Ngày nào cũng vậy, tôi không thể ngồi tập trung đọc được một thứ gì hoặc xem được một chương trình gì hoàn chỉnh mà không bị gián đoạn bởi đoạn quảng cáo dồn dập trên chiếc tivi trong phòng khách "Hãy bỏ phiếu cho Biden ". Rồi tôi chợt tự hỏi: Liệu ông Biden có thực sự trở thành Tổng thống được không sau hơn 4 thập kỷ thất bại?
Ông Biden đang dẫn trước Tổng thống Donald Trump trong các cuộc thăm dò dư luận. Khả năng thành công của cuộc săn lùng chiếc ghế tổng thống có vẻ đang trong tầm tay.
Nếu quả như vậy thì nghịch lý - thua 40 năm, cuối đời chiến thắng - có ý nghĩa gì đối với cử tri Mỹ.
Thất bại nối tiếp thất bại
Ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden chính thức ra tranh cử tổng thống năm 1984 và đã 3 lần thất bại trước các đối thủ cùng phe là ông Walter Mondale năm 1984; ông Michael Dukakis năm 1988; và ông Barack Obama năm 2008. Năm 1984 và 1988, ông Biden đều chỉ nhận được dưới 0,1% phiếu bầu đề cử của đảng Dân chủ; năm 2008 ông nhận được 1,4%. Trong cả ba nỗ lực, ông Biden đã không thể giành được dù chỉ một phiếu sơ bộ duy nhất ở bất kỳ bang nào trong số 50 bang, 5 vùng lãnh thổ và Washington, DC.
Ông Biden nếm mùi thất bại vào năm 1984 vì lúc đó ông chưa có tên tuổi gì ngoài bảng thành tích ít ỏi ở cương vị Thượng nghị sĩ. Năm 1988, ông rút lui khỏi cuộc đua vì những cáo buộc đạo văn. Năm 2008, ông tiếp tục thất bại khi phải đối mặt với người sau đó trở thành tổng thống da đen đầu tiên của nước Mỹ.
Năm 2016, sau 8 năm đảm nhiệm cương vị Phó tổng thống của chính quyền Obama (2009-2017), ông Biden đã bóng gió về việc tranh cử tổng thống một lần nữa. Ông Biden do dự vì đúng thời điểm đó ông phải chứng kiến cái chết thương tâm của con trai, Beau Biden.
Tuy nhiên, ông Obama đã thuyết phục cấp phó của mình từ bỏ ý định tranh cử vì những lý do chính trị. Thay vào đó, bà Hillary Clinton đã được đề cử để rồi thất bại trước ông Donald Trump. Nhiều người cho rằng, thực chất, Obama không tin lắm vào khả năng của Biden, cũng như không tin Biden sẽ nhiệt tâm gìn giữ "di sản Obama".
Cuối cùng ông Biden cũng chiến thắng
Năm 2019, ông Biden lại một lần nữa ra tranh cử tổng thống trong một cuộc đua gay cấn giữa 25-35 ứng cử viên – ai cũng khao khát chiến thắng để đối mặt với ông Trump ở chặng cuối.
Ông đã có màn thể hiện không mấy nổi bật ở vòng sơ bộ năm 2019, báo trước một thất bại tiếp tục. Trong những cuộc tranh luận đầu tiên, ông thường xuyên tỏ ra nao núng và luôn trong thế chuẩn bị thua cuộc. Cùng lúc đó, đối thủ Bernie Sanders lại ở thế thắng như chẻ tre.
Đầu năm 2020, Biden vẫn tiếp tục phong độ thiếu sức thuyết phục ở các cuộc bầu cử sơ bộ cấp tiểu bang. Tình thế lúc này của ông là nắm chắc phần thua ở vòng sơ bộ, tụt hạng trong các cuộc thăm dò và quan trọng nhất là tiền đã cạn. Điều đáng nói là, cũng thời điểm đó ông Obama quyết định không lên tiếng ủng hộ ông Biden và không vận động tranh cử cho cộng sự cũ. Về phần mình, Biden tuyên bố chính ông đã yêu cầu ông Obama không cần ủng hộ mình (?).
Đột nhiên vào tháng 2/2020, dường như đảng Dân chủ đi đến kết luận rằng việc đề cử ông Bernie Sanders làm ứng cử viên chính thức để đối mặt với ông Trump sẽ không chỉ là một nỗ lực thất bại mà còn có thể huỷ hoại đảng.
Chính vì vậy, phe Dân chủ đã có một động thái dứt khoát loại bỏ ông Sanders và những ứng cử viên khác vẫn đang trong các vòng tranh luận vì sợ rằng ông Sanders sẽ không thể thắng cử.
Hãy nhớ lại rằng đó cũng chính là thời điểm ông Trump đang ở thế bất khả chiến bại: Tổng thống đang điều hành nền kinh tế tốt nhất từ trước đến nay và đã hoàn thành lời hứa của mình với cử tri. Cũng nhớ lại rằng khi đó, Mỹ chưa phải đối mặt với đại dịch Covid-19.
Ngay sau động thái của đảng Dân chủ, các nhà tài trợ đã rót hàng trăm triệu USD vào South Carolina nhằm đảm bảo đây sẽ là tiểu bang xoay ngược tình thế cho chiến dịch của ông Biden. Đồng thời, đảng Dân chủ lại một lần nữa huỷ hoại ông Bernie Sanders: họ đã làm như vậy với ông năm 2016 khi bà Hillary Clinton tranh cử. Chiến thuật đó đã đem lại kết quả. Ông Biden thực hiện cú lội ngược dòng giành thắng lợi ở South Carolina. Đây cũng là chiến thắng đầu tiên ông giành được trong cuộc bầu cử sơ bộ. Vậy là ông Biden trở thành ứng cử viên chính thức của đảng Dân chủ để đối mặt với đương kim Tổng thống Donald Trump.
Ông Biden và quá trình chuyển hoá từ trung dung sang tả khuynh
Từ lúc mùa bầu cử sơ bộ được khởi động để tiến dần tới cuộc bầu cử tháng 11 cũng là quãng thời gian chứng kiến quá trình ông Biden dần dần rời xa những quan điểm trung dung hoặc ôn hoà để ngày càng hướng tới những chính sách được ông Sanders cổ suý. Ông Sanders biết rõ là ông Biden sẽ không thể giành chiến thắng nếu không có những cử tri của chiến dịch Sanders.
Trước thềm Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ hồi tháng 8, ông Biden và ông Sanders đã phối hợp để đưa ra một tuyên ngôn xã hội chủ nghĩa, đề xuất chính sách đánh thuế cao đối với những người giàu và các tập đoàn, đồng thời chuyển giao của cải ở quy mô lớn và cung cấp "dịch vụ miễn phí" cho người dân. Thoả thuận Biden-Sanders đã được phản ánh rõ nét trong cương lĩnh của đảng Dân chủ.
Sau khi giành được đề cử của đảng Dân chủ và đối mặt với các trận công kích từ phía ông Trump, ông Biden lại dịch chuyển quan điểm từ cực tả về trung dung. Còn hiện tại, không ai khẳng định được ông Biden là người theo xu hướng nào. Ông đang sẵn sàng là bất cứ điều gì miễn vừa lòng tất cả mọi người. Nhưng điều đó sẽ khiến một số người không vừa lòng.
Bà Harris được chọn làm đối tác tranh cử
Bà Kamala Harris, Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ nhiệm kỳ đầu tiên, bước vào cuộc đua vào Nhà Trắng của đảng Dân chủ cùng với các ứng cử viên đầy tham vọng khác giống như ông Biden. Nhưng khác với ông Biden, bà Harris không trụ được lâu trong vòng sơ bộ: tháng 12/2019 đánh dấu chấm hết cho chặng đua của bà.
Bà Harris tranh cử trên nền tảng là một người theo chủ nghĩa xã hội cực tả, thậm chí cực tả hơn cả những người theo khuynh hướng này là ông Bernie Sanders và bà Elizabeth Warren. Năm 2019, bà được đánh giá là thượng nghị sĩ có tư tưởng cấp tiến nhất trong Quốc hội. Sau đó, bà lại cố gắng thể hiện quan điểm trung dung trong các vấn đề chính sách. Thời gian trước đó, khi còn là Công tố viên, bà Harris nổi tiếng với tư tưởng bảo thủ cực đoan trong các vấn đề tư pháp hình sự. Cứ như vậy, bà ấy không ngừng thay đối quan điểm một cách chóng mặt trong mọi vấn đề chính sách quan trọng.
Một điều dễ nhận thấy nữa là bà Harris không hiểu rõ về khá nhiều vấn đề. Với hầu hết các vấn đề được hỏi, câu trả lời luôn luôn là: Chúng ta cần có đối thoại chính sách.
Nhìn chung, bà không phải là một ứng cử viên được yêu thích.
Bất chấp thành tích kém cỏi trước khi rút khỏi cuộc đua vào tháng 12/2019, bà Harris đã được ông Biden chọn làm phó tướng. Ngay từ đầu vòng sơ bộ, ông Biden đã tuyên bố sẽ chọn người đồng hành là một phụ nữ da đen. Bà Harris phù hợp với tiêu chí này.
Bà Harris vốn là người mang nặng tư tưởng công bằng xã hội của phe cánh tả. Nhưng giờ đây bà lại tuyên bố mình là người ôn hòa để "hợp rơ" với ông Biden.
Nên hiểu mọi chuyện như thế nào?
Điều quan trọng rút ra từ cuộc hành trình tìm kiếm quyền lực tổng thống mang tên Biden-Harris là đảng Dân chủ quan tâm đến việc đánh bại ông Donald Trump hơn việc đạt được các mục tiêu chính sách. Bằng chứng là cả ông Biden và bà Harris đều không đưa ra được một chính sách nào rõ ràng, chưa nói đến việc cả hai liên tục thay đổi lập trường một cách chóng mặt. Điều này mang lại một ấn tượng rằng họ chỉ cần chiến thắng, chính sách thế nào chỉ là điều thứ yếu.
Khao khát đánh bại ông Trump bằng bất cứ giá nào của phe Dân chủ là điều dễ hiểu vì Donald Trump là hiện thân của mọi thứ mà họ không thích. Nhưng ít nhất thì cử tri Mỹ cũng nên biết họ đang bỏ phiếu cho điều gì. Đối với những cử tri Dân chủ, tất cả những gì họ biết là họ đang bỏ phiếu chống lại ông Trump chứ không nhất thiết là ủng hộ ông Biden và bà Harris.
Một ví dụ là cho đến giờ, ông Biden vẫn từ chối trả lời câu hỏi về việc liệu ông có bổ sung thẩm phán tại Tòa án Tối cao để đối phó với đa số của phe Cộng hoà hiện giờ hay không. Trước đây, ông Biden đã phát biểu rằng việc bổ sung thẩm phán như vậy là điều xuẩn ngốc, còn bây giờ thì ông nhất định giữ im lặng. Ông Biden cũng từ chối công bố danh sách các thẩm phán có khả năng được bổ nhiệm nếu ông đắc cử. Mà đây chính là những vấn đề có liên quan trực tiếp đến cân nhắc lá phiếu của cử tri.
Một số người theo phe Dân chủ có lẽ không hề thực tâm mong muốn một chính quyền Biden-Harris dù vẫn bỏ phiếu cho họ. Và nếu ông Biden và bà Harris thắng cử, nhiều người Mỹ vẫn sẽ không biết được họ đã bỏ phiếu cho điều gì: Cho một nước Mỹ ôn hoà hay một nước Mỹ được chuyển đổi toàn diện theo mô hình chủ nghĩa xã hội cực đoan.
Thêm vào đó là những lo ngại về sức khoẻ của ông Biden ở tuổi 78 và về việc liệu bà Harris có đủ năng lực để tiếp quản nhiệm kỳ Tổng thống giữa chừng hay không.