Công ty Cổ phần Tập đoàn Thép Tiến Lên (HoSE: TLH) công bố kết quả kinh doanh tháng 4 với doanh thu thuần đạt 779 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 115,3 tỷ đồng. Riêng với công ty mẹ, doanh thu đạt 334 tỷ đồng, lãi sau thuế 35 tỷ đồng.
Mức tăng lợi nhuận ấn tượng của Thép Tiến Lên đặt giữa bối cảnh nhu cầu thép và diễn biến giá thép rất thuận lợi trong thời gian gần đây. Trong tháng 4/2021, giá thép liên tục tăng cao, hãng thương mại thép này đạt mức biên lãi gộp lên đến 20,6%.
Lũy kế 4 tháng đầu năm 2021, Tập đoàn Thép Tiến Lên ghi nhận doanh thu đạt 1.758 tỷ đồng, lãi sau thuế 235 tỷ đồng. Với kết quả này, tập đoàn đã thực hiện được 34% chỉ tiêu doanh thu và 94% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Trước đó, quý I/2021, doanh nghiệp này công bố lợi nhuận đạt 120 tỷ đồng, gấp 32,5 lần cùng kỳ năm trước và thiết lập mức kỷ lục trong một quý.
Doanh nghiệp cho biết, giá sắt thép khởi sắc cùng sản lượng tăng giúp doanh thu tăng. Trong khi đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện nhờ nhập hàng tồn kho bình quân giá thấp. Đồng thời, chi phí lãi vay giảm khi lãi suất giảm và Thép Tiến Lên dùng vốn tự có để kinh doanh.
Tại thời điểm cuối quý I/2021, đơn vị này có 2.072 tỷ đồng hàng tồn kho, tăng thêm 400 tỷ so với đầu năm.
So với 3 tháng đầu năm 2021, doanh thu và lợi nhuận tháng 4 của Thép Tiến Lên tăng vọt. Trong đó, lợi nhuận gần bằng con số thiết lập trong quý I/2021 là 120 tỷ đồng.
Thời gian vừa qua, giá thép tăng phi mã khiến các nhà thầu xây dựng lao đao. Tuy nhiên, nhờ hưởng lợi từ giá thép, trong quý đầu năm 2021, các doanh nghiệp ngành thép đều báo lãi ấn tượng.
Liên quan đến việc giá mặt hàng thép xây dựng trong nước tăng mạnh lên đến 45%, đại diện cục Công nghiệp (bộ Công Thương) cho biết, giá nguyên liệu đầu vào của ngành thép phụ thuộc rất lớn vào giá nguyên liệu thế giới. Thời gian gần đây, giá các nguyên vật liệu sản xuất thép tăng cao đột biến trên thị trường toàn cầu, cùng với dịch bệnh, thời gian giao hàng kéo dài khiến giá thép tăng mạnh.
Theo đại diện cục Công nghiệp, nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào của sản phẩm thép hiện nay đa phần phải nhập khẩu, như quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc, điện cực graphite...
Ngoài ra, trước nghi vấn liệu “có sự bắt tay” của các công ty thép nhằm tăng giá thép lên cao, bộ Công Thương khẳng định nghi vấn này không có cơ sở.
Trước tình trạng này, tại buổi họp về công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2021, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhìn nhận việc giá thép tăng phi mã khiến nhiều doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng gặp khó khăn.
Phó Thủ tướng đã giao bộ Công Thương nghiên cứu, có các biện pháp thúc đẩy tăng năng lực sản xuất thép thành phẩm trong nước, hướng tới đáp ứng được cơ bản nhu cầu trong nước; nghiên cứu điều chỉnh sự mất cân đối cung ứng sản phẩm thép trên thị trường để ưu tiên thị trường trong nước thông qua việc điều chỉnh, cân đối khối lượng xuất khẩu thép thành phẩm.