Thủ tướng báo cáo Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội - Ảnh: Chinhphu.vn
Sáng 20-10, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020, dự kiến kế hoạch năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2021 - 2025.
Không đạt chỉ tiêu tăng trưởng vì dịch COVID-19
Thủ tướng nhận định năm 2020 và giai đoạn 5 năm 2016 - 2020, tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp hơn so với dự báo: Cạnh tranh chiến lược giữa các nước, đối tác lớn trên thế giới và trong khu vực ngày càng gay gắt; xung đột thương mại và rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng; sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động sâu rộng; dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát ảnh hưởng rất nặng nề đến tất cả các lĩnh vực, dẫn đến tình trạng suy thoái kinh tế thế giới nghiêm trọng.
Kinh tế trong nước vì thế bị ảnh hưởng, sản xuất kinh doanh đình trệ; nhiều hoạt động văn hóa, xã hội bị tác động nghiêm trọng; hàng triệu lao động thiếu, mất việc làm, giảm sâu thu nhập.
Đặc biệt, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, thiên tai, nhất là nắng nóng, hạn hán, dông lốc, sạt lở, lũ lụt ở các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt ở ĐBSCL gây thiệt hại nặng nề, tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống.
Với phương châm Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân, Thủ tướng cho hay đã tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định pháp luật để tháo gỡ khó khăn, khơi thông các nguồn lực, tăng cường thu hút đầu tư...
Nhờ đó, cả nước đã tập trung phòng chống, kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện.
Tuy vậy, tăng trưởng kinh tế năm 2020 không đạt kế hoạch đề ra do tác động, ảnh hưởng lớn, ngoài dự báo của đại dịch COVID-19, dẫn đến tăng trưởng bình quân 5 năm 2016 - 2020 không đạt mục tiêu. Khả năng chống chịu của nền kinh tế chưa thật vững chắc; năng lực cạnh tranh và tính tự chủ còn hạn chế.
Tiếp tục mục tiêu kép, tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh
Thủ tướng nhấn mạnh thời gian còn lại cần tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, kích cầu tiêu dùng phù hợp, phát triển mạnh thị trường trong nước, thúc đẩy xuất khẩu, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.
Các giải pháp tập trung gồm thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp phòng chống và giảm thiểu thiệt hại do đại dịch COVID-19. Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; đẩy mạnh triển khai các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm như dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cảng hàng không quốc tế Long Thành và các tuyến đường sắt đô thị; phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành trên 1.700km đường ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau...
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh giải pháp củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình và điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước. Đồng thời đẩy mạnh thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.
Mục tiêu năm 2021:
- Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%
- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%
- Năng suất lao động xã hội tăng khoảng 4,8%
- Tỉ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%
- Tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91%
- Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1 - 1,5 điểm phần trăm
- Tỉ lệ che phủ rừng khoảng 42%
Chỉ tiêu giai đoạn 2021 - 2025:
- Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6,5 - 7%
- Đến năm 2025, GDP bình quân đầu người đạt 4.700 - 5.000 USD
- Tỉ trọng kinh tế số đạt khoảng 20% GDP.
TTO - Năm 2020, Việt Nam nằm trong số ít các quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, tăng trưởng cả năm ước đạt trên 2%. Năm 2021, tiếp tục thực hiện "mục tiêu kép", Chính phủ đặt ra mục tiêu khá tham vọng là GDP tăng khoảng 6% so với năm 2020.
Xem thêm: mth.26465111102010202-dsu-000-5-nel-iougn-uad-pdg-5202-1202-naod-iaig-uad-nahp-gnout-uht/nv.ertiout