Là con gái của ông Trần Quí Thanh – Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát, nhiều người nghĩ Trần Uyên Phương "sinh ra đã ở vạch đích". Nhưng thực tế lại khác hẳn. Người cha với quan niệm "thương cho roi cho vọt", "muốn con biết bơi thì phải thả cho xuống nước" và "có uống vài ngụm cũng chẳng sao", và Dr Thanh luôn khắt khe với con cái mình hơn người ngoài.
Ông Nguyễn Văn Tư, Giám đốc Khối R&D và Dự án của Tân Hiệp Phát, cũng là người bạn lâu năm của gia đình Dr Thanh cho biết, ông Thanh quản con rất chặt. "Người ngoài sai thì được xử lý chừng mực, riêng mấy đứa nhỏ sai phải phạt gấp 5 lần", ông Tư nói.
Dù Trần Uyên Phương hay Trần Ngọc Bích – người con gái thứ hai, được chọn làm người thừa kế nhưng vị trí đấy không tự nhiên mà có. Đó là quá trình tự bản thân hai cô gái phải rèn luyện, có được sự thừa nhận của những người xung quanh, từ vị trí thấp nhất đi lên.
"Nói là thừa kế thôi, chứ bản thân Phương, Bích không có đặc quyền, đặc lợi gì. Khi họ vào công ty cũng là những nhân viên bình thường, tự phấn đấu, chứ không phải một phát là phó tổng giám đốc như giờ mọi người thấy đâu", ông Tư kể.
Sau khi tốt nghiệp ở Singapore, Uyên Phương nhận được công việc đầu tiên ở Tân Hiệp Phát là thư ký giám đốc marketing, rồi được thuyên chuyển làm nhân viên phiên dịch cho giám đốc dự án ERP.
Cơ hội đến với Phương khi công ty cần một người giỏi tiếng Anh, hiểu rõ về Tân Hiệp Phát cho một đội project coordinator (điều phối viên dự án). "Đấy là vị trí đầu tiên mà tôi được quản lý 30 con người", Phương cười khi nhớ lại.
Phương cho biết có là con gái của ông Thanh nhưng không có năng lực thì cơ hội bày ra trước mắt cũng chỉ là bỏ phí. "Tôi nghĩ cách mọi người đối xử với mình như thế nào không quan trọng bằng cách tôi đón nhận nó và tìm cách xử lý, hoàn thiện công việc", Phương chia sẻ.
Với Phương, việc các sếp đối xử khắt khe, hoặc như cách nhân viên hay nhìn nhận là "đì", thực tế lại là cơ hội để hoàn thiện bản thân.
Theo quan điểm của cô, những người thực sự tạo ra được kết quả tốt, đều đã đi qua được những khó khăn, trụ vững trước những người sếp khó tính. Mà thực tế, người sếp khó tính hàng đầu ở Tân Hiệp Phát lại là ông Thanh- cha của Phương.
Nhớ lại, Phương cho biết có những hôm 5h sáng đã phải bắt đầu "bài tập" để trả bài cho "ông chủ" Dr Thanh. Bữa trưa cũng thường diễn ra vào lúc 14-15h, bữa tối nhiều ngày đến tận 24h, cá biệt, có những lần đến 2h sáng mới kết thúc nếu cha con còn bàn bạc công việc.
Áp lực nhiều, nhưng lương và đãi ngộ của Phương cũng tương tự những nhân sự khác, kể từ khi cô đặt chân vào Tân Hiệp Phát đến nay.
"Hồi làm thư ký, mức chuẩn là bao nhiêu thì tôi được nhận như thế. Đến giờ, lương cấp quản lý ở công ty là bao nhiêu thì tôi bấy nhiêu, có khi còn thấp hơn", cô nói.
"Cô Phương, cô Bích mỗi ngày làm việc 14-15 tiếng ở công ty. Về nhà ngủ cũng là công ty. Tầng 5 của trụ sở Tân Hiệp Phát cũng là nhà của Dr Thanh luôn", ông Tư nói về thế hệ lãnh đạo kế cận công ty đầy tự hào. "Dr Thanh trao quyền kế thừa là trao trách nhiệm", ông nói thêm.
Thừa nhận kế nghiệp cơ ngơi tỷ đô của người cha có áp lực, nhưng Phương bày tỏ bản thân quan niệm luôn muốn ở vị trí cao hơn, chứ không dừng lại. Và để đạt được mục đích đấy, Phương không ngại thử, tìm những cơ hội mới, kể cả là nhỏ nhất, bởi có những công việc, kinh nghiệm sẽ khó có cơ hội lần 2 trong đời.
Xem thêm: mth.22053839002010202-tahp-peih-nat-ek-auht-iougn-auc-gnoul-neit-tam-ib/nv.ahos