Đại tá Nguyễn Hữu Hùng - người mặc quân phục ngụy trang và trung tướng Phạm Hoài Giang (bìa phải) tại buổi chuẩn bị diễn tập thực binh ứng phó thảm họa và cứu trợ nhân đạo năm 2013 (ARDEX 13) - Ảnh: TUẤN PHÙNG
Người đưa ra sáng kiến đào hầm giải cứu vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng
"Đồng chí Nguyễn Hữu Hùng là người vừa có tâm vừa có tài. Khi Hùng làm lữ đoàn trưởng lữ đoàn công binh 249, chúng tôi thường tổ chức tập huấn. Đặc biệt là cuộc diễn tập thực binh ứng phó thảm họa và cứu trợ nhân đạo năm 2013 (ARDEX 13) có quy mô rất lớn của các nước ASEAN do Việt Nam đăng cai tổ chức, tôi quan sát thấy Hùng là người có trách nhiệm, xông xáo và rất cần mẫn.
Đêm trước ngày diễn tập có mưa gió lớn, Hùng vẫn đích thân đi kiểm tra từng nơi chuẩn bị cho diễn tập, từ cái khẩu hiệu bị gió làm bong, Hùng cũng chăng lại. Bao nhiêu việc ngổn ngang nhưng Hùng mặc áo mưa chỉ huy bộ đội đến 4h sáng giải quyết gọn gàng hết. Sáng hôm sau các đoàn khách quốc tế đến diễn tập bình thường. Đóng góp của Hùng và đơn vị được các nước đánh giá rất cao" - ông Giang kể lại cuộc diễn tập do lữ đoàn 249 là đơn vị tổ chức.
"Phát hiện những tố chất của Hùng, sau diễn tập tôi báo cáo Bộ Quốc phòng đề nghị xin Hùng về làm phó cục trưởng Cục Cứu hộ, cứu nạn vì Hùng vừa có chuyên ngành về công binh và năng lực tổ chức chỉ huy, thực hiện nhiệm vụ rất mạch lạc, hiệu quả, rất có trách nhiệm.
Sau đó, tôi gặp Bộ trưởng Phùng Quang Thanh báo cáo trực tiếp việc này. Bộ trưởng Thanh nói "Tôi cũng chưa biết đồng chí Hùng lắm. Tôi sẽ thăm lữ đoàn công binh 249 xem thế nào".
Sau chuyến thăm, Bộ trưởng bảo tôi "ông phát hiện đúng" rồi điều Hùng từ lữ đoàn trưởng lên thẳng phó cục trưởng Cục Cứu hộ, cứu nạn. Nhưng do thực hiện có chậm trễ nên đưa Hùng lên làm phó tham mưu trưởng Binh chủng công binh mấy tháng rồi mới về làm phó cục trưởng.
Đến năm 2014, khi xảy ra vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng, tôi nghĩ ngay người có thể cứu nạn tốt là Hùng nên điện sang Bộ Tư lệnh công binh đề nghị đích danh Hùng trực tiếp chỉ huy vào hiện trường. Tôi đề xuất như vậy bởi tin rằng với năng lực, trách nhiệm Hùng sẽ làm được.
Lúc đó, tại hiện trường, một số lực lượng đã chán nản, có tư tưởng bỏ cuộc khi việc đào đường hầm cứu nạn đã thực hiện trước đó gặp khó khăn. Nhưng Hùng đưa ra giải pháp đào hầm theo đường thẳng chui dưới đống sụt trượt bằng kỹ thuật đào hầm qua đất yếu của công binh để có đường hầm ngắn nhất.
Đường hầm thẳng do Hùng đề xuất đào đã tiếp cận thành công và cứu được 12 người bị mắc kẹt trong hầm thủy điện" - ông Giang kể.
Đại tá Nguyễn Hữu Hùng được đánh giá cùng đơn vị góp công lớn khi đang là lữ đoàn trưởng lữ đoàn công binh 249 trong diễn tập ARDEX 13 - Ảnh: TUẤN PHÙNG
Tiếc thương người đồng đội nhiệt tình, chân thành
"Khi nghe tin Hùng gặp nạn, không chỉ bản thân tôi mà lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ đã từng và đang làm việc tại Cục Cứu hộ, cứu nạn đều bàng hoàng đau xót vì mất đi một cán bộ có năng lực, trách nhiệm, rất tử tế, đạo đức.
Trung tướng Trần Quang Khuê, nguyên phó tổng tham mưu trưởng, gọi cho tôi cũng bày tỏ bàng hoàng vì không nghĩ là Hùng mất. Anh ấy bảo tôi rằng tìm mãi mới được người xứng đáng với công việc cứu hộ - cứu nạn, nhưng Hùng lại ra đi…
Hùng là người hội tụ đủ cả tâm lẫn tầm, làm việc mẫn cán, có năng lực, đạo đức. Tất cả những ai từng làm việc, tiếp xúc với Hùng đều trân trọng, quý mến Hùng và đánh giá là người có tài, đạo đức, rất trách nhiệm với công việc.
Khi tôi xin Hùng về cục thì trung tướng Phạm Quang Xuân Tư - tư lệnh công binh - bảo với tôi "Anh xin đúng người đấy". Con người tốt nên kể cả cấp trên làm việc với Hùng đều quý. Hùng mất đi không chỉ thiệt thòi cho gia đình, đơn vị mà cả ngành cứu hộ, cứu nạn" - ông Giang nghẹn ngào.
Hùng sống nhiệt tình, chân thành, không tính toán tư lợi có lẽ là do cả gia đình được giáo dục và sống trong môi trường văn hóa truyền thống, không bon chen.
Thiếu tướng Thái Doãn Đức, cục trưởng Cục Cứu hộ, cứu nạn, nói với tôi là đã bảo Hùng sáng 12-10 hãy đi vào Huế sớm nhưng Hùng quyết tâm đi ngay trong đêm 11-10 khi thấy tình hình ngập lụt ở Huế rất nguy hiểm…
Từ khi nghe tin Hùng mất, là chỉ huy cũ của Hùng, tôi vô cùng đau xót, mấy đêm liền thao thức" - trung tướng Phạm Hoài Giang nghẹn ngào khi nhớ về người thuộc cấp.
TTO - Trở về Hà Nội, đại tá Quang vẫn chưa thôi nhớ lại đêm kinh hoàng ở Trạm bảo vệ rừng 67. Ông cùng 7 người nữa may mắn thoát nạn, nhưng 13 cán bộ chiến sĩ là chỉ huy, là đồng đội, là những người bạn của ông đã mãi mãi nằm xuống vì dân vì nước.
Xem thêm: mth.3773222161010202-nan-uuc-oh-uuc-hnagn-ac-am-hnid-aig-iov-tam-tam-ihc-gnohk-id-ar-gnuh/nv.ertiout