Theo tin từ đài RT, ngày 18-10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vừa lên tiếng cảnh báo rắn Nga-Mỹ-Pháp về xung đột giữa Armenia-Azaebaijan ở Nagorno-Karabakh. Armenia và Azaebaijan là hai nước thuộc vùng Caucasus.
Nga-Mỹ-Pháp là thành viên và là đồng chủ tịch của Nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) có nhiệm vụ dàn xếp xung đột ở Nagorno-Karabakh. Ông Erdogan cáo buộc ba nước này “hỗ trợ mọi loại vũ khí” cho Armenia trong xung đột với Azerbaijan.
“Những người anh em Azerbaijan hiện đang trong cuộc chiến rất nghiêm trọng với Armenia. Tại sao họ phải chiến đấu? Vì họ đấu tranh giải phóng vùng đất của Azerbaijan bị Armenia chiếm đóng. Còn có điều gì hợp quy luật hơn thế?” – ông Erdogan nói tại một sự kiện của đảng cầm quyền Công lý và Phát triển ở tỉnh Sirnak (nam Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 18-10.
Người dân địa phương bên cạnh một hố sâu xuất hiện do pháo giao tranh ở Nagorno-Karabakh ngày 17-10. Ảnh: REUTERS
Ông Erdogan cũng tái khẳng định sự ủng hộ của mình với Azerbaijan và nói nước này có quyền giải phóng vùng Nagorno-Karabakh tranh chấp.
Thổ Nhĩ Kỳ công khai ủng hộ Azerbaijan ngay từ khi xung đột xảy ra. Thổ Nhĩ Kỳ bị cáo buộc hỗ trợ Azerbaijan trong các cuộc không kích chống lại Armenia, cũng như gửi lính đánh thuê từ Syria sang Azerbaijan để đối phó Armenia.
Mặc nỗ lực của Nhóm Minsk và đặc biệt là Nga, giao tranh vẫn tiếp diễn. Thỏa thuận ngừng bắn hai bên đạt được ngày 10-10 qua sự trung gian của Nga đã bị vi phạm chỉ sau vài giờ có hiệu lực. Cuối ngày 17-10 hai bên tiếp tục thống nhất một thỏa thuận ngừng bắn mới, nhưng cũng đã bị chết yểu không lâu sau đó, và hai bên đổ lỗi nhau vi phạm trước.
Vũ khí bị lực lượng Nagorno-Karabakh tịch thu từ phía binh sĩ Azerbaijan. Ảnh: SPUTNIK
Phía Azerbaijan cáo buộc bên kia nã pháo trước vào các địa điểm của mình. Armenia cũng cáo buộc Azerbaijan vi phạm ngừng bắn, bắn pháo, rocket cũng như có động thái chuyển quân chiến lược. Hai bên đều có thương vong.
Xung đột ở Nagorno-Karabakh bắt đầu cuối tháng 9. Vùng lãnh thổ này vốn thuộc Azerbaijan nhưng đã ly khai đồng thời tự xưng là một nước cộng hòa và được nước láng giềng Armenia ủng hộ. Sắc dân ở Nagorno-Karabakh phần lớn là người Armenia. Tính đến thời điểm này đã có hàng trăm người thiệt mạng trong hơn ba tuần giao tranh.