- Khi văn chương Việt đối mặt cái ác
- Điềm triệu - thực tế và văn chương
- Văn chương của ký giả và khảo cứu của khoa học gia
Sinh thời, Kuprin trở nên hết sức nổi tiếng, đặc biệt là sau khi xuất bản truyện vừa "Một vụ đấu súng" (1905). Nhân dịp kỷ niệm 150 ngày sinh của nhà văn (1870-2020), xin trân trọng giới thiệu vài nét về cuộc đời và văn nghiệp của ông.
Aleksandr Kuprin sinh ngày 26 tháng 8 năm 1870 tại thành phố tỉnh lỵ Narovchat (nay là tỉnh Penza) trong một gia đình viên chức. Bố ông mất sớm vì bệnh dịch tả, khi cậu bé mới được 1 tuổi. Mẹ ông là Lyubov Alekseevna, xuất thân từ dòng họ bá tước Kulanchatov người Tatar. Năm 1874, ông cùng mẹ chuyển đến Moskva và sống tại nhà trẻ mồ côi.
Nói chung, trong quá trình hình thành nhân cách của Kuprin, người mẹ có vai trò rất lớn, bà vốn là một phụ nữ kiêu hãnh, có cá tính mạnh mẽ, nhạy cảm và tinh tế.
Năm 1876, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, bà Lyubov Alekseevna phải gửi con trai đến một trường học dành cho trẻ mồ côi. Lần đầu tiên trong đời, khoác bộ đồng phục học sinh bằng vải thô có viền vạch kiểu lính thủy, cậu bé 7 tuổi cảm thấy rất gò bó.
Nhưng đó mới chỉ là bước đầu. Năm 1880, Kuprin thi đỗ vào Trường quân sự Moskva số 2, hai năm sau được đổi thành Trường võ bị. Và lại mặc đồng phục: "Áo khoác đen, không có thắt lưng, với cầu vai xanh, tám chiếc cúc đồng thẳng hàng và những vạch đỏ ở cổ áo". Kuprin rất khó hòa hợp với kỷ luật nghiêm khắc và chế độ giáo dục trại lính.
Nhà văn Nga Aleksandr Kuprin. |
Mùa thu năm 1888, Kuprin vào học Trường Sĩ quan Aleksandr số ba ở Moskva. Ngay khi còn học ở Trường võ bị, nhà văn tương lại đã bộc lộ một tình yêu văn chương đích thực, sâu sắc, và bắt đầu thử làm thơ. Tại Trường Sĩ quan, lần đầu tiên Kuprin xuất hiện trên báo chí. Sau khi gặp nhà thơ L. I. Palmin, ông đã đăng truyện ngắn “Buổi ra mắt cuối cùng” (1889) trên tạp chí “Chiếc lá trào phúng Nga” (1889). Nhưng truyện ngắn này không mấy thành công.
Tháng 8 năm 1890, tốt nghiệp Trường Sĩ quan “loại ưu”, thiếu úy Kuprin được điều đến Trung đoàn Bộ binh Dneprovsky số 46, đồn trú tại thị trấn Proskurov, tỉnh Podolsk. Vào thời điểm đó, Kuprin vẫn chưa coi trọng công việc “viết lách” của mình.
Năm 1893, chàng thiếu úy trẻ đã hoàn thành truyện vừa “Trong bóng tối”, các truyện ngắn “Đêm trăng” và “Một cuộc điều tra”. Cuộc sống thường nhật trong trại lính ở trung đoàn Dneprovsky ngày càng trở nên khó chịu đối với Kuprin.
Cuộc sống nặng nề trong quân ngũ khiến ông rất thất vọng, và ở ông xuất hiện tâm trạng muốn trở về cuộc sống đời thường. Nhưng một sự kiện đã trì hoãn khao khát rời bỏ quân ngũ của Kuprin, đó là mối tình của ông với một cô gái. Chàng thiếu úy quèn với mức lương 48 rúp, không phải là một đám thích hợp của cô. Bố cô gái chỉ đồng ý kết hôn với điều kiện Kuprin thi đỗ Học viện Bộ Tổng tham mưu. Thế là mùa thu năm 1893, ông đến Saint-Petersburg để dự thi.
Đang giữa kỳ thi, theo lệnh của tư lệnh quân khu Kiev, tướng Dragomirov, Kuprin bị triệu hồi về trung đoàn. Nguyên nhân là vụ đụng độ của ông với một cảnh sát trên đường đến Saint-Petersburg. Trở lại trung đoàn, Kuprin làm đơn xin xuất ngũ, được chấp nhận và mùa thu năm 1894, ông chuyển đến sống ở Kiev. Thời gian này, Kuprin công bố nhiều tác phẩm trên các báo chí địa phương ("Văn học Kiev", "Người Kiev", "Volyn"), ông viết truyện ngắn, bút ký, ghi chép. Kết quả của cảnh sống lay lắt nửa nhà văn, nửa phóng viên này là tập bút ký "Các mẫu người của Kiev" (1896) và tập truyện ngắn "Những bức tiểu họa" (1897).
Công việc của một phóng viên tại các tờ báo ở Kiev - viết các bản tin về pháp luật và an ninh, tiểu phẩm - là trường học viết văn chính của Kuprin. Ông luôn giữ thái độ trân trọng đối với nghề này.
Năm 1896, Kuprin cho ra đời một loạt bút ký về đời sống của những người công nhân, đồng thời chuẩn bị sáng tác tác phẩm lớn - truyện vừa đầu tiên "Moloch". Tài năng sáng tạo của Kuprin nở rộ trong thời kỳ giáp ranh giữa hai thế kỷ, khi ông sáng tác những tác phẩm quan trọng nhất của mình. Sau "Moloch", xuất hiện những tác phẩm đưa nhà văn lên vị trí hàng đầu của văn học Nga. "Chàng chuẩn úy” (1897), "Olesya" (1898), "Trong rạp xiếc" (1901), "Những tên trộm ngựa" (1903), "Viên đạn trắng" (1903) và truyện vừa “Một vụ đấu súng” (1905).
Để lại sau lưng những năm tháng phiêu bạt, những công việc kỳ dị, cuộc sống bấp bênh, năm 1901, Kuprin đến Saint-Petersburg. Ở thủ đô, trước mắt nhà văn mở rộng cánh cửa của những tạp chí “dày” nổi tiếng nhất thời bấy giờ - “Tài nguyên Nga” và “Bình an của Chúa”.
Trước đó, năm 1897, Kuprin đã gặp nhà văn nổi tiếng I. Bunin, một thời gian sau - A. Chekhov, và vào tháng 11 năm 1902 - M. Gorky, người từ lâu đã để ý tới nhà văn trẻ. Năm 1903, nhà xuất bản dân chủ “Tri thức” do M. Gorky phụ trách đã xuất bản tập truyện ngắn đầu tay của Kuprin, được giới phê bình đón nhận tích cực.
Trong giới trí thức Petersburg, Kuprin đặc biệt gần gũi với các nhà lãnh đạo của tạp chí "Bình an của Chúa" – tổng biên tập, nhà nghiên cứu văn học F.D. Batyushkov, nhà phê bình văn học A.I. Bogdanovich, và chủ xuất bản A.A. Davydova, người đánh giá cao tài năng của Kuprin.
Năm 1902, nhà văn kết hôn với con gái của Davydova, Maria Karlovna. Một thời gian, ông trở thành biên tập viên của tạp chí "Bình an của Chúa", đồng thời công bố một số tác phẩm của mình ở đây: "Trong rạp xiếc", "Đầm lầy". Ngay trước khi xảy ra cuộc cách mạng Nga lần thứ nhất (1905), tác phẩm lớn nhất của nhà văn, truyện vừa "Một vụ đấu súng”, được ấn hành.
Trong những năm đầu của thế kỷ XX, tài năng của Kuprin đã đạt đến đỉnh cao. Năm 1909, cùng với I. A. Bunin, nhà văn được trao giải thưởng Pushkin của Viện hàn lâm Petersburg với ba tập văn xuôi. Năm 1912, nhà xuất bản của L.F. Marks đã xuất bản tuyển tập tác phẩm của ông trong phần phụ lục của tạp chí nổi tiếng "Nina".
Sau thất bại của cuộc cách mạng dân chủ Nga lần thứ nhất, sự quan tâm của ông đối với đời sống chính trị của đất nước giảm đi rõ rệt. Không có sự gần gũi trước đây với M. Gorky. Kuprin công bố các tác phẩm mới của mình không phải tại nhà xuất bản "Tri thức" của Gorky, mà là ở các almanac "thời thượng". Nếu nói về sự nổi tiếng của Kuprin với tư cách một nhà văn, thì trong những năm này, nó vẫn tiếp tục phát triển và đạt đỉnh cao.
Công việc sáng tác văn học của Kuprin cũng bị ảnh hưởng bởi cuộc sống khó khăn và những lo lắng về gia đình. Sau chuyến đi Phần Lan năm 1907, ông tái hôn với Elizaveta Moritsovna Geynrikh, cháu gái của nhà văn D.N.Mamin-Sibiryak. Đang trên đỉnh cao danh vọng, nhà văn buộc phải quay trở lại với nhịp điệu gấp gáp của nghề báo như cái thời bất ổn ở Kiev trước đây. Trong những điều kiện như vậy, ông đã sáng tác truyện vừa "Cái hố" và tác phẩm nổi tiếng “Chiếc vòng thạch lựu”.
Đầu chiến tranh thế giới thứ nhất, Kuprin lại nhập ngũ, nhưng nhanh chóng xuất ngũ vì lý do sức khỏe. Thời gian này, Kuprin đã viết một số bài báo ca ngợi tinh thần yêu nước. Khi cuộc Cách mạng tháng Hai xảy ra, Kuprin đang ở Helsingfors, thủ đô Phần Lan. Ngay lập tức ông trở về Petrograd và cùng với nhà phê bình P. Pilsky thành lập tờ báo “Nước Nga tự do”. Trong các tác phẩm văn học của ông thời kỳ này (truyện ngắn "Những kẻ đào tẩu dũng cảm", "Sashka và Yashka", "Con sâu", "Ngôi sao của Solomon"), chúng ta không tìm thấy âm hưởng của những sự kiện sôi sục mà đất nước đã trải qua. Mặc dù tán thành cuộc Cách mạng tháng Mười, nhưng Kuprin lại cộng tác với các tờ báo tư sản. Kuprin phê phán các kế hoạch phát triển nước Nga của Lenin. Một hoàn cảnh ngẫu nhiên đã khiến ông rời bỏ đất nước. Mùa hè năm 1920, ông đến Paris. Thời gian ở nước ngoài, Kuprin sáng tác không nhiều.
Mãi đến năm 1927, tuyển tập "Các truyện vừa và truyện ngắn mới" của Kuprin được xuất bản. Sau tuyển tập này xuất hiện các cuốn sách "Mái vòm nhà thờ Thánh Isaac Dalmatia" (1928) và "Elan" (1929). Các truyện ngắn đăng trên báo “Phục hưng” năm 1929-1933 được đưa vào tuyển tập “Bánh xe thời gian” (1930) và “Janeta” (1932-1933). Từ năm 1928, Kuprin công bố các chương của tiểu thuyết "Thiếu sinh quân", được xuất bản thành sách vào năm 1933.
Ở Paris, Kuprin rất nhớ tổ quốc, nhà văn quyết định dứt khoát trở về nước Nga. Và ngày 31/5/1937, Moskva chào đón nhà văn. Tuy nhiên, đây hoàn toàn không phải là Kuprin như những người đương thời nhớ tới. Vốn mạnh mẽ, cường tráng lúc ra đi, trở về, ông là một người ốm yếu, bơ vơ. Tuy nhiên, Kuprin hy vọng sẽ viết về nước Nga mới. Cuối tháng 12 năm 1937, nhà văn chuyển đến sống ở Leningrad trong sự quan tâm, chăm sóc của mọi người.
Căn bệnh hiểm nghèo đã không cho phép nhà văn tiếp tục công việc sáng tác. Ngày 25 tháng 8 năm 1938, một ngày trước sinh nhật lần thứ 68 của mình, Aleksandr Kuprin đã từ giã cõi đời. Ông được an táng tại nghĩa trang Volkovo ở Saint-Petersburg, bên cạnh mộ của nhà văn Ivan Turgenev.
Trần Hậu (dịch)Xem thêm: /707516-nirpuK-rdnaskelA/aoh-nav-ueil-uT/nv.moc.dnac.acnv