Theo Công an tỉnh Ninh Bình, liên quan đến việc đồng chí CSGT có mặt tại hiện trường thời điểm xảy ra vụ án được xác định là Trung tá Nguyễn Chí Kiều, sinh năm 1966, hiện là cán bộ Đội Tuần tra kiểm soát nội tỉnh và dẫn đoàn, Phòng CSGT Công an tỉnh.
Ngay sau khi xảy ra sự việc, Phòng CSGT đã tạm dừng phân công nhiệm vụ chuyên môn cho Trung tá Kiều từ 7h30 ngày 2-4 để Trung tá Kiều có thời gian làm việc, cộng tác với Cơ quan CSĐT Công an tỉnh trong quá trình điều tra, làm rõ vụ án.
Công an tỉnh Ninh Bình đang tiếp tục thu thập thông tin, tài liệu làm rõ trách nhiệm, quy trình thực hiện nhiệm vụ của Trung tá Nguyễn Chí Kiều.
Theo nội dung clip ghi lại, khi đối tượng ghì đè cô gái xuống mặt đường, đâm nạn nhân thì CSGT đã tiếp cận, đứng cách nơi đối tượng đang gây án khoảng dăm mét. Nhiều người dân cũng đã dừng xe, đứng quan sát nhưng không tiếp cận lại gần. CSGT dùng gậy ra hiệu, đồng thời lấy điện thoại gọi. Sau khoảng ít phút, xe chuyên dụng của Cảnh sát tới hiện trường, lúc này cả đối tượng và nạn nhân đã nằm bất tỉnh.
Nhiều bình luận chỉ trích việc CSGT có mặt tại hiện trường không dũng cảm, không kịp thời có biện pháp cứu người đang nguy hiểm đến tính mạng. Một số người có lời lẽ thóa mạ, chửi bới, miệt thị. Nhiều trang mạng nước ngoài chế tác hình ảnh, từ sự việc cụ thể này thóa mạ CSGT, thóa mạ Công an. Thậm chí, ngay một tờ báo trong nước cũng có bài viết đặt vấn đề: “CSGT trơ mắt đứng nhìn cô gái bị kẻ thủ ác đâm chết còn xứng đáng đứng trong lực lượng vũ trang”?!
Chúng tôi thấy rằng, việc đặt vấn đề với những lời lẽ như vậy là quá nặng nề, không đúng với tính chất vụ việc. Đối với trường hợp CSGT trong clip, cần có cách nhìn đa chiều, khách quan.
Thứ nhất, xem clip, khi đối tượng đã ghì đè, tấn công nạn nhân, nhiều người cho rằng, CSGT cần phải lao vào khống chế, tước vũ khí, áp giải đối tượng ngay. Thực sự, mong muốn của chúng ta là cần có hành động như vậy để vừa kịp thời cứu nạn nhân, vừa bắt giữ đối tượng. Nhưng trong tình huống này, đối tượng đang hành động một cách hung hãn, dùng kéo đâm nạn nhân.
Đặt ra giả thuyết nếu CSGT bản lĩnh, họ có thể lao vào ngay nhưng sẽ xảy ra hai khả năng. Một là, sau khi lao vào khống chế, đối tượng chống trả, vật lộn với CSGT và sau đó, được sự hỗ trợ của người dân, đối tượng bị bắt giữ, CSGT không ảnh hưởng tính mạng hoặc chỉ bị thương.
Khả năng thứ hai, khi CSGT lao vào khống chế, đối tượng dùng kéo đâm chết nạn nhân; đồng thời điên cuồng đâm CSGT, khiến anh không kịp xử lý, dẫn tới hy sinh. Trong trường hợp này, nói CSGT không dũng cảm để hành động là không sai.
Song, khi nào thì dũng cảm? Chúng ta mong muốn nhìn thấy hình ảnh người Cảnh sát có đủ sức khỏe, kỹ năng, đủ bản lĩnh và hành động đem lại kết quả (bắt được đối tượng, không để nạn nhân tử vong và bản thân Cảnh sát giữ được tính mạng).
Còn ở đây, người CSGT không có được sự dũng cảm đó. Song cần thấy, CSGT đến hiện trường trong tình huống bất ngờ và khi đó anh chỉ có cây gậy điều khiển giao thông trong tay. Việc lưỡng lự khi tiếp cận cho thấy, người này chưa có phương án, khả năng để có thể khống chế đối tượng có vũ khí (kéo), lại đang rất hung hãn. Khi tâm lý và xét thấy khả năng mình lao vào là nguy hiểm thì nếu CSGT lao vào, khả năng anh bị đối tượng tấn công, sát hại là rất cao.
Mong muốn cứu nạn nhân nhưng trong tình huống nguy hiểm như vậy, sự liều lĩnh hiển nhiên không an toàn. Dũng cảm nhưng phải đảm bảo an toàn cho các bên, trong đó có chính mình chứ dũng cảm khi thấy mình không đủ khả năng, điều kiện để tính mạng mình, người khác cũng không bảo đảm thì hậu quả lại nguy hiểm hơn rất nhiều.
Trong thực tế, đã xảy ra nhiều vụ đối tượng gây án tấn công Cảnh sát dẫn tới hy sinh, bị thương. Tại TP HCM, đã xảy ra một số vụ cướp đâm chết hiệp sĩ khi bị đuổi bắt.
Thứ hai, có ý kiến đặt vấn đề: Cần xử lý người CSGT trong vụ việc này về tội “không cứu giúp người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” theo Điều 132, BLHS năm 2015 (sửa đổi bổ sung 2017). Điều luật quy định hành vi khách quan của tội phạm là “người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, trong khi bản thân có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết”. Như vậy, có thể thấy điều luật quy định ở đây vấn đề là “có điều kiện” mà không cứu giúp.
Điều kiện ở đây được hiểu là khả năng của bản thân cũng như các điều kiện hoàn cảnh cụ thể để người đó có đủ khả năng cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, trong tình huống này, khi nhận thấy tính mạng CSGT và người dân không bảo đảm nếu lao vào khống chế đối tượng thì không phải là hành vi khách quan của điều luật.
Thứ ba, việc dùng những từ ngữ như “khoanh tay”, “trơ mắt”, “vô cảm”..., nhất là lại trên báo chí đối với người CSGT trong vụ việc, rõ ràng đó là cách đánh giá không khách quan, quá nặng nề. Clip ghi lại hiện trường cho thấy, đúng là CSGT không lao vào khống chế đối tượng nhưng người này đã có lời nói (yêu cầu đối tượng dừng hành vi tấn công nạn nhân), ra hiệu bằng gậy điều khiển giao thông.
Đồng thời, dùng điện thoại gọi tổ công tác đến tiếp ứng (sau đó ít phút, tổ Cảnh sát nhận được điện thoại đã tới hiện trường). Như vậy, dù không trực tiếp lao vào khống chế kẻ thủ ác nhưng anh đã có các biện pháp kêu gọi đối tượng và điện thoại để tổ công tác tiếp ứng, làm sao có thể nói với những ngôn từ “trơ mắt”, “vô cảm” như vậy được, nhất lại là trên mặt báo chứ không phải bình luận trên mạng xã hội.
Thứ tư, nói “Cảnh sát vì dân phục vụ thì sợ gì hi sinh”? Thực tế, biết bao vụ việc, người Cảnh sát xả thân, đối mặt tội phạm để cứu người, cứu tài sản. Khi làm việc vì nghĩa lớn, họ chấp nhận dấn thân và đã có biết bao hi sinh, mất mát xảy ra.
Nhưng trong một tình huống cụ thể, nguy hiểm đến tính mạng như vụ án này mà liều lĩnh lao vào trong khi điều kiện không cho phép, thấy mình không đủ khả năng thì sự hi sinh xảy ra, hậu quả thiệt mạng nhiều người thì sự dũng cảm đó không phải là hành động cần khuyến khích.
Để xảy ra hậu quả nạn nhân chết, đó là điều rất đáng tiếc và chúng ta luôn đặt câu hỏi “giá như”? Nhưng chúng ta cũng cần đặt mình vào hoàn cảnh cụ thể, chứ đâu phải cứ “anh hùng mạng”, cứ dũng cảm trên mạng để thoải mãi phê phán, miệt thị người khác.