Bệnh nhân 91 (phi công người Anh), từng bị nhiễm COVID-19 và viêm phổi nặng phải thở máy - Ảnh: DUYÊN PHAN
Đó là đánh giá của PGS.TS Lê Thị Anh Thư - chủ tịch Hội nhiễm khuẩn TP.HCM - tại hội nghị khoa học thường niên do Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn tổ chức ngày 17-10.
Dẫn nghiên cứu gần đây của thế giới, bác sĩ Thư khẳng định viêm phổi liên quan đến thở máy chiếm 15% trong tổng số các nhiễm khuẩn bệnh viện, và chiếm 27% trong tổng số nhiễm khuẩn tại nơi hồi sức cấp cứu. Đặc biệt, viêm phổi trên bệnh nhân thở máy cao gấp 3-10 lần so với bệnh nhân không thở máy.
Tại Việt Nam, tình hình này càng trở nên nghiêm trọng hơn khi viêm phổi liên quan đến thở máy có tỉ lệ cao nhất trong các nhiễm khuẩn bệnh viện (55,4%).
Theo bác sĩ Thư, một trong số nguyên nhân gây viêm phổi xuất phát từ khuẩn lạc trong ống nội khí quản và khí quản có thể chứa đến 1 triệu vi trùng/cm2; khuẩn lạc trong dạ dày sản sinh trong quá trình dùng thuốc, nuôi ăn qua ống thông…
"Đây không chỉ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu (30-70%), còn kéo dài thời gian nằm viện từ 6-13 ngày và tăng viện phí từ 15-23 triệu đồng/ca bệnh", bác sĩ Thư phân tích.
Để hạn chế tình trạng nêu trên, bác sĩ Thư cho rằng cần phải có giải pháp đồng bộ. Theo đó, hạn chế tránh đặt nội khí quản nếu có thể; đặt người bệnh nằm nghiêng cao đầu; giảm ứ đọng dạ dày; giảm thuốc an thần và tập thể dục vận động sớm…
"Tuy vậy, để kiểm soát hướng đến không còn viêm phổi liên quan đến thở máy là điều… không tưởng", bác sĩ Thư nói.
PGS.TS Phạm Thị Ngọc Thảo - phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - khẳng định ngoài các nhiễm khuẩn do vết mổ, đường tiêu hóa, đường tiết niệu, huyết tiên phát thì viêm phổi mắc phải tại bệnh viện là nguyên nhân hàng đầu ảnh hưởng đến quá trình điều trị của bệnh nhân.
TTO - Tiên lượng sắp tới của bệnh nhân ngộ độc botulinum đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy là phải thở máy kéo dài nhiều tháng chứ không chỉ một vài tuần.