Indochina Capital và Wink Hotels mới đây đã công bố "Khảo sát thói quen và mong muốn của khách du lịch Việt Nam thời COVID". Khảo sát được thực hiện vào tháng 8 năm nay, trên 700 đối tượng, trong đó có 90% là người Việt Nam và 10% là người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam.
Tin tưởng vào các biện pháp kiểm soát dịch
Theo khảo sát của Indochina Capital và Wink Hotels, 68% người được hỏi cho biết họ mong muốn du lịch từ quý IV năm nay. Điều này cho thấy người Việt đã sẵn sàng đi du lịch trở lại.
Ông Michael Piro - Giám đốc Điều hành, Tập đoàn Indochina Capital và Wink Hotels nhận định: "Một trong những lý do là vì có rất nhiều gói du lịch, ưu đãi đang được triển khai, nhưng lý do lớn nhất là vì Chính phủ Việt Nam đã thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh. Chúng tôi tin tưởng vào các biện pháp phòng chống dịch của Chính phủ và nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt, chắc chắn mọi người sẽ tự tin đi du lịch vào quý 4, 2020."
Ông Michael Piro - Giám đốc Điều hành, Tập đoàn Indochina Capital và Wink Hotels
Khảo sát này cũng cho thấy, du lịch cùng gia đình cũng là một hình thức du lịch phổ biến ở Việt Nam (44%). Ngoài ra, 92% người được khảo sát sẽ chọn đi du lịch bằng hàng không, và thường chọn các địa điểm du lịch biển. Đà Nẵng, Đà Lạt và Nha Trang là những địa điểm du lịch được lựa chọn nhiều nhất.
Trong giai đoạn từ năm 2015 - 2019, du lịch nội địa của Việt Nam đã tăng từ 57 triệu lượt khách đến 90 triệu khách. Đáng chú ý, người Việt ngày càng sẵn sàng chi tiêu cho các kỳ nghỉ. Cụ thể, 99,7% người cho biết họ đi du lịch nội địa ít nhất một lần mỗi năm và 83,7% đi du lịch ít nhất hai lần mỗi năm.
Xu hướng du lịch thay đổi
Đại dịch COVID-19 đã tác động rất lớn đến hành vi du lịch của du khách. Trao đổi với phóng viên VTV, ông Michael Piro - Giám đốc Điều hành, Tập đoàn Indochina Capital và Wink Hotels cho rằng, thời điểm hiện tại, du khách Việt Nam quan tâm nhiều hơn đến những yếu tố liên quan đến an toàn vệ sinh, sức khỏe. Họ muốn các điểm lưu trú, sân bay kiểm tra thân nhiệt của du khách, sử dụng khẩu trang, có dung dịch khử trùng cho du khách, đảm bảo vệ sinh phòng ở…
Việc áp dụng công nghệ trong khách sạn để giảm thiểu tiếp xúc cũng được ghi nhận hơn. Nếu trước đây dịch vụ khách sạn tốt là có nhiều nhân viên phục vụ, luôn luôn có nhiều người bắt chuyện, tiếp đón, chăm sóc bạn, thì sau COVID-19 tâm lý du khách cũng đã thay đổi phần nào.
Bên cạnh đó, giá cả vẫn là một trong những yếu tố được ưu tiên hàng đầu khi đại dịch đã tác động không nhỏ đến túi tiền của du khách. Khảo sát cho thấy, du khách tại Việt Nam ưa chuộng các chuyến du lịch ngắn ngày, dưới 4 đêm nghỉ. Đối với giá phòng, 58% du khách sẵn sàng chi trả trên 1.500.000 VND/ đêm và chỉ 26% du khách sẵn sàng chi trả trên 2.000.000 VND/đêm.
Ông Lưu Đức Kế - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần truyền thông Du lịch Việt
Đồng tình với kết quả khảo sát này, ông Lưu Đức Kế - Phó TGĐ Công ty cổ phần truyền thông Du lịch Việt cho rằng: "Dù giá cả hiện tại không còn là ưu tiên số 1, thậm chí không còn là số 2, nhưng nếu có sự giảm giá thì là sự cộng hưởng tốt. Giảm không chỉ là bớt tiền tour bao nhiêu tiền, mà ví dụ anh mua tour 3 sao, tôi nâng lên thành 3,5 sao, 4 sao, hay thêm món ăn vào thực đơn, như vậy cũng là giảm rồi.". Cũng theo ông Kế, thời điểm hiện tại đang là mùa gặt tại các tỉnh miền núi phía Bắc, nên các tour tại các địa phương này đã "sôi động" trở lại, thậm chí đơn vị còn gặp khó trong việc đặt phòng, đặt dịch vụ.
Các chuyên gia trong ngành nhận định, với chương trình kích cầu du lịch nội địa lần 2 đang nhận được sự vào cuộc tích cực của nhiều địa phương và doanh nghiệp, cùng với việc kiểm soát tốt dịch bệnh, niềm tin của du khách với du lịch trong nước sẽ sớm quay lại và tạo đà hồi phục cho ngành công nghiệp không khói đang gặp nhiều khó khăn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.51880745191010202-man-iouc-pid-gnort-aul-gnub-gnas-nas-ad-teiv-hcahk-ud/et-hnik/nv.vtv