Thế nhưng, dù sao thì đời người vẫn chảy, vậy hãy cởi lòng mình ra để có thể đón nhận một tình yêu mới thật đích thực, chân thành.
Ly hôn để giải thoát
Có những cuộc hôn nhân đổ vỡ, đời sống vợ chồng chấm dứt sau bao nhiêu năm chung sống, gắn bó. Sau khi ly hôn, có người vợ cảm thấy cuộc sống nhẹ nhàng như thoát khỏi cuộc hôn nhân "ngục tù", có người sau đó nhanh chóng "đi thêm bước nữa".
Thế nhưng cũng có người đã khép lại lòng mình bởi cuộc sống hôn nhân trước vẫn còn là nỗi "ám ảnh". Từ đó không ít người đã từ chối một lời đề nghị chăm sóc, một "lời yêu thương mới" bởi nỗi lo lắng liệu cuộc sống hôn nhân vợ chồng tiếp theo có hạnh phúc, bền lâu...
Chị T.T.T.H. (gần 50 tuổi, ở Quảng Ngãi) và chồng đã kết hôn, chung sống được mười mấy năm, có hai con trai chung. Những năm đầu tiên, cuộc sống hôn nhân, vợ chồng anh chị luôn ấm áp, mặn nồng, hạnh phúc. Chị buôn bán hàng thịt ngoài chợ, anh làm thợ sửa chữa điện. Cuộc sống gia đình êm đềm trôi với những tiếng cười, bữa cơm ấm cúng.
Thế nhưng mọi sự xáo trộn khi chồng chị H. thất nghiệp, sinh tật nhậu nhẹt, "bù khú" bạn bè thường xuyên. Thậm chí anh còn cờ bạc, lô đề. Gánh nặng như đè thêm trên đôi vai người phụ nữ, chị H. phải cáng đáng nuôi chồng, nuôi con.
Chị kể, anh lén lút lấy tiền chợ của chị để bao bạn bè ăn nhậu rồi còn cờ bạc, đánh đề. Bực mình chị nói thì anh chửi rủa, la mắng. Thậm chí, anh còn hay ghen bóng ghen gió khi chị đi bán hay đi lấy tiền bạn hàng về trễ. Anh bảo chị "vụng trộm", theo trai rồi mắng chửi, bạo hành chị thậm tệ.
Có lần, chị vừa mới đi bán ở chợ về, anh đánh chị ngã sấp xuống nền nhà, bầm tím cả mặt. Chưa dừng lại, anh trói hai tay hai chân chị lại để bạo hành chị cả về thể xác lẫn tinh thần...
Bao lần chị tha thứ, chấp nhận, "hi sinh" vì con nhưng càng ngày anh càng quá đáng, những trận đòn xuất hiện dày hơn. Chị sống trong nỗi đau đớn, lo lắng, sợ hãi vì thường xuyên bị bạo lực cả về thể xác lẫn tinh thần. Không thể chịu đựng được nữa, chị quyết định đơn phương ly hôn.
Chị H. tâm sự, chị ly hôn cũng là cách duy nhất để "giải thoát" cho chính mình và cho cả người chồng khi đời sống hôn nhân hai vợ chồng không còn tình cảm.
Ngày tòa xét xử, anh không có mặt dù đã được triệu tập nhiều lần. Xét thấy cuộc sống hôn nhân, đời sống vợ chồng không thể tiếp tục, hàn gắn, tòa chấp nhận cho chị được đơn phương ly hôn. Hai con chọn sống với mẹ.
Dai dẳng sau ly hôn
Sau ly hôn, tưởng chừng chị H. sẽ được "tự do", thoải mái về mặt tinh thần nhưng người chồng cũ dường như vẫn chưa "buông tha" chị. Anh vẫn "dõi theo" chị. Vẫn thường xuyên "giội bom", nhắn tin cho chị bằng những lời lẽ tục tĩu, thóa mạ, thậm chí là hăm dọa. Có những lúc anh lại tha thiết, van xin chị tha thứ và quay trở về với anh. Chị cự tuyệt và thay đổi số điện thoại...
Ánh mắt đăm chiêu, chứa đựng nhiều nỗi buồn hơn là niềm vui, chị H. kể cũng có người thấy chị nhan sắc mặn mà của lứa tuổi 50, rồi theo, ngỏ lời yêu thương, chăm sóc. Thế nhưng chị H. e ngại: Trái tim chị giờ đây dường như đã "chai sạn", miễn nhiễm với những lời yêu thương.
Chị lo sợ và bị ám ảnh bởi cuộc hôn nhân trước. Chị sợ những lời yêu thương, ngọt ngào của những người đàn ông. Nếu tiếp tục, đời sống hôn nhân của chị sẽ như thế nào nếu một lần nữa... đổ vỡ?
Chị H. như con chim sợ cành cây cong, bảo giờ mình cũng đã lớn tuổi, điều quan trọng nhất là tự tìm niềm vui cho chính mình. Với chị, đó là được nhìn thấy hai con trai của mình ngày càng trưởng thành, chín chắn hơn và là chỗ dựa, niềm tin của chị.
Ngoài công việc buôn bán ở chợ, với chị H. niềm vui khi có thời gian rảnh là về chùa làm công quả, nghe và đọc kinh kệ hoặc có những chuyến đi từ thiện cùng nhà chùa hay nhóm bạn bè là chị thu xếp lên đường. Chi H. đi để sẻ chia. Bởi với chị giờ đây điều đó cũng là niềm vui trong cuộc sống, để cho nỗi buồn qua đi...
Tìm lại thăng bằng
Nhiều cặp vợ chồng sống không được hạnh phúc, trọn vẹn nhưng người vợ vẫn lẳng lặng, chấp nhận hi sinh với quan niệm sống vì con. Họ chấp nhận những điều thiệt thòi về mình, thậm chí là cả những trận đòn, bạo lực về tinh thần lẫn thể xác (bạo lực về mặt tình dục) với suy nghĩ duy nhất là hi sinh, chấp nhận sống trong đau đớn, tủi nhục vì con và vì dù sao cũng tình nghĩa vợ chồng bao nhiêu năm. Bản thân mình đã lớn tuổi, vác nhau ra tòa để ly hôn thì "xấu chàng, hổ thiếp". Thôi thì đành chấp nhận sống với cuộc hôn nhân "ngục tù".
Thế nhưng cũng có người kiên quyết, đơn phương ly hôn khi cuộc sống hôn nhân không thể cứu vãn. Ly hôn cũng là cách để tự giải thoát cho chính mình hoặc cho cả hai bởi tình yêu, hạnh phúc, mục đích của cuộc hôn nhân không còn.
Nhưng điều quan trọng là tìm lại "thăng bằng" và niềm vui sau ly hôn, sau cuộc hôn nhân đổ vỡ lần trước. Cũng có người tiếp tục "mở lòng" mình để chờ đón, hi vọng một tình yêu mới, hạnh phúc và trọn vẹn hơn dẫu có muộn mằn. Thế nhưng cũng có người "khép lòng" mình lại. Có người lựa chọn niềm vui công việc hằng ngày, có người lấy niềm vui với con cháu hay từ công việc thiện nguyện, không cần có thêm một người đàn ông nào khác bên cạnh.
"Khép" con tim của mình lại hay tiếp tục "mở lòng", mở con tim của mình ra để đón nhận, chấp nhận một tình cảm hay một tình yêu mới, chân thành hay không là cách chọn lựa của mỗi người sau cuộc hôn nhân bị đổ vỡ. Có một câu nói mà tôi rất tâm đắc, dù thế nào đi nữa thì cuộc sống vẫn trôi, đời sống vẫn chảy, hãy cởi mở lòng mình ra ắt bạn sẽ đón nhận được tình yêu đích thực và chân thành. Dẫu vẫn biết rằng, tình yêu ấy dẫu có muộn mằn.
TTO - Báo Tuổi Trẻ Online vừa đăng bài 'Ly hôn chồng, tôi đăng thông báo để mọi người tôn trọng'. Đây là một việc làm mới mẻ nhưng cần thiết, chẳng những thông báo trên Facebook mà các cặp đôi chia tay có thể làm tiệc ly hôn.
Xem thêm: mth.23082138081010202-gnol-om-cut-peit-yah-ial-mit-noc-pehk-noh-yl-uas/nv.ertiout