Theo tờ Liberty Times (Đài Loan), Mỹ và Đài Loan hôm 17-9 đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) nhằm thiết lập “Khuôn khổ hợp tác tài trợ cơ sở hạ tầng và thiết lập thị trường Đài Loan - Mỹ”. Theo đó, hai bên sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và năng lượng tại khu vực Mỹ Latinh và Đông Nam Á.
Khuôn khổ hợp tác sẽ giúp Đài Loan thúc đẩy chính sách Tân Hướng Nam khi cùng Mỹ đầu tư vào cơ sở hạ tầng tại các nước thứ ba như tại khu vực Đông Nam Á. Hợp tác cũng giúp Đài Loan giải quyết vấn đề “không có quan hệ ngoại giao chính thức” ở khu vực này.
Tuy nhiên, khuôn khổ hợp tác cũng đặt ra nhiều câu hỏi về khả năng tiếp cận thị trường Đông Nam Á và lợi ích Đài Loan sẽ có được.
Thúc đẩy chính sách Tân Hướng Nam và mở cửa vào Đông Nam Á
Theo ông Su Jain-rong - người đứng đầu Cơ quan Tài chính Đài Loan, khuôn khổ hợp tác bao gồm các chủ đề như cơ sở hạ tầng, năng lượng, thương mại và tài chính. Các lĩnh vực hợp tác tiềm năng trong khuôn khổ bao gồm việc tạo ra nguồn tài chính và thị trường cơ sở hạ tầng, phát hiện và xây dựng các nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư Đài Loan và Mỹ.
(Từ trái sang): Người đứng đầu Cơ quan Tài chính Đài Loan Su Jain-rong, Chủ tịch Hội đồng Phát triển Đài Loan Kung Ming-hsin, Giám đốc Viện Mỹ tại Đài Loan Brent Christensen và người đứng đầu Cơ quan Đối ngoại Đài Loan Joseph Wu. Ảnh: REUTERS
Ông Su tin rằng khuôn khổ không chỉ làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác Đài Loan - Mỹ và xây dựng hợp tác an ninh chiến lược ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, mà còn đáp ứng mục tiêu thúc đẩy chính sách Tân Hướng Nam của Đài Loan.
Theo ông Brent Christensen - Giám đốc Viện Mỹ tại Đài Loan (AIT), việc hợp tác sẽ giúp thiết lập lại các chuỗi cung ứng và làm cho chúng trở nên linh hoạt hơn. Khuôn khổ này sẽ hỗ trợ sự phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng ở các thị trường mới nổi, đặc biệt ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Mỹ Latinh bằng cách tháo gỡ các rào cản đối với đầu tư của khu vực tư nhân vào các dự án cơ sở hạ tầng.
“Việc trao đổi song phương cũng nhằm tăng cường mối quan hệ giữa các mạng lưới đối tác như các công ty tư nhân, nhà đầu tư và nhà tài chính, cũng như tạo điều kiện cho các cuộc gặp gỡ của các chuyên gia và trao đổi trong các lĩnh vực kỹ thuật liên quan đến khuôn khổ” - ông Christensen cho biết.
Ông Christensen khẳng định việc ký kết khuôn khổ “chứng tỏ Mỹ và Đài Loan là bạn bè thực sự, tiến bộ thực sự".
Về phương thức hợp tác khả thi, ông Su cho biết Đài Loan và Mỹ sẽ thành lập một nhóm công tác để nghiên cứu và thảo luận. Hai bên hiện đang liên hệ chặt chẽ để tổ chức cuộc họp nhóm công tác đầu tiên dự kiến sẽ vào mùa thu này.
Theo hãng thông tấn HK01 (Hong Kong), các quan chức chính phủ Đài Loan tin rằng một mặt khuôn khổ này có thể thúc đẩy quan hệ Đài Loan - Mỹ, mặt khác, Đài Loan cũng có thể sử dụng cấu trúc này để vào Đông Nam Á và tham gia vào thị trường địa phương, thậm chí có chỗ đứng trong thị trường quốc tế.
Trao đổi với tờ Liberty Times (Đài Loan) hôm 13-10, một quan chức cấp cao tại Hành chính viện Đài Loan cho biết: “Việc ký kết MoU với Mỹ sẽ giúp Đài Loan thúc đẩy chính sách Tân Hướng Nam trong bốn năm khi tháo gỡ những rào cản của việc không có quan hệ ngoại giao chính thức với các nước. Đây sẽ là kênh giúp Đài Loan đàm phán trực tiếp với các nước theo chính sách Tân Hướng Nam”.
Do không có quan hệ ngoại giao chính thức với các nước Nam Á và Đông Nam Á, Đài Loan không thể đưa các phái đoàn cấp cao đến các nước để đàm phán trực tiếp các dự án, thay vào đó phải tiến hành một cách “thận trọng” và “không công khai” nhằm tránh đụng chạm Trung Quốc.
Hợp tác Mỹ-Đài: Kinh tế hay chính trị?
Tuy nhiên, liệu khuôn khổ này có thực sự thể hiện “những người bạn thực sự và sự tiến bộ thực sự” của Đài Loan và Mỹ, và Đài Loan có thể thu được những lợi ích đáng kể từ nó hay không, tất cả cần phải được xem xét.
Người đứng đầu Cơ quan Đối ngoại Đài Loan Joseph Wu (phải) gặp Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Keith Krach hôm 18-9. Ảnh: AP
Theo HK01, xét về cấu trúc, Mỹ có lợi ích quốc gia riêng khi thúc đẩy chiến lược này vì muốn tổ chức lại chuỗi cung ứng của mình trong xu hướng “phân tách” khỏi Trung Quốc, nhưng điều kiện tiên quyết là phải chuyển năng lực sản xuất sang Đông Nam Á hoặc các nước khác. Điều này đồng nghĩa cơ sở hạ tầng ở những khu vực này cần phải theo kịp, nếu không sẽ rất khó để “tiêu hóa” những chuyển dịch sản xuất của Mỹ. Do đó, Mỹ đã áp dụng chiến lược liên minh và đưa Đài Loan vào chiến lược tài trợ cơ sở hạ tầng này.
Sự tham gia của Đài Loan có ý nghĩa gì? Chính quyền của bà Thái Anh Văn đã không đạt được nhiều thành công từ khi đưa ra chính sách Tân Hướng Nam năm 2016. Ngoài việc thu hút sự quan tâm của dư luận đối với quan hệ Đài Loan - Mỹ, việc hợp tác với Mỹ trong khuôn khổ này có thể đưa nhóm cơ sở hạ tầng Đài Loan vào thị trường Đông Nam Á và có thêm nhiều cơ hội kinh doanh.
Tuy nhiên, khuôn khổ cũng đặt ra nhiều hoài nghi. Xét về hợp tác đầu tư trong khu vực, Đài Loan là thành viên của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Ngân hàng Hội nhập kinh tế Trung Mỹ (CABEI). Về chức năng, cấu trúc cơ sở hạ tầng theo khuôn khổ hợp tác Đài Loan - Mỹ tương tự với cấu trúc của ADB và CABEI, và các nước thành viên của ADB cũng là các nước mục tiêu của chính sách Tân Hướng Nam.
Với các chức năng tương tự nhau, tại sao Đài Loan cần phải thúc đẩy một khuôn khổ mới với Mỹ? Điều này đặt ra câu hỏi liệu ý nghĩa thực chất của khuôn khổ này là thúc đẩy kinh tế và thương mại, hay là một động thái khác mang động cơ chính trị hơn?
Hơn nữa, trong khuôn khổ này, vai trò của các nhà sản xuất Đài Loan vẫn chưa rõ ràng. Trên thực tế, nhìn lại năng lực cơ sở hạ tầng của các nhà sản xuất Đài Loan, không chắc họ có thể đảm nhận các dự án cơ sở hạ tầng mới nổi ở Đông Nam Á hay không. Do đó, rất khó để kết luận sớm liệu Đài Loan có thực sự có được lợi ích tương hỗ từ sự hợp tác này.
Ngoài ra, quá trình công bố thông tin về việc ký thỏa thuận giữa hai bên cũng đầy nghi vấn. HK01 cho biết Đài Loan và Mỹ đã ký kết MoU vào ngày 17-9, nhưng lại tổ chức buổi họp báo công khai hôm 30-9, trước kỳ nghỉ Tết Trung thu dài ngày ở Đài Loan. Điều này dấy lên suy đoán rằng kỳ nghỉ lễ được sử dụng để làm loãng tranh cãi liên quan vụ việc.
Tóm lại, Mỹ có những cân nhắc về lợi ích chiến lược trong khuôn khổ này, nhưng với Đài Loan, vị trí và tác dụng hiện tại của nó vẫn chưa rõ nét. Hợp tác Đài Loan - Mỹ cho thấy, xét về lợi ích, Đài Loan có thể sẽ rơi vào một niềm vui “trống rỗng”.