đi học rồi làm nhiệm vụ trong quân đội, Vui chưa bao giờ làm tôi buồn lòng. Tuần trước về thăm gia đình, Vui nói sẽ xin nghỉ phép vài ngày để có thời gian chăm sóc mẹ già và đưa con trai của Vui đi nhập học đại học ở Hà Nội vào cuối tuần này.
Vậy mà Vui ra đi đột ngột quá, còn dở dang dự định với với gia đình. Vui hi sinh vì dân, vì nước nhưng tôi đau buồn lắm", bà Tám tâm sự.
Thượng tá Hoàng Mai Vui (bìa trái) trong một chuyến công tác tại Thanh Hóa - Ảnh: Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa cung cấp
Ngày con trai nhập học thiếu vắng bóng cha
Từ hôm nghe tin dữ, chị Tống Lê Mỹ Linh, vợ thượng tá Vui, khóc ngất liên tục, nói không rõ tiếng, nằm bẹp trong phòng, người thân phải cận kề chăm sóc. Kiệt sức vì nỗi đau, chị Linh không thể vào Thừa Thiên Huế đưa thi hài chồng về quê.
Chị Hoàng Thị Giang, chị gái thượng tá Vui, cho biết anh Vui là con thứ 5 trong gia đình có 6 chị em.
"Cậu Vui sống tình cảm lắm, luôn yêu thương các chị. Ngày trước, bố mẹ làm công nhân nông trường, nuôi 6 chị em ăn học cũng vất vả. Cậu Vui là người luôn cố gắng nỗ lực trong học hành, nên được phục vụ lâu dài trong quân đội. Mấy năm nay cuộc sống đỡ vất vả, đến lúc phụng dưỡng mẹ già, lo cho vợ con thì cậu Vui lại vội vã ra đi vì dân, vì nước", chị Giang chia sẻ.
Được biết, anh Vui có hai con, con lớn vừa đỗ vào Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam, chuẩn bị nhập học cuối tuần này. Con thứ hai năm nay bước vào lớp 10.
Buổi chiều mưa sau hoàn lưu bão số 7 khiến bầu trời TP Thanh Hóa xám xịt, u ám. Ngoài người thân của thượng tá Hoàng Mai Vui, bà con khu phố ở ngõ 58, phố Tô Vĩnh Diện, phường Điện Biên, TP Thanh Hóa cũng tập trung tại nhà anh để phụ gia đình lo việc hậu sự.
Ông Nguyễn Đức Nư, hàng xóm lâu năm với thượng tá Vui, chia sẻ anh Vui là người sống hòa đồng. Mỗi lần về thăm gia đình, anh Vui đều đến chơi với bà con khu phố, hỏi han sức khỏe từng người.
"Tuần trước Vui về thăm gia đình, nói với tôi là nền con ngõ thấp quá, cần được đổ bêtông cho cao lên, tránh ngập lụt mỗi lúc mưa lũ. Vui bảo gần tết sẽ dành thời gian về cùng khu phố đổ bêtông con ngõ để đi lại cho thuận lợi. Nay Vui đã hi sinh khi dự định này còn dang dở", ông Nguyễn Đức Nư buồn rầu nói.
TTO - Bốn bề nước lũ bủa vây đục ngầu là những tấm ảnh cuối của chàng đại úy trẻ trước khi đi vào nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 cứu nạn người mất tích gửi về cho người cha ở quê nhà.
Xem thêm: mth.99524138161010202-coh-pahn-ion-ah-id-iart-noc-aud-es-pehp-ihgn-nix-naut-iouc-ion-iuv/nv.ertiout