- Đảm bảo an ninh Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều có đóng góp của nhiều cấp, ngành, địa phương và nhân dân
- Vị thế, uy tín Việt Nam được nâng cao nhờ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều
- Thủ tướng nói về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều: "Đủ nắng thì hoa sẽ nở"
Làm việc cả ngày lẫn đêm
Trả lời phỏng vấn báo giới về công tác chuẩn bị và tổ chức cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 vừa diễn ra tại Hà Nội ngày 27 và 28 tháng 2, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung cho biết: "Đây là hội nghị có thời gian chuẩn bị rất ngắn, chưa đầy 10 ngày. Quy mô của hoạt động là như một hội nghị quốc tế gồm nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhất là do thiếu thông tin từ Mỹ và Triều Tiên (do các bạn chưa muốn cung cấp sớm) nên hoạt động của chúng ta càng khó.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra công tác chuẩn bị tại Trung tâm Báo chí quốc tế phục vụ hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều sáng 24-2 |
Nhưng được lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm, coi trọng, đặc biệt là có sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, mọi khâu chuẩn bị đều được thực hiện một cách bài bản, chuẩn mực. Chúng ta cũng có kinh nghiệm quốc tế trong việc tổ chức các Hội nghị lớn và an ninh an toàn, ổn định chính trị nên việc triển khai cũng nhanh chóng, thuận tiện hơn. Vì thế, khi hai đoàn Mỹ-Triều Tiên và các phóng viên quốc tế đến Việt Nam, họ đã bị "choáng ngợp" và "thán phục" trước việc Việt Nam hoàn thành đầy đủ, bảo đảm các khâu về an ninh, cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng trong đó có cả vấn đề nơi ở, khách sạn và cơ sở về thông tin, hoạt động cho báo chí".
Nói kỹ hơn về hoạt động hỗ trợ phóng viên nước ngoài tác nghiệp trong suốt quá trình Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 diễn ra, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, Việt Nam đã làm việc cả ngày lẫn đêm để có được trung tâm báo chí phục vụ tốt nhất cho gần 4.000 phóng viên đưa tin về Hội nghị. "Bộ Ngoại giao được Chính phủ giao cho chủ trì các công tác chuẩn bị tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần này, đặc biệt là công tác lễ tân và hỗ trợ báo chí. Đúng là chỉ có gần 10 ngày kể từ khi chúng tôi chính thức quyết định thiết lập trung tâm báo chí ở Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô.
Đầu tiên, chúng tôi phải giải phóng mặt bằng, sau đó thiết lập hạ tầng viễn thông và các hạ tầng kỹ thuật khác liên quan. Trong vòng đúng một tuần, các công việc được hoàn tất. Cùng với hai doanh nghiệp viễn thông lớn nhất cả nước là Viettel, VNPT và Truyền hình Việt Nam cùng các sở ngành liên quan của thành phố Hà Nội như Điện lực Hoàn Kiếm, Công ty Môi trường đô thị, Ban quản lý Cung văn hóa Hữu nghị Việt Xô, chúng tôi phải làm việc cả ngày lẫn đêm để hoàn thiện một khối công việc lớn như thế này", bà Lê Thị Thu Hằng chia sẻ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Thành trong một lần kiểm tra công tác chuẩn bị tại Trung tâm Báo chí quốc tế. |
"Tôi rất biết ơn, đánh giá rất cao những nỗ lực của anh chị em cán bộ, nhân viên, người lao động của các bộ ngành trung ương, các sở ngành thành phố Hà Nội và doanh nghiệp đã chung tay để chúng tôi hoàn thành được Trung tâm Báo chí quốc tế đúng thời hạn", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.
Cũng theo bà Lê Thị Thu Hằng, để Trung tâm Báo chí quốc tế trên khuôn viên rộng 30.000m2 phục vụ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 suốt 24h/24h, Bộ Ngoại giao phải cử người trực cả đêm lẫn ngày. Những người này sẵn sàng giải quyết mọi sự phát sinh vào bất cứ lúc nào. Thế mới có chuyện vào lúc 23h10 ngày 28-2, khi nhận được thông tin từ Đại sứ quán Triều Tiên tại Việt Nam về việc nước này tổ chức họp báo lúc hơn 0h ngày 1-3 với sự có mặt của 20 đại diện cơ quan báo chí trong và ngoài nước, Vụ Thông tin báo chí Bộ Ngoại giao đã ngay lập tức gọi điện cho các phóng viên, hỗ trợ họ làm các thủ tục về an ninh để có mặt tại phòng họp đúng giờ.
Trung tâm Báo chí quốc tế hoạt động 24h/24h để phục vụ phóng viên trong và ngoài nước tác nghiệp. |
"Chúng tôi phải huy động thêm các anh chị em là cán bộ trẻ của các đơn vị trong Bộ Ngoại giao như Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Ủy ban Biên giới quốc gia và một số sinh viên tới thực tập tại Vụ Thông tin báo chí để có thể chia sẻ cùng nhau công việc này", bà Lê Thị Thu Hằng kể: "Ngoài ra, còn có nhiều đơn vị cùng phối hợp để đảm bảo tốt nhất hoạt động cho Trung tâm Báo chí quốc tế. Nếu không có sự phối hợp nhịp nhàng chặt chẽ giữa các bộ ban ngành, các đơn vị tham gia, sẽ không thể hoàn thành khối lượng công việc lớn như vậy".
Không khí trong Trung tâm Báo chí quốc tế lúc nào cũng "nóng", tất bật. |
An ninh được ưu tiên hàng đầu
Giống như Hội nghị thượng đỉnh lần đầu được tổ chức tại Singapore hồi tháng 6 năm 2018, lần này, công tác an ninh, bao gồm việc bảo vệ cho Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un cũng như đảm bảo an toàn ở các khách sạn nơi hai nhà lãnh đạo nghỉ, các tuyến đường hai phái đoàn đi qua và địa điểm diễn ra Hội nghị được đặt lên hàng đầu.
Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Qúy Vương trong khi trả lời phỏng vấn báo giới bên lề Phiên họp thường kỳ tháng 2 của Chính phủ hôm 1-3 cho biết: "Chúng ta đã bảo vệ từ phái đoàn nhỏ đến phái đoàn lớn, từ đoàn tiền trạm đến đoàn nguyên thủ với lực lượng con người và xe rất đông. Trong khi đó, thời gian thông báo từ phía bạn rất muộn, công việc gấp gáp, lại không chủ động được lịch của hai đoàn. Cái khó nhất là các đoàn đến lúc nào, làm cái gì, bao giờ đi đều do họ chủ động. Việt Nam chỉ làm nhiệm vụ chuẩn bị và đảm bảo hậu cần tốt cho Hội nghị. Khâu chủ động không phải của ta mà phải phụ thuộc vào kế hoạch hoạt động của bạn. Thế nhưng Việt Nam đã làm rất tốt”.
Lực lượng Công an dựng các rào chắn bảo vệ an ninh Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2. |
Về việc đón đoàn của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un ở Đồng Đăng, Lạng Sơn về Hà Nội, Thứ trưởng Lê Quý Vương cho rằng, tỉnh Lạng Sơn thực hiện rất nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương, của Chính phủ và đã rất nỗ lực trong công tác tiếp đón. “Tôi chưa thấy phía các đoàn khách nước ngoài có gì không hài lòng, họ đã khen ngợi Việt Nam. Ông Donald Trump và ông Kim Jong-un đều khen Việt Nam, họ không chỉ khen vấn đề an ninh mà khen về hình ảnh, đất nước con người Việt Nam rất hiếu khách, thân thiện. Đây là cơ sở để chúng ta nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế việc thực hiện các nhiệm vụ an ninh trật tự”, Thứ trưởng Lê Quý Vương nhấn mạnh.
Một điểm đáng chú ý là trong cuộc gặp lần 2 với Tổng thống Mỹ, đoàn Chủ tịch Triều Tiên sang Việt Nam bằng đường bộ (thay vì đường hàng không như lần gặp tại Singapore). Việc ông Kim Jong-un di chuyển trên một quãng đường bộ kéo dài 170km lúc đi và từng đấy km lúc về cũng đặt ra những khó khăn không nhỏ về công tác đảm bảo an ninh, an toàn giao thông.
Vừa nỗ lực hết mình để bảo vệ an ninh Hội nghị, lực lượng Công an vừa hỗ trợ, hướng dẫn các phóng viên vị trí tác nghiệp an toàn. |
Thiếu tướng Trần Quốc Trung- Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) – người trực tiếp chỉ huy đoàn dẫn Chủ tịch Kim Jong-un cho biết: “Đây là hành trình đường bộ dài nhất của một nhà lãnh đạo nước ngoài khi tới thăm Việt Nam. Trong đoạn đường dài 170km đó, khó đi nhất là đường từ Lạng Sơn về Bắc Giang dài 94,4km với nhiều đèo dốc, khúc cua nguy hiểm. Đó là chưa kể đến những đoạn đường đang được nhà thầu thi công, gồ ghề, khó đi. Chúng tôi đã phải phối hợp với Tổng cục đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) và nhà thầu bàn bạc cụ thể và tìm hướng giải quyết ngay lập tức”. Thế là, chỉ trong đêm 25-2, lực lượng chức năng đã rải thảm đoạn các đường trên, đặc biệt là khu vực ngã ba Kế (Bắc Giang) để đảm bảo cho giao thông thông suốt, an toàn.
Lực lượng Công an "căng mình" bảo vệ an ninh Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2. |
“Quãng đường đi đó, chúng tôi luôn tập trung ở mức cao nhất. Ngoài tổ công tác của Cục CSGT, Phòng CSGT Hà Nội cũng đã huy động 100% quân số ứng trực để thực thi nhiệm vụ dẫn đoàn Tổng thống Mỹ Donald Trump, hạn chế các phương tiện đi vào nội đô, phòng tránh tuyến đường mà hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều Tiên đi qua. Lực lượng 141 cũng tham gia đảm bảo ATGT, sử dụng tối đa các phương tiện để phục vụ công tác. Chưa hết, để tạo sự thân thiện, hơn 20 chốt nữ chỉ huy điều khiển giao thông cũng đã được thực hiện...”, một lãnh đạo Cục CSGT cho biết thêm.
Riêng tại các tỉnh như Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, 100% cán bộ chiến sĩ được huy động để phối hợp cùng các lực lượng của Bộ Công an, Bộ chỉ huy quân sự các tỉnh cùng nhiều lực lượng khác tổ chức chốt chặn xuyên suốt tuyến quốc lộ 1A, ở các điểm giao cắt, không cho phương tiện ra vào tuyến đường cũng như phân luồng hướng dẫn các phương tiện lưu thông trong thời gian cấm đường.
Dọc tuyến quốc lộ 1A, tại các ngã ba, ngã tư, điểm giao cắt, khu dân sinh, công trường xây dựng đều có lực lượng công an, kiểm soát quân sự cùng dân phòng đứng gác. Mỗi chốt gác có 5-6 người, vào vị trí từ lúc sáng sớm. Lực lượng công binh cũng sử dụng thiết bị chuyên dụng dò mìn khắp mọi vị trí dọc tuyến đường, từng chi tiết nhỏ ở vệ cỏ, bụi cây ven đường đều được kiểm tra kỹ lưỡng. Người dân sinh sống khu vực gần tuyến đường có đoàn xe ưu tiên đi qua được tuyên truyền, nhắc nhở những điểm cần lưu ý trong công tác đảm bảo an ninh...