vĐồng tin tức tài chính 365

Cần Thơ chống ngập do triều cường bằng cách nào?

2020-10-17 19:54

Ngày 17-10, ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT), Phó trưởng Ban Thường trực Ban ATGT TP Cần Thơ, cho biết Sở đã ra quân triển khai nhiều biện pháp để chủ động ứng phó với triều cường dâng cao.

Người dân lo lắng

Đài khí tượng thủy văn TP Cần Thơ, dự báo mực nước đỉnh triều trên các sông rạch trên địa bàn TP sẽ lên nhanh trong vòng năm ngày tới. Cụ thể, đến ngày 16-10 mực nước nước cao nhất trên sông Hậu tại Cần Thơ có thể lên mức xấp xỉ báo động II (khoảng 1,9m), sau đó còn tiếp tục lên.

Đỉnh của triều cường này xuất hiện trong các ngày 18, 19-10, đây sẽ là đợt triều cường lớn trong năm.

Cần Thơ chống ngập do triều cường bằng cách nào? - ảnh 1
Nhiều tuyến đường trong nội ô Cần Thơ đã bắt đầu ngập. Ảnh: BT

Theo ghi nhận của PV, tối ngày 16 và sáng sớm 17-10, nhiều tuyến đường trong nội ô TP đã xuất hiện tình trạng ngập cục bộ. Cụ thể, trên đường Mậu Thân (đoạn từ cầu Rạch Ngỗng 1 đến ngã tư Nguyễn Văn Cừ) nước bắt đầu ngập, gây khó khăn cho người lưu thông.

“Đoạn này năm nào triều cường lên cũng ngập, chủ trương cũng thấy đưa ra nhiều nhưng không hiểu sao triều cường lên là ngập” – bà LNB một người dân ngụ quận Ninh Kiều nói.

Ông NCD (ngụ quận Ninh Kiều) cho biết: “Sáng 17-10, đoạn trong hồ Búng Xáng nước đã bắt đầu ngập báo hiệu cho việc nước bắt đầu lên cao. Năm rồi ở đây có một phụ nữ đã tử vong do nước ngập, chính quyền cũng nói là sẽ căng dây và đặt biển gì đó mà vẫn chưa thấy thực hiện”. 

Khi nào ngập thì đưa “đồ” ra

Đánh giá chung về công tác chủ động ứng phó với triều cường, ông Lê Tiến Dũng khẳng định các cấp các ngành của TP đã sẵn sàng triển khai các biện pháp.

Cần Thơ chống ngập do triều cường bằng cách nào? - ảnh 2
Cơ quan chức năng tiến hành duy tu đường để chống ngập theo phương án. Ảnh: TD

“Bà con cứ an tâm, hiện các ngành, các địa phương đã chuẩn bị theo phương châm bốn tại chỗ, nhưng triều cường chưa lên nên chưa đem đồ đạc, dụng cụ ra. Hiện các đại phương đang tập trung cho công tác duy tu sửa chữa đường sá và lắp các biển cảnh báo” – ông Lê Tiến Dũng thông tin thêm.

Để chủ động ứng phó khi triều cường dâng cao, hồi tháng 6-2020, UBND TP đã ban hành Chỉ thị số 08 về tăng cường các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa và khi triều cường dâng cao trên địa bàn TP.

Theo đó, UBND TP giao Sở GTVT phối hợp các cơ quan chức năng và các địa phương tăng cường kiểm tra, giải tỏa các chướng ngại vật, công trình ảnh hưởng đến hành lang bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông. Cạnh đó, rà soát toàn bộ các đoạn, tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh bị ngập nước, từ đó chủ động bố trí lực lượng, phương tiện để điều tiết giao thông và hỗ trợ khi cần thiết.

“Trường hợp nước ngập sâu, không an toàn cho người và phương tiện lưu thông thì thực hiện các biện pháp cấm đường tạm thời, đồng thời phối hợp với các lực lượng liên quan triển khai phương án tổ chức, phân luồng giao thông cho phù hợp” – Chỉ thị 08 của UBND TP nêu.

Cần Thơ chống ngập do triều cường bằng cách nào? - ảnh 3
Lắp đặt biển báo "Đường ngập nước" ở một số tuyến đường. Ảnh: TD

Theo Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ, khi có chỉ thị của UBND TP, các cấp các ngành đã lên kế hoạch sẵn sàng, nhưng thời điểm xuất hiện triều cường phải phụ thuộc vào trung tâm khí tượng thủy văn Cần Thơ.

Mới đây, Trung tâm vừa có có số liệu chính thức dự báo ngày 18, 19-10 triều cường sẽ lên cao, dựa trên số liệu đó Thường trực Ban ATGT TP cũng đã có thêm công văn hỏa tốc nhắc lại.

“Nói chung các đơn vị đã sẵn sàng nhưng đỉnh triều cường nằm vào thời điểm nào phải dựa vào số liệu của trung tâm khí tượng thủy văn, chứ các cấp các ngành đâu biết rơi vào thời điểm nào” – ông Lê Tiến Dũng nói.

Từ Chỉ thị 08 của UBND TP đến công văn khẩn mới đây của Thường trực Ban ATGT cho thấy đến nay TP chỉ chống ngập bằng các biện pháp trước mắt. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, cái cần là phải tìm ra đâu là nguyên nhân của việc ngập đô thị để có biện pháp xử lý rốt ráo.

Cụ thể như đoạn hồ Búng Xáng, phải xác định cốt nền để tìm ra đâu là nguyên nhân ngập tại đây mặc dù đây là công trình xây gần đây. Hay tại các đoạn đường, tuyến đường đã ngập của mùa triều cường trước, cần xác định nguyên nhân gây ngập là do cống không thoát kịp, cốt nền thấp hay do các công trình lấn chiếm kênh mương để có chủ trương chống ngập phù hợp hơn.

Mùa triều cường năm 2019 bị ngập nặng

Cùng thời gian này năm 2019 (từ ngày 28-9 đến ngày 1-10), do ảnh hưởng của triều cường dâng cao đã làm cho một số tuyến giao thông trên địa bàn TP Cần Thơ bị ngập nặng. Hậu quả là ảnh hưởng rất lớn đến việc lưu thông của người dân và gây mất an toàn giao thông cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Cần Thơ chống ngập do triều cường bằng cách nào? - ảnh 4
Ngập tại nút giao IC3 hồi mùa triều cường tháng 10-2019. Ảnh: KM

Theo thống kê, thời điểm đó chỉ tính riêng quận Ninh Kiều đã có 61 tuyến đường chính trong nội ô bị ngập trung bình từ 0,2m đến 0,4m.

Một số tuyến đường bị ngập sâu khoảng 0,6m gồm các đường: Mậu Thân (phường An Hòa), Nguyễn Văn Cừ (phường An Khánh), Nguyễn Thị Minh Khai, khu vực phường Tân An, Trần Văn Giàu (khu vực Cồn Khương), Trần Văn Hoài, Trần Việt Châu, Khu trung tâm Thương mại Cái Khế. 

Các vị trí ngập nặng ảnh hưởng lớn đến an toàn giao thông, như: nút giao IC3, Đường Võ Nguyên Giáp (Đoạn từ IC3 đến cầu Hưng Lợi), khu vực Xóm Chài. Toàn tuyến đê bao cồn Ấu khoảng 3km cũng có nguy cơ bị vỡ cao.

Xem thêm: lmth.706449-oan-hcac-gnab-gnouc-ueirt-od-pagn-gnohc-oht-nac/iht-od/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Cần Thơ chống ngập do triều cường bằng cách nào?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools