Để ngăn chặn hiện tượng học sinh mua kẹo thuốc lá, các chuyên gia cho rằng cần có sự kiểm soát chặt chẽ các loại quán hàng rong xung quanh trường học và xử lý nghiêm khi có vi phạm.
Liên quan đến những cảnh báo của Công an quận Hoàng Mai về tình trạng kẹo thuốc lá "tấn công" học sinh, ngày 18.10, trao đổi với Lao Động, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, ngày 28/9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Điểm b khoản 2 Điều 26 Nghị định này cũng xác định, phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi. Nghị định này có hiệu lực từ 15.11.2020.
Luật sư Lực cho rằng, việc xuất hiện tình trạng bán kẹo thuốc lá cho học sinh tại khu vực cổng trường là hành vi đáng lên án. Đây là một hình thức quảng cáo cho thuốc lá tiếp cận đến các học sinh, về lâu dài hình thành thói quen, sở thích hút thuốc lá trong học sinh.
"Để môi trường học đường hoàn toàn không có khói thuốc, gia đình cần phối hợp với nhà trường quan tâm, quản lý chặt chẽ hoạt động học cũng như các mối quan hệ của con em mình, làm gương không hút thuốc trước mặt các con…
Bên cạnh đó, cần sự vào cuộc hiệu quả hơn nữa của các sở, ban ngành và các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong tăng cường quản lý cửa hàng buôn bán thuốc lá tại các địa điểm quanh trường học, cần xử lý nghiêm các hành vi bán thuốc lá cho học sinh" - ông Lực đề nghị.
Vị luật sư cũng nhấn mạnh, chính quyền địa phương kiểm soát chặt chẽ các cơ sở kinh doanh dịch vụ, cấm các loại hàng rong bán thực phẩm không đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, các sản phẩm không tốt cho học sinh như rượu bia, kẹo thuốc lá, xung quanh các trường học.
Cùng nói về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy (Trung tâm Tư vấn Tuổi trẻ Hạnh phúc) cho biết, việc sử dụng kẹo thuốc lá có hình dáng bao bì giống như thuốc lá thật, vừa ăn vừa có thể nhả khói, vị ngọt thơm lâu dần sẽ hình thành thói quen. Những chất này sẽ có ảnh hưởng xấu tới thanh thiếu niên và cả những người hút thuốc lá. Đặc biệt là nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến giới trẻ, nguy cơ sử dụng các chất kích thích khác.
Theo bà Túy, những địa điểm bán thuốc lá chủ yếu là các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ, quán nước… điều này gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc thường xuyên, liên tục kiểm tra, xử lý đối với những đối tượng này.
Bà Túy cũng cho rằng, để Luật phòng chống tác hại của thuốc lá đi vào đời sống hàng ngày, phụ thuộc rất nhiều vào ý thức cộng đồng. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng cần xử phạt mạnh tay đối với hành vi vi phạm việc buôn bán, sử dụng thuốc lá. Nghiêm cấm, ngăn chặn từ các Nghị định này sẽ có tác dụng, giảm bớt điều kiện tiếp cận với thuốc lá, đặc biệt với người dưới 18 tuổi.
"Có thể thấy sự gia tăng mức xử phạt đối với hành vi bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi của Chính phủ. Tuy nhiên, để luật được thực thi rộng rãi thì rất cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng và nhiều hoạt động được đẩy mạnh để giúp học sinh hiểu được tác hại của thuốc lá thông qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa, chào cờ, sinh hoạt lớp" - bà Túy cho hay.
Trước đó, Thượng tá Phạm Ngọc Anh - Phó trưởng Công an quận Hoàng Mai đã ký văn bản số 4954/CAHM-AN gửi Ban Giám hiệu các trường học trên địa bàn quận về việc tăng cường đảm bảo an ninh trật tự tại cổng trường, phát hiện và ngăn chặn hiện tượng học sinh mua kẹo thuốc lá.