Đổ ngã, 2 công lúa ST24 của ông Nam (xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, Hậu Giang) lên mầm xanh rờn, hư thúi và chín rục ngoài đồng - Ảnh: CHÍ CÔNG
Theo người dân trong vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau), nhiều năm nay chưa khi nào họ chứng kiến cảnh ngập úng nặng và kéo dài như vậy.
Hiện đường sá trong vùng bị ngập nặng nề khiến việc đi lại của người dân và học sinh gặp rất nhiều khó khăn. Trong ruộng đồng, ao cá cũng bị ngập lênh láng nước, vùng ngọt hóa như một biển nước.
Lúa ngập trong nước, mọc mầm
Do đang trong thời điểm chính vụ thu hoạch lúa hè thu nhưng ngập úng kéo dài nên máy gặt đập liên hợp không thể vào cắt được, nhân công địa phương thì hiếm. Vì vậy, không ít người bỏ mặc lúa chín rục ngoài đồng.
Ông Dương Văn Tháng (ấp Kinh Hội, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời) than: "Năm nay, tôi làm 2,5ha lúa nhưng mới thu hoạch được 3 công (0,3ha) thì ngưng đến giờ.
Số lúa thu hoạch được do bị ngập và không có nắng để phơi bây giờ lên mộng hết, chỉ còn nước cho gà vịt ăn chứ không bán được. Số còn lại thì chín rục ngoài đồng, không thể cứu vãn".
Tương tự, ông Huỳnh Văn Tuấn (xã Khánh Bình) cũng đứng ngồi không yên với hơn 1ha lúa ngập trong nước.
Ông Ngô Văn Hường - chủ tịch xã Khánh Hải (huyện Trần Văn Thời) - cho biết trên địa bàn có hơn 3.700ha lúa, hiện mới thu hoạch khoảng 400ha. "Số lúa còn lại chưa thu hoạch nhưng bị ngập hết.
Hiện không chỉ ngập trong ruộng lúa mà cả xã bị ngập hết nên máy bơm cũng không bơm nổi, thông tin ban đầu có khu vực năng suất giảm từ 30 - 50%, có chỗ thì thiệt hại trắng luôn", ông Hường thông tin.
Thống kê ban đầu của văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau cho biết hiện trên địa bàn có hơn 14.620ha lúa bị ngập và đổ ngã.
Trong đó, thiệt hại nhiều nhất là huyện Trần Văn Thời với 14.285ha. Ngoài ra, còn có nhiều diện tích hoa màu và ao cá của người dân bị thiệt hại do ngập úng kéo dài.
Tại Hậu Giang, ông Lê Văn Nam (ở ấp 2, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy) gieo sạ 10 công lúa giống ST24 và OM18, năng suất ước đạt 700 - 800kg/công lúa tươi.
Tuy nhiên, hơn cả tuần qua, do ảnh hưởng triều cường và mưa bão liên tục kéo dài nên lúa nhà ông Nam bị đổ khoảng 50%, năng suất lúa ông ước chỉ còn khoảng 40 - 50%.
Vì thế, để cứu vớt số lúa còn lại ngoài đồng, ngoài bơm nước ông Nam còn dùng dây cột lúa đứng thành bụi để chúng dựa vào nhau cho đỡ lên mộng.
Tuy nhiên, đây chỉ là cách làm "chữa cháy" tạm thời. Ông Nguyễn Văn Hậu ở xã Vị Bình cũng cho biết những ngày qua mưa nhiều, mất cả triệu đồng tiền dầu cho máy bơm nhưng 5 công ruộng sạ giống ST24 của gia đình vẫn ngập, nên ông bỏ luôn.
Tưởng lời hóa mất
Cố gắng tìm cách thu mua lúa cho bà con, ông Nguyễn Hoàng Chiến (xã Vị Bình, huyện Vị Thủy) cho biết ở cánh đồng lúa xã Vị Bình này ngập cục bộ hầu như toàn bộ, lúa hư, thối và lên mộng khá nhiều, trong khi đó ông Chiến đặt cọc mua lúa bà con khoảng 5.000 công đất (ước mấy ngàn tấn lúa tươi).
"Giờ mua thì tôi vẫn mua nhưng lúa lên mộng quá tôi sẽ thương lượng lại với bà con để mua với giá hợp lý hơn (giảm từ 300 - 800 đồng/kg lúa đẹp xấu).
Bỏ bà con tôi không bỏ được. Mà tôi mua giá ban đầu bỏ cọc 6.200 đồng/kg lúa ST24 thì tôi lỗ nặng. Giờ tôi chỉ hi vọng Nhà nước vào cuộc gỡ khó để cho tôi và bà con đỡ khổ" - ông Chiến tâm sự.
Tại Sóc Trăng, nông dân cũng "méo mặt" vì mưa dầm. Ông Trần Văn Chính (xã Viên Bình, huyện Trần Đề) cho biết vụ hè thu này ông làm gần 1ha lúa. So vụ năm rồi, ước lượng trúng hơn, giá bán cũng cao hơn.
"Thương lái chốt 5.600 đồng/kg. Nhiều năm rồi giá lúa vụ hè thu thường rất thấp, nhưng năm nay lại khác. Tui đoán lời khoảng 25 triệu đồng. Tuy nhiên mưa liên tục mấy ngày qua, khiến lúa đổ ngã, tìm người thu hoạch không có, máy cũng không nhận. Trong khi lúa đã chín, đành bó tay chịu trận, coi như mất trắng", ông Chính thở dài.
Ông Trần Thanh Toàn, chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hậu Giang, cho hay Ban chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh vừa có văn bản đề nghị các địa phương trong tỉnh cần theo dõi sát và cập nhật thông tin mưa bão và triều cường để kịp thời thông báo cho bà con ứng phó bảo vệ lúa, hoa màu.
Hiện đơn vị thường xuyên kiểm tra và kịp thời xử lý đê bao, bờ bao bị hư hỏng nhằm giúp bà con trong tỉnh chủ động nước. Qua đó, đối với những vùng đất nuôi thủy sản, cây ăn trái, lúa vụ 3 trũng thấp, đơn vị cũng khuyến cáo bà con chủ động bơm nước hạn chế ảnh hưởng mùa màng.
Ông Lương Minh Quyết, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, cho biết mưa lớn kéo dài nhiều ngày, kết hợp triều cường đã khiến khoảng 4.000ha lúa hè thu sắp thu hoạch ở các huyện Trần Đề, Long Phú và Mỹ Xuyên bị đổ ngã, thiệt hại từ 30 - 50% năng suất, có một số diện tích thiệt hại trắng.
Ông Quyết nói tranh thủ những khi nước ròng, cơ quan chức năng sẽ mở toàn bộ hệ thống cống để rút nước cho nông dân tập trung thu hoạch lúa, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất.
Tăng sinh kế, giảm lúa vụ 3
Đợt mưa này có giúp cải thiện hạn, mặn khốc liệt theo dự báo trước đây hay không? Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh (nguyên cán bộ Văn phòng công tác biến đổi khí hậu TP Cần Thơ) cho rằng nếu chỉ mưa tập trung một đợt thật lớn, gây ngập, nhưng sau đó không còn đợt nào như vậy nữa thì không tác động nhiều hạn, mặn khốc liệt như dự báo.
Ông Vinh cũng cho rằng thời tiết thời điểm này luôn chứa đựng yếu tố bất thường nên cần thiết phải giảm lúa vụ 3.
Cơ quan chức năng phải có những giải pháp tăng sinh kế cho người dân trong thời điểm này như tạo ra việc làm từ hoạt động tiểu thủ công nghiệp, hay tăng thu nhập bằng việc hướng dẫn người dân trồng lúa hữu cơ, giảm giá thành và bán được giá cao, khi họ có thu nhập cao, đủ trang trải trong năm thì sẽ giảm trồng lúa vụ 3 vốn đầy rủi ro.
TTO - Những ngày qua nước tại hệ thống sông Cửu Long dâng lên, cá tôm theo đó về khiến người dân khấp khởi vui mừng nhưng cơ quan chức năng cho biết lũ vẫn thấp ở mức lịch sử, sẽ rút dần trong những ngày tới.
Xem thêm: mth.15145557081010202-3-uv-aul-tam-yat-neim/nv.ertiout