Thủ Đức hay Sài Gòn...
HUY NAM
LTS: Đã có khá nhiều bài viết về Sài Gòn-TPHCM đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn (*) như “Sài Gòn không chỉ có bờ Tây”, “Từ Tao Đàn nhìn ra cửa ngõ Sài Gòn”, “Sài Gòn nay là địa danh nào”... ghi nhận và gợi mở các góc nhìn, hướng nhìn trước các vấn đề cụ thể của thành phố. Nay, với việc chuẩn bị thành lập thành phố Thủ Đức, chính quyền TPHCM đang tập hợp ý kiến đóng góp của người dân về chuyện lớn này, tác giả HUY NAM trở lại với một số nội dung cũ mới về Sài Gòn...
Thủ Đức nhìn từ trên cao. Ảnh: Thành Hoa |
Sài Gòn nhìn từ bờ Thủ Thiêm. Ảnh: N.K |
Phát triển Sài Gòn sang bờ Đông là mong ước đã gần trăm năm qua của người Sài Gòn. Cụ thể hơn là từ những năm 1960, lúc xây cầu Sài Gòn và mở xa lộ Biên Hòa năm 1961, cùng các đề án quy hoạch bài bản qua Thủ Thiêm vào các năm 1968 và 1972 với cái tên truyền miệng thời ấy là “New Saigon”. Những năm gần đây, một cách gọi khác theo hướng nhìn là Đông Sài Gòn đang dần hiện thực với Thủ Thiêm và những toan tính về một thành phố động lực mới gồm quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức.
Thế nhưng, trong khi người Sài Gòn nặng tình với bờ Đông như vậy thì bỗng một “Đông Sài Gòn” khác lại xuất hiện bên kia sông Đồng Nai, với sự kiện khởi công dự án đô thị Đông Sài Gòn tại Nhơn Trạch ngày 16-8-2009.
Chẳng có gì trách cứ về điều này, nhưng nó gợi lên nhiều cảm nhận rất trà dư tửu hậu về Sài Gòn.
Bởi nói gì thì nói, về địa dư hay đúng hơn là địa giới hành chính, Sài Gòn chỉ hiện hữu trước năm 1975. Vì sau năm 1975, Sài Gòn và Gia Định được sáp nhập để có tên mới là TPHCM. Từ đó, Sài Gòn không còn trên bản đồ hành chính và đây có lẽ là lần đầu tiên trong lịch sử, Sài Gòn không sở hữu một vùng đất nào ở Đông Nam bộ. Việc khiếm dụng như vậy đã làm cho tài sản vô hình này (thương hiệu Sài Gòn) bị “clone” ra nhiều nơi, nhiều cách. Và việc gọi “người Sài Gòn” nay có thể đã nhạt đi hay chỉ là ngộ nhận.
Theo chiều dài lịch sử, địa danh Sài Gòn đã thay đổi qua nhiều thời kỳ. Tuy nhiên, để phục vụ cho mục đích lý giải nhằm “tìm lại địa giới Sài Gòn trên bản đồ hành chánh”, bài này chỉ gom lại hai thời kỳ: Sài Gòn trước năm 1975 và Sài Gòn xa xưa. Trước năm 1975 là Đô thành Sài Gòn và xa xưa là Sài Gòn theo sử liệu.
Sài Gòn trước năm 1975 (có mốc hình thành từ 1698) là đô thị có không gian nhỏ gồm 8-10 quận “số”, gần giống như ngày nay nhưng toàn là nội thành. Cho nên gọi là “người Sài Gòn” (đúng nghĩa thị dân) thì đó là người đã sinh sống ở đây và các phố thị Gia Định liền kề ngày trước. Ngày nay, người sống ở quận 12, Hóc Môn... mà cũng gọi chung là “ở Sài Gòn hay người Sài Gòn” thì không đúng, dù họ là dân TPHCM. Một chút phân tách vậy chỉ để nói về bản sắc thị dân chứ không có ý phân biệt gì.
Còn Sài Gòn xa xưa là Sài Gòn theo sử liệu. Đó là cả một vùng có địa hình rộng lớn, với các địa giới được mô tả rất khó hình dung. Theo nhiều tài liệu viết của các nhà nghiên cứu tên tuổi, gần đây là của Giáo sư Nguyễn Đình Đầu, thì “xứ Sài Gòn nằm ở phía Tây sông Đồng Nai”. Vậy có thể hiểu Sài Gòn xa xưa bao trùm nhiều địa danh, gồm Thủ Đức và “Sài Gòn trước 1975” hay Sài Gòn từ năm 1698...
Các nội dung dẫn chuyện trên đây là để nhìn lại, để thấy việc khiếm dụng thương hiệu Sài Gòn vang bóng một thời là điều đáng tiếc. Do đáng tiếc, trong bài “Sài Gòn nay là địa danh nào” tôi đã viết: “Được mệnh danh Hòn Ngọc Viễn Đông, với tên tuổi có bề dày và giá trị năm châu, có thể nói đây là một loại tài sản quốc gia, thế nhưng cái tên Sài Gòn lâu nay chỉ còn là kỷ niệm và gần như trôi giạt”. Do Sài Gòn trở thành tên ẩn, không có địa giới hành chính, lúc đó (năm 2010) tôi có đề nghị gắn Sài Gòn vào các quận “số” nội thành TPHCM để có Sài Gòn 1, Sài Gòn 2, Sài Gòn 3... nhưng chưa được quan tâm.
Khi TPHCM có đề án lập thành phố trong thành phố với tên gọi Thủ Đức, một lần nữa tôi lại nghĩ nhiều đến Sài Gòn, đến tài sản quốc gia này. Theo đó, nếu Sài Gòn xa xưa bao gồm cả Thủ Đức thì có thể nào ta hồi phục vùng đất Thủ Đức này vào cái hồn Sài Gòn vốn có? Và, do nó ở phía Đông Sài Gòn trước năm 1975, cái thành phố trong thành phố đang được đón đợi có nên là Đông Sài Gòn hay Sài Gòn Đông...
Tại sao Sài Gòn Đông? Vì Sài Gòn Đông là Thủ Đức, mà Thủ Đức xa xưa là Sài Gòn. Vì Sài Gòn Đông là sự mở rộng Sài Gòn sang phía Đông. Nó mặc nhiên xác lập sự hiện hữu Sài Gòn hơn 300 năm ẩn trong TPHCM ở phía Tây. Và hơn thế nữa cái tên Đông Sài Gòn đã thấm sâu trong tình cảm người dân...
Mặt khác, một Sài Gòn Đông để khơi nguồn trí tuệ, tạo động lực cho khoa học kỹ thuật, làm nền cho “Financial Center” tương lai... được dự đoán sẽ khó hơn Metro số 1, khó xoay ra tiền như Thủ Thiêm với 657 héc ta đất, cũng không dễ nối kết các nguồn lực rời rạc hiện có để tạo động lực... Cho nên, với kỳ vọng lớn và các mục tiêu cao đang đề ra, thiết nghĩ nếu không có sự tiếp trợ cụ thể của một toan tính chiến lược tầm quốc gia và/hoặc một đối tác quốc tế tầm cỡ, thì đường đến Saigon East có thể dài.
(*) Thời báo Kinh tế Sài Gòn và sách Hội nhập Bắt đầu từ bên trong, VAPEC - NXB Trẻ, 2004.
Xem thêm: lmth.nog-ias-yah-cud-uht/204903/nv.semitnogiaseht.www