Thêm nhân tố mới hỗ trợ cho nhóm cổ phiếu ngân hàng
Đăng Linh
(TBKTSG) - Dường như trong ngắn hạn, nhà đầu tư đang tạm quên đi những rủi ro mang tính cơ bản của ngành ngân hàng liên quan đến nợ xấu tăng do dịch Covid-19 hay tín dụng đang tăng trưởng chậm lại trong năm nay.
Hành lang pháp lý đã sẵn sàng
Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định 121/2020/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung Nghị định 91 nhằm mở rộng phạm vi đầu tư bổ sung vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Trong đó, trường hợp được bổ sung đáng chú ý nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, áp dụng đối với các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Điều chỉnh trên là cơ sở pháp lý để các ngân hàng thương mại cổ phần gốc quốc doanh lớn đang niêm yết trên sàn chứng khoán như VietinBank, Vietcombank và BIDV được phép chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn thặng dư nhằm tăng vốn điều lệ, nâng cao hệ số an toàn vốn.
Trên thực tế, tăng vốn điều lệ đã và đang là yêu cầu bức thiết của các ngân hàng khi năm nay họ phải tuân thủ Thông tư 41/2016 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tức hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng thương mại (NHTM) phải được tính toán đầy đủ theo chuẩn Basel 2.
Trong khi đó, tăng vốn luôn là bài toán khó đối với hệ thống ngân hàng trong nhiều năm qua. Năm 2019, tổng vốn điều lệ của các NHTM cổ phần có vốn nhà nước là 155.153 tỉ đồng (chỉ tăng 4,91% so với năm 2018) trong khi tổng vốn điều lệ của NHTM cổ phần là 284.698 tỉ đồng (tăng 6,54% so với năm 2018).
Còn tại thời điểm cuối tháng 7-2020 thì tổng vốn điều lệ của các NHTM cổ phần có vốn nhà nước là 155.198 tỉ đồng, chỉ tăng 0,03% so với cuối năm 2019 trong khi tại các NHTM cổ phần là 290.106 tỉ đồng, tăng 1,9%. Việc quy mô vốn tăng rất chậm tại các NHTM cổ phần gốc quốc doanh là một trong những nguyên nhân lớn hạn chế đà tăng trưởng của nhóm ngân hàng này.
Do vậy, việc ban hành Nghị định 121 đã được các NHTM cổ phần gốc quốc doanh mong ngóng từ lâu nhằm có hành lang pháp lý để đẩy nhanh việc tăng vốn điều lệ. Bên cạnh đó, tăng vốn cho các NHTM nhóm này cũng là nhiệm vụ quan trọng của ngành, được Thống đốc NHNN nhấn mạnh trong những năm trở lại đây.
Cấp thiết tăng vốn nhất là Vietinbank
Hiện trong bốn ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, Agribank và VietinBank là hai cái tên có nhu cầu cấp thiết tăng vốn nhất để đảm bảo hệ số CAR. Vốn điều lệ của VietinBank đã không thể tăng kể từ năm 2014 đến nay trong khi vốn điều lệ của Agribank cũng tăng rất chậm.
Tại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2020 của VietinBank diễn ra ngày 23-5-2020, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank cho biết: VietinBank đã đề xuất phương án chia cổ tức để lại toàn bộ lợi nhuận năm 2019 bên cạnh việc trích quỹ dự phòng tài chính 10% vốn điều lệ, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ 5% để tăng vốn (khoảng 6.000 tỉ đồng).
Bên cạnh đó, VietinBank cũng dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu từ toàn bộ lợi nhuận sau thuế và trích lập các quỹ năm 2017-2018. Trước đó, vào trung tuần tháng 4-2020, Fitch Ratings đã công bố hạ triển vọng xếp hạng tín nhiệm của VietinBank từ “tích cực” xuống “ổn định”. Động thái này xuất phát từ số liệu tăng trưởng thấp của kinh tế Việt Nam do ảnh hưởng của dịch Covid-19 có thể tác động tiêu cực đến hoạt động tín dụng của các ngân hàng trong thời gian tới.
Ở một vị thế thuận lợi hơn, nhu cầu tăng vốn nhằm đáp ứng hệ số CAR của hai “ông lớn” khác là Vietcombank và BIDV không quá cấp thiết như VietinBank do hai ngân hàng này đã tăng được vốn thông qua phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược.
Tuy vậy, Vietcombank và BIDV cũng có kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu. Vietcombank có kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn cổ phần từ chi trả cổ tức năm 2018 bằng cổ phiếu trong năm nay với tỷ lệ 18%. Thời gian thực hiện dự kiến trong nửa cuối năm 2020, thời điểm cụ thể do hội đồng quản trị quyết định sau khi được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.
Tuy nhiên, trước Nghị định 121, tiến trình này bị vướng do ngân hàng không nằm trong lĩnh vực được tái đầu tư của Nhà nước (sở hữu thêm cổ phần). Với Nghị định 121 mới, các ngân hàng sẽ “rộng cửa” thực hiện các kế hoạch tăng vốn, chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Hiện tại, BIDV là ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất hệ thống với 40.220 tỉ đồng. Theo sau lần lượt là VietinBank (37.234 tỉ đồng), Vietcombank (37.088 tỉ đồng), Agribank (30.641 tỉ đồng).
Với thông tin mới này, nhóm cổ phiếu ngân hàng đang niêm yết trên sàn chứng khoán sẽ có thêm động lực để tăng giá xét trong bối cảnh cổ phiếu VCB của Vietcombank, CTG của VietinBank hay BID của BIDV đều là những cổ phiếu có vốn hóa lớn và ảnh hưởng không nhỏ tới diễn biến của VN-Index. Đặc biệt với CTG, nút thắt tăng vốn đã được nhà đầu tư kỳ vọng trong một thời gian dài. Với nhân tố mới là Nghị định 121, các cổ phiếu ngân hàng được kỳ vọng sẽ tiếp tục diễn biến tích cực trong ngắn hạn.
Xét ở bình diện rộng hơn, bên ngoài thông tin nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần gốc quốc doanh sẽ sớm tăng được vốn thì cổ phiếu nhóm NHTM cổ phần tư nhân thời gian gần đây cũng xuất hiện nhiều câu chuyện riêng mang tính hỗ trợ.
Từ việc nộp hồ sơ lên sàn như Nam A Bank đến việc chuyển sàn của các ngân hàng như ACB, SHB, VIB... hay các giao dịch dựa nhiều vào “tin đồn” liên quan cổ phiếu STB. Tất cả những luồng thông tin này giúp dòng tiền liên tục xoay vòng, tạo nên giao dịch sôi động tại nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Diễn biến này cho thấy yếu tố tiền rẻ hiện vẫn đang là lực đẩy chính đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng nói riêng và thị trường chứng khoán nói chung.
Xem thêm: lmth.gnah-nagn-ueihp-oc-mohn-ohc-ort-oh-iom-ot-nahn-meht/993903/nv.semitnogiaseht.www