Ngày 20-10, Ban Tuyên giáo Trung ương vừa công bố toàn văn các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Theo đó, sau công bố là lấy ý kiến nhân dân để tổng hợp các ý kiến đóng góp vào văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Văn kiện được công bố (xin mời xem nội dung trên báo điện tử Pháp Luật TP.HCM tại địa chỉ plo.vn) gồm: Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII; dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2021-2025 và dự thảo báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII.
Việc lấy ý kiến của nhân dân vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng nhằm tập hợp và phát huy trí tuệ, quyền làm chủ của nhân dân trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và 2045.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị lần thứ 13 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Ảnh: TTXVN
Qua đó góp phần nâng cao chất lượng dự thảo các văn kiện của Đảng; củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân đối với Đảng, làm cho ý Đảng hợp với lòng dân.
Thông qua việc công bố, thảo luận, việc lấy ý kiến của nhân dân sẽ góp phần tạo sự thống nhất cao về nhận thức, hành động và ý chí quyết tâm trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ diễn ra vào đầu năm 2021.
Dự thảo các văn kiện đưa ra lấy ý kiến nhân dân được hoàn thiện trên cơ sở các ý kiến đóng góp của Ban chấp hành Trung ương ở Hội nghị Trung ương 13, bế mạc hôm 9-10.
Tại hội nghị này, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ các dự thảo văn kiện đề ra mục tiêu tổng quát là: Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Một điểm mới được người đứng đầu Đảng, Nhà nước nhấn mạnh là: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc..., khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam... Cùng đó là thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mới cho phát triển đất nước.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh đến nội dung “kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại...; phát huy cao độ nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”.
Cạnh đó, không chỉ “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng” mà còn phải “... xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương Để tiếp tục nắm vững và xử lý tốt các quan hệ lớn, dự thảo lần này điều chỉnh, xác định rõ, chuẩn xác hơn mối quan hệ giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường... Đồng thời, bổ sung một mối quan hệ mới là giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội. |