Hãng tin Reuters ngày 17-10 cho biết hai quốc gia Armenia và Azerbaijan đã nhất trí và thỏa thuận sẽ ngừng bắn nhân đạo tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh từ nửa đêm ngày 18-10.
"Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Azerbaijan đã đồng ý ngừng bắn vì lý do nhân đạo kể từ 0h ngày 18-10" - Bộ Ngoại giao Armenia đưa ra thông báo vào đêm 17-10 và Bộ Ngoại giao Azerbaijan cũng xác nhận động thái này trong một tuyên bố tương tự.
Các đội tìm kiếm và cứu hộ có mặt tại một khu vực bị trúng tên lửa ở khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh, Azerbaijan ngày 17-10. Ảnh: REUTERS
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Armenia Anna Naghdalyan chia sẻ thông báo này trên trang Twitter của mình và khẳng định chính quyền Armenia hoan nghênh nỗ lực tiến tới "ngừng bắn và giảm leo thang căng thẳng" ở khu vực xung đột.
Thông báo trên được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov có cuộc điện đàm với những người đồng cấp ở Armenia và Azerbaijan, nhấn mạnh "cần tuân thủ nghiêm ngặt" thỏa thuận ngừng bắn đã được thống nhất vào tuần trước.
Với Nga làm trung gian, vào ngày 10-10, Ngoại trưởng Armenia và Azerbaijan đã nhất trí một lệnh ngừng bắn nhân đạo. Tuy nhiên, ngay khi có hiệu lực, cả hai nước đều cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận, theo Reuters.
Một người phụ nữ đứng trên đống đổ nát của ngôi nhà của bà tại một địa điểm bị trúng tên lửa ở khu vực Nagorno-Karabakh, Azerbaijan ngày 17-10. Ảnh: REUTERS
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã hoan nghênh thỏa thuận mới của Armenia và Azerbaijan về việc ngừng bắn ở khu vực Nagorny-Karabakh, nhấn mạnh thêm rằng các bên cần tôn trọng nghiêm túc thỏa thuận mới này.
"Thỏa thuận ngừng bắn cần được các bên liên quan thực hiện vô điều kiện và giám sát chặt chẽ. Pháp hoan nghênh động thái này và sẽ tiếp tục duy trì cam kết giảm các hoạt động thù địch, cũng như thúc đẩy sớm nối lại thảo luận đáng tin cậy" - ông Macron tuyên bố.
Các đội tìm kiếm và cứu hộ mang một thi thể từ khu vực bị tên lửa tấn công ở Nagorno-Karabakh, Azerbaijan ngày 17-10. Ảnh: REUTERS
Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev trước đó tuyên bố sẽ trả thù Armenia sau khi cáo buộc quốc gia này gây ra một vụ tấn công bằng tên lửa làm thiệt mạng 13 người và 50 người khác bị thương ở thành phố Ganja.
Nagorno-Karabakh nằm ở phía tây nam Azerbaijan, nhưng phần lớn dân cư là người Armenia Những người này luôn tìm cách ly khai khỏi Azerbaijan để sáp nhập vào Armenia.
Xung đột tranh giành quyền kiểm soát Nagorno-Karabakh bùng phát thành cuộc chiến sáu năm giữa Azerbaijan và Armenia từ tháng 2-1988 tới tháng 5-1994. Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó, xung đột vẫn xảy ra lẻ tẻ tại đây.
Các đội tìm kiếm và cứu hộ có mặt tại khu vực bị tên lửa đánh trúng ở khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh, Azerbaijan ngày 17-10. Ảnh: REUTERS
Căng thẳng giữa hai nước bùng phát trở lại vào ngày 27-9, sau khi xảy ra các vụ đụng độ ác liệt tại khu vực Nagorno-Karabakh, với hàng trăm người tử vong trong suốt ba tuần qua.
Đây được xem là vụ bạo lực tồi tệ nhất trong khu vực này kể từ năm 1994, Reuters đưa tin.