Ngôi vị trung tâm tài chính quốc tế của Hồng Kông có thể bị xô ngã?
Ricky Hồ - Lê Hiếu
(TBKTSG Online) - Vị thế trung tâm thương mại và tài chính của Hồng Kông đã tồn tại ít nhất xuyên ba thế kỷ. Nhưng nhiều câu hỏi đã đặt ra về vị trí thủ đô tài chính quốc tế của thành phố này khi luật an ninh mới được áp dụng ở Hồng Kông từ cuối tháng 6 vừa rồi. Singapore, Tokyo và Seoul đang nổi lên trong cuộc chạy đua để giành ngôi vị của Hồng Kông. Nhưng cuộc cạnh tranh này lại không đơn giản chỉ gồm bốn cái tên trên.
Hồng Kông phải cạnh tranh với nhiều thành phố châu Á để giữ vững vị thế trung tâm tài chính quốc tế - Đồ họa: Nikkei Asia |
Stephen Roach, cựu chủ tịch châu Á của Morgan Stanley và hiện là thành viên cấp cao tại Viện nghiên cứu Jackson của Đại học Yale, Mỹ nói rằng: “Nếu đạo luật mới gây xáo trộn nhân tâm và nhân tài ra đi, câu hỏi về tương lai của Hồng Kông với vị thế là một trung tâm tài chính sẽ trở nên nghiêm trọng hơn”.
Các ngân hàng và doanh nghiệp đang trở nên lo lắng về việc đặt trụ sở hoạt động tại đây. Đa số đã bắt đầu tìm kiếm một địa điểm thay thế khác. Hơn thế nữa, một số công ty khác cũng đã bắt đầu giảm dần tầm quan trọng của Hồng Kông qua nhiều cách tế nhị và tạm dừng các kế hoạch mở rộng tại lãnh thổ này.
Sự suy sụp được báo trước…
Alexander von zur Muehlen dời văn phòng của mình từ ở một tòa nhà trọc trời ở Hồng Kông sang một văn phòng khiêm tốn và nhỏ hơn ở Singapore. Ông không có cách nào lý giải, ngoài việc nhìn nhận rằng đây là bắt đầu mới của một kết thúc.
Trước đây, Deutsche Bank đã sử dụng cấu trúc “trung tâm kép” ở châu Á với hai đồng CEO, một tại Singapore và một tại Hồng Kông. Nhưng theo một cựu nhân viên của ngân hàng Đức thì “Hồng Kông luôn là tổng hành dinh ở châu Á”.
Tuy nhiên, giờ đây cấu trúc này đã không còn. Kể từ khi Muehlen được bổ nhiệm vào tháng 4 vừa rồi, vẫn chưa có tin tức gì về việc bổ nhiệm một đồng CEO tại Hồng Kông. Mặc dù vậy, Deutsche Bank cho biết họ vẫn sẽ không rời Hồng Kông.
Ngân hàng của Đức vẫn trung thành với cấu trúc trung tâm kép. Tuy nhiên, một cựu giám đốc điều hành của ngân hàng này đã nhận định: “Rõ ràng Deutsche Bank đang nghiêng về hướng Singapore. Nhiều đồng nghiệp cũ đã nói với tôi rằng các chức vụ cấp cao có thể dần dần được chuyển sang đảo quốc sư tử”.
Các công ty công nghệ cần độ bảo mật dữ liệu và thông tin cũng đã bắt đầu tìm lối thoát. New York Times sẽ chuyển các hoạt động tin tức kỹ thuật số sang Seoul. Ứng dụng TikTok, thuộc hãng công nghệ ByteDance, đã thuê văn phòng ở Singapore. Hai hãng đại công nghệ của Trung Quốc là Alibaba và Tencent cũng có kế hoạch đặt đại bản doanh châu Á ở hòn đảo nhỏ.
Chi nhánh Facebook ở Hồng Kông tạm ngừng xử lý các yêu cầu của chính phủ về dữ liệu của người dùng. Naver – gã khổng lồ Internet của Hàn Quốc – cũng di dời trung tâm dữ liệu của mình sang một địa điểm lớn hơn ở Singapore.
Các dự đoán về sự sụp đổ của Hồng Kông đã tồn tại từ rất lâu, gần như là cùng lúc cựu thuộc địa của đế quốc Anh được hình thành vào năm 1842. Hai thập niên trước khi Hồng Kông trở về với Trung Quốc, năm 1977 tạp chí Fortune đăng bài "Cái chết của Hồng Kông", dự báo rằng sự trở lại với Trung Quốc vào năm 1997 sẽ là dấu chấm hết cho Hồng Kông.
Nhưng sau thời điểm 1997, Hồng Kông đã phát triển từ một trung tâm cảng trung chuyển lên vị thế trung tâm tài chính quan trọng trên toàn cầu. “Xứ cảng thơm” đã thu hút các tập đoàn ngân hàng và tài chính quốc tế và là kênh trung chuyển nguồn vốn toàn cầu vào đại lục. Các cuộc biểu tình, dịch Covid-19 và đạo luật an ninh đã làm vị thế của Hồng Kông mờ nhạt đi.
Singapore được đánh giá cao về ổn định chính trị xã hội - Ảnh: Nikkei Asia |
Thời khắc dành cho ai?
James Richman, Giám đốc điều hành của công ty quản lý tài sản tư nhân JJ Richman, đã nói với Nikkei Asia rằng hai văn phòng gia đình mà công ty của ông đồng đầu tư đã chuyển khỏi Hồng Kông sang Singapore và Kuala Lumpur. Các nhà quan sát tin rằng lợi thế chính của Singapore là quốc gia có ổn định chính trị và xã hội hơn. Chất lượng cuộc sống cao và tỷ lệ tội phạm thấp đáng kể ở Singapore là những điểm cộng.
Tuy nhiên, một nghiên cứu của Đại học Quốc gia Singapore (NUS) và Hiệp hội các nhà đầu tư chứng khoán Singapore cho thấy rằng tỷ lệ minh bạch hóa của các công ty trên sàn chứng khoán Singapore lại thấp hơn Malaysia và Thái Lan. Có nghĩa là thế mạnh cạnh tranh của thị trường tài chính ở đây bị trừ điểm.
Thủ đô Seoul của Hàn Quốc thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế khi tờ báo uy tin New York Times chuyển văn phòng chính của họ từ đặc khu Hồng Kông về. Lợi thế chính của Seoul là vị trí trung tâm: Số lượng các chuyến bay ngắn và thuận tiện đến các thành phố lớn ở châu Á gồm Tokyo, Đài Bắc, Singapore, Bắc Kinh, Thượng Hải và Hồng Kông.
Thuế doanh nghiệp và thuế thu nhập cao, thị trường lao động thiếu linh hoạt và quy định tài chính không minh bạch là những trở ngại chính của Seoul và cả Busan – thành phố lớn thứ hai của Hàn Quốc. Hồi tháng 7, Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc Eun Sung-soo, nói rằng Seoul dù nỗ lực nhưng khó trở thành trung tâm tài chính có tầm vóc ở châu Á. Khoảng ba thập kỷ trước, Tokyo vẫn được xếp ngang hàng với New York và London như một trung tâm kết nối giao dịch toàn cầu. Nhưng thủ đô của Nhật Bản ngày càng ít vai trò hơn trong việc huy động vốn cho chính các công ty Nhật Bản và các nước châu Á khác.
Năm 2017, Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike đặt kế hoạch hành động để biến thành phố của mình thành trung tâm tài chính quốc tế, bao gồm: các kế hoạch tăng sự tiện lợi cho cộng đồng sử dụng tiếng Anh, giảm thuế cá nhân và các chi phí khác…
Cùng với chính phủ trung ương, Tokyo đang sẵn sàng thu nhận và tuyển dụng nguồn nhân lực và nguồn vốn đang tìm cách rời Hồng Kông. Hôm 16-10 vừa rồi, Tokyo đã thiết lập văn phòng riêng tại Hồng Kông để săn đón nguồn lực này.
Tuy vậy, Thủ tướng Yoshihide Suga dường như muốn đẩy Tokyo vào cuộc chạy đua với Osaka và Fukuoka để chọn ứng viên mạnh nhất. Thành phố chiến thắng trong cuộc đua này sẽ được hỗ trợ tối đa của chính quyền trung ương để đua tranh với Singapore và các thành phố châu Á khác.
Hồng Kông không dễ buông tay
Và cuối cùng không thể không nhắc đến Hồng Kông và các trung tâm tài chính Thượng Hải và Thâm Quyến. Tuần rồi, Trung Quốc đã long trọng tổng kết 40 năm thành tựu của đặc khu kinh tế Thâm Quyến. Trong suốt 40 năm qua, cùng với Hồng Kông và Macao, Thâm Quyến và sáu thành phố khác của tỉnh Quảng Đông đã đóng vai trò dẫn dắt cho cải cách kinh tế của đại lục.
Khi các căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington, nhiều công ty Trung Quốc đã bị ép buộc hay tự động hủy niêm yết trên sàn chứng khoán New York và Nasdaq để trở về quê nhà. Hơn 40 công ty Trung Quốc đang giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ đã đủ điều kiện niêm yết ở thị trường Hồng Kông.
Hôm 19-10, tập đoàn tài chính Ant Group – trực thuộc gã khổng lồ Alibaba – đã được cơ quan quản lý Hồng Kông phê chuẩn kế hoạch niêm yết. Bruce Pang, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chiến lược và vĩ mô của hãng chứng khoán China Renaissance Securities, cho rằng các công ty thường mất hai tuần chuẩn bị để lên sàn sau khi được cấp phép. Như vậy, sớm nhất là trong tuần đầu tháng 11, Ant mới lên sàn.
Các chuyên gia dự báo việc “niêm yết đôi” lần đầu trên sàn Hồng Kông và Thượng Hải sẽ giúp Ant có thêm ít nhất 35 tỉ đô la, giúp giá trị vốn hóa của công ty này đạt giữa mức 200-300 tỉ đô la. Tập đoàn tài chính Trung Quốc sẽ xô đổ kỷ lục IPO 29,4 tỉ đô la do hãng dầu khí Saudi Aramco lập vào năm ngoái.
Như vậy, vị thế của Hồng Kông sẽ khó bị đạp đổ, mà chỉ yếu đi khi các trung tâm khác nổi lên và quyết liệt hạ ngôi quán quân của xứ cảng.
Tổng hợp từ Bloomberg, WSJ & Nikkei Asia
Xem thêm: lmth.agn-ox-ib-eht-oc-gnok-gnoh-auc-et-couq-hnihc-iat-mat-gnurt-iv-iogn/286903/nv.semitnogiaseht.www