Mỹ bước vào đợt Covid thứ ba, có thể là làn sóng lớn nhất
Khánh Lan
(TBKTSG Online) – Mỹ đang bước vào làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ ba với nhiều cảnh báo có thể vượt đỉnh của làn sóng Covid thứ hai. Dữ liệu thống kê từ trang Worldometers.info cho thấy số ca nhiễm mới trung bình hàng ngày trong tuần trước ở Mỹ đạt 56.917 ca, cao nhất kể từ đầu tháng 8, khi làn sóng Covid thứ hai suy yếu.
Thêm 175.000 người Mỹ nữa có thể tử vong
Hôm 16-10, Mỹ ghi nhận hơn 70.450 ca nhiễm mới, cao nhất kể từ ngày 24-7. Ít nhất chín bang chứng kiến số ca nhiễm mới hàng ngày đạt mức kỷ lục vào ngày này, bao gồm Wyoming, Minnesota, Wisconsin, Tây Virginia, Bắc Dakota, Indiana, New Mexico, Utah và Colorado.
Trong tuần trước, 18 bang và đảo Guam ghi nhận số ca nhiễm cao hơn so với bất kỳ tuần nào kể từ đầu đại dịch.
Số ca nhiễm mới cũng đang tăng trở lại ở những bang vốn là tâm điểm trong làn sóng Covid thứ hai như Florida, Texas và California.
Số ca nhiễm nhập viện cũng đang tăng. Tính đến ngày 16-10, số ca nhiễm nhập viện ở Mỹ tăng 21% so với ba tuần trước đó. 12 bang bao gồm các bang như Montana, Bắc Dakota và Wisconsin có số ca nhiễm nhập viên đạt mức kỷ lục trong tuần qua.
Tính đến ngày 16-10, số ca nhiễm nhập viện ở Mỹ tăng 21% so với ba tuần trước đó. Ảnh: 9and10news.com |
Tính đến ngày 17-10, Mỹ ghi nhận tổng cộng 8,1 triệu ca nhiễm bao gồm 219.666 ca tử vong, theo Đại học Johns Hopkins (Mỹ).
“Tôi không phải là người bi quan nhưng rõ ràng đây là điểm khởi đầu của làn sóng lây nhiễm Covid mới”, Megan Ranney, bác sĩ giảng dạy chuyên ngành y tế cấp cứu ở Đại học Brown (Mỹ), viết trên Twitter hôm 15-10.
Thực tế, Mỹ đã bước vào làn sóng lây nhiễm Covid thứ ba, điều mà các chuyên gia lo ngại sẽ là làn sóng lớn nhất. Lý do họ tin như vậy là sự kết hợp của nhiều yếu tố: Các biện pháp phong tỏa đã được dỡ bỏ, nhiều người đang dành thời gian đi lại bên ngoài nhiều hơn khi thời tiết trở lạnh, người dân cảm thấy mỏi mệt khi phải chấp hành các biện pháp an toàn và số ca nhiễm chưa bao giờ giảm mạnh thực sự.
“Nếu tỷ lệ lây nhiễm không bao giờ đạt được mức thấp, các biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng cơ bản không được áp dụng rộng rãi và mọi người lại tụ tập ăn uống, đây là sự kết hợp hoàn hảo cho một đợt lây nhiễm lớn”, Ingrid Katz, giáo sư ở Trường Y khoa Harvard, nhận xét.
Viện Đánh giá và Đo lường y tế (IHME) thuộc Đại học Washington dự báo từ nay cho đến ngày 1-1-2021, ít nhất 175.000 người nữa ở Mỹ có thể tử vong vì nhiểm SARS-CoV-2. Điều này có nghĩa là làn sóng Covid thứ ba sẽ gây ra chết chóc lớn nhất.
Tâm lý mệt mỏi vì dịch bệnh
Virus SARS-CoV-2 hiện nay đã lan rộng hơn bao giờ hết ở Mỹ.
Điều vẫn duy trì như cũ là năng lực kiểm soát dịch bệnh của Mỹ tiếp tục cản trở bởi các nỗ lực truy vết tiếp xúc không đầy đủ và sự ngờ vực của nhiều người dân đối với các khuyến nghị phòng dịch dựa vào căn cứ khoa học.
“Chúng ta vẫn chưa thiết lập được phản ứng có phối hợp trên toàn quốc. Chúng ta đang chiến đấu với hai đại dịch cùng một lúc, đại dịch Covid-19 và ‘đại dịch’ thông tin sai trái xung quanh Covid-19”, Ingrid Katz, giáo sư ở Trường Y khoa Harvard, nói.
Bà cho rằng cũng dễ hiểu khi một bộ phận người dân Mỹ không còn tuần thủ nghiêm ngặt các biện pháp bảo vệ an toàn sức khỏe vì họ đang rơi vào tình trạng ‘mệt mỏi vì dịch bệnh’. Tình trạng này có thể khiến họ không ở nhà nhiều như trước hoặc không cập nhật thông tin về tình hình lây lan dịch bệnh ở địa phương. Khi các trường học và doanh nghiệp tái mở cửa, nhiều người dân có thể có cảm nhận sai rằng các môi trường này giờ đây đã an toàn.
Bác sĩ William Schaffner, chuyên gia dịch tễ học ở Đại học Vanderbilt, nói: “Tâm lý mệt mỏi vì dịch bệnh đang tăng. Mọi người thực sự muốn trở lại cuộc sống bình thường như trước đây”.
Ông dự báo Mỹ sẽ trải qua làn sóng lây nhiễm nghiêm trọng thứ ba và tình hình sẽ phức tạp hơn trong mùa đông này vì đây là thời điểm bùng phát dịch cúm mùa, có các triệu chứng giống như dịch bệnh Covid-19.
Nguy cơ phong tỏa trở lại
Trò chuyện với chương trình 60 Minutes của Đài truyền hình CBS (Mỹ) vào tối 18-10, Bác sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Viện Bệnh truyền nhiễm và dị ứng quốc gia Mỹ (NIAID), nói rằng nước Mỹ đang kiệt quệ vì phải các biện pháp hạn chế đi lại trong những đợt lây nhiễm trước đó.
Ông nói: “Chúng ra muốn sử dụng các biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng động theo cách không cản trở việc mở cửa nền kinh tế nhưng cũng cần phải đảm bảo an toàn”.
Giám đốc IHME, Christopher Murray, nói: “Dường như mọi người mang khẩu trang và duy trì giãn cách xã hội thường xuyên hơn khi số ca nhiễm tăng và rồi sau khi số ca nhiễm giảm, họ lại lơ là cảnh giác và dừng thực hiện các biện pháp này để bảo vệ họ và người khác. Dĩ nhiên, điều này sẽ khiến số ca nhiểm tăng trở lại và một chu kỳ lây nhiễm chết chóc có thể lại bắt đầu”.
Mỹ đang bước vào làn sóng Covid thứ ba với số ca nhiễm mới tập trung ở các bang vùng Trung Tây sau làn sóng thứ nhất hồi mùa xuân và làn sóng thứ hai hồi mùa hè. Ảnh: NY Times |
Dù số ca nhiễm mới hiện nay tập trung ở các bang thuộc vùng Trung Tây, các chuyên gia cho rẳng tâm dịch có thể di chuyển nhanh sang các vùng khác của nước Mỹ.
Ít nhất có 14 bang có tỷ lệ xét nghiệm dương tính trên 10% trong tổng số ca được xét nghiệm, theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins. Bác sĩ Anthony Fauci, Giám đốc NIAID, nhấn mạnh rằng tỷ lệ xét nghiệm dương tính cần duy trì dưới 3% là tốt nhất.
Bác sĩ Howard Koh, giáo sư ở Trường Y tế cộng đồng T.H. Chan thuộc Đại học Harvard, cho rằng tỷ lệ xét nghiệm dương tính từ 7-9% trở lên là ‘rất đáng ngại’.
Nếu các bệnh viện ở Mỹ quá tải một lần nữa vì số nhiễm nhập viện tăng, các chuyên gia y tế cộng đồng cho rằng giới chức trách cần phải tái áp đặt lệnh phong tỏa một lần nữa.
Có rất nhiều biện pháp bạn có thể áp dụng để dung hòa tình trạng hiện nay với một lệnh phong tỏa hoàn toàn. Bạn có thể yêu cầu mọi người không tụ tập ăn uống, không đi đến phòng tập gym, không đến các lớp yoga...”, giáo sư Ingrid Katz nói.
Business Insider, New York Times, CNBC
Xem thêm: lmth.tahn-nol-gnos-nal-al-eht-oc-ab-uht-divoc-tod-oav-coub-ym/936903/nv.semitnogiaseht.www