Những tuần gần đây Trung Quốc đã nỗ lực thực hiện một cuộc “tấn công quyến rũ” với các nước Đông Nam Á.
Từ tháng trước sang tháng này, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phụng Hoàng, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã chia nhau đến thăm chín nước ASEAN.
Trung Quốc “tấn công quyến rũ” ASEAN
Trong các chuyến thăm, các quan chức Trung Quốc lặp lại cam kết của nước này là sẽ cung cấp vaccine COVID-19 cho các nước ASEAN một khi vaccine có mặt. Trung Quốc cũng đã ký một số thỏa thuận thương mại song phương với một số nước ASEAN.
Cụ thể, Trung Quốc ký một thỏa thuận thương mại tự do với Campuchia, một thỏa thuận mua 1,7 triệu tấn dầu cọ từ Malaysia, giảm thuế nhập khẩu với một số hàng hóa nhập từ Lào, cung cấp 200 triệu nhân dân tệ (gần 30 triệu USD) cho bang Rakhine của Myanmar.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (trái) và Thủ tướng Campuchia Hun Sen (phải) ký kết thỏa thuận thương mại tự do song phương FTA ngày 12-10. Ảnh: FRESH NEWS ASIA
Tuy nhiên, các nỗ lực này của Trung Quốc không khỏa lấp được thực tế nước này vẫn đang trong quá trình tranh chấp căng thẳng với năm nước ASEAN (Philippines, Malaysia, Brunei, Việt Nam, Indonesia) ở Biển Đông.
Nhiều nhà quan sát cho rằng Trung Quốc vẫn còn cả một chặng đường dài để gây dựng lòng tin ở khu vực, khi mà nước này vẫn đang trong hàng loạt tranh chấp với nhiều nước ASEAN về lãnh hải, về quyền khai thác cá và thăm dò tài nguyên ở Biển Đông.
Nhà phân tích cấp cao Huong Le Thu tại Viện Chính sách Chiến lược Úc cho rằng cuộc “tấn công quyến rũ” của Bắc Kinh có thể sẽ có tác động tốt lên các nước ASEAN không có tranh chấp với Trung Quốc, nhưng các nước có tranh chấp thì không.
Khó lôi kéo cả khối ASEAN
Theo Phó Giáo sư Li Mingjiang tại trường Nghiên cứu Quốc tế tại đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), cuộc “tấn công quyến rũ” của Trung Quốc cũng sẽ không mang lại sự thay đổi đáng kể nào trong cách ASEAN nhìn nhận Bắc Kinh. Vì theo ông, “Đông Nam Á quan trọng với Trung Quốc nhưng không phải là từng nước riêng lẻ mà là ý nghĩa chiến lược của ASEAN”.
Phó Giáo sư Li cho rằng bước đi này của Trung Quốc có thể phần nào ngăn cản nỗ lực của Mỹ lôi kéo các nước ASEAN, đặc biệt có thể giúp Bắc Kinh “chuyển tải thông điệp đến các nước không có quan hệ với Mỹ về các vấn đề chiến lược”. Theo ông, ngăn chặn các nước ASEAN nghiêng về phía Mỹ trong các vấn đề chiến lược là một điều cực kỳ quan trọng với Trung Quốc.
Theo Phó Giáo sư Li, sẽ rất khó để giải tỏa các mối quan ngại của ASEAN về Trung Quốc. Cũng theo ông, ASEAN sẽ không chọn đứng về bên nào trong cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc hiện tại, bất kể các nước này cố gắng thuyết phục thế nào.
Gặp Ngoại trưởng Malaysia Hishammuddin Hussein tại Kuala Lumpur tuần trước, ông Vương chỉ trích mạnh nhóm Bộ tứ về an ninh khu vực gồm các nước Mỹ-Nhật-Úc-Ấn Độ. Theo ông Vương, nhóm Bộ tứ này là một phần nỗ lực của Mỹ trong chiến lược xây dựng một “NATO ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” và sẽ hủy hoại nghiêm trọng an ninh khu vực. NATO là liên minh phòng thủ hình thành từ Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương.
Ngoại trưởng Malaysia Hishammuddin Hussein (phải) tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại Kuala Lumpur (Malaysia) ngày 13-10. Ảnh: BERNAMA/DPA
Theo Phó Giáo sư Li, các tranh chấp với một số thành viên ASEAN càng làm Trung Quốc khó khăn hơn trong việc lôi kéo các nước ASEAN.
Tuần trước, Tư lệnh Hải quân Philippines – Phó Đô đốc Giovanni Carlo Bacordo cho biết nước này đang chuẩn bị triển khai hơn 200 dân quân ra bảo vệ ngư dân Philippines đánh bắt gần quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam). Động thái này nhằm đối phó với việc gia tăng hoạt động của dân quân Trung Quốc tại khu vực này.
Phát ngôn của Tư lệnh Hải quân Philippines Bacordo đến chỉ vài ngày sau khi Bộ trưởng Vương Nghị có cuộc gặp với Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin. Trong cuộc gặp này ông Vương hứa Trung Quốc sẽ ủng hộ một chương trình phát triển hạ tầng và kinh tế của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.
Một điểm đáng lưu ý, Việt Nam - nước đang giữ chức Chủ tịch ASEAN năm nay - là nước duy nhất không nằm trong chín nước ASEAN vừa được các quan chức cấp cao Trung Quốc đến thăm.