vĐồng tin tức tài chính 365

Vốn Nhật sẽ "chảy" vào Việt Nam mạnh hơn

2020-10-21 10:29

Hàng ngàn người tiêu dùng trẻ tại TP HCM đã háo hức "check-in" cửa hàng dược - mỹ phẩm Matsumoto Kiyoshi (thuộc chuỗi dược, mỹ phẩm hàng đầu Nhật Bản với hơn 1.700 cửa hàng khắp nước Nhật) tại Vincom Center Đồng Khởi vào hôm chủ nhật, 18-10.

Làn sóng đầu tư mới

Ngay tại lễ khai trương cửa hàng, ông Hiroki Miyaoka, Giám đốc điều hành Công ty Matsumoto Kiyoshi Việt Nam, đã công bố kế hoạch mở thêm 5-10 cửa hàng trong vòng 5 năm tới và khẳng định Việt Nam là thị trường rất tiềm năng để khai thác.

Vốn Nhật sẽ chảy vào Việt Nam mạnh hơn - Ảnh 1.

Cửa hàng Matsumoto Kiyoshi đông nghẹt khách trong ngày khai trương .Ảnh: THANH NHÂN

Sự có mặt của Matsumoto Kiyoshi làm dày thêm danh sách các thương hiệu Nhật gia nhập thị trường Việt Nam trong năm nay. Hồi đầu năm, thương hiệu thời trang cao cấp trẻ em Nhật - Miki House cũng khai trương cửa hàng đầu tiên tại Trung tâm Thương mại Akuruhi (quận 1, TP HCM), hướng đến đối tượng khách hàng có thu nhập cao. Ông Phan Thành Tân, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Vi Biển - Akuruhi, cho biết đã mất đến 3 năm để thuyết phục Miki House ký hợp đồng cho Akuruhi làm đối tác phân phối độc quyền tại Việt Nam. Công ty này đang xem xét mở thêm 2 cửa hàng tại TP HCM, tiến tới mở cửa hàng tại Hà Nội, Đà Nẵng trong thời gian tới.

Thương hiệu thời trang basic Uniqlo mới gia nhập thị trường Việt Nam từ cuối năm 2019 cũng đã nhanh chóng nâng tổng số cửa hàng đang sở hữu tại Việt Nam lên con số 6. Bất chấp dịch Covid-19 cùng những tác động tiêu cực lên thị trường bán lẻ, thương hiệu thời trang của đại gia bán lẻ Fast Retailing vẫn tập trung vào việc mở cửa hàng và bán hàng trực tiếp.

Không có hoạt động sôi nổi như trong mảng bán lẻ, tiêu dùng nhưng trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ... cũng đang ghi nhận sự quan tâm đặc biệt của các nhà kinh doanh đến từ xứ sở mặt trời. Các khu công nghiệp, khu công nghệ cao tại TP HCM thời gian qua tiếp nhận khá nhiều doanh nghiệp (DN) Nhật tìm hiểu môi trường, điều kiện đầu tư. Trong lĩnh vực mua bán sáp nhập (M&A) cũng thu hút sự chú ý của các ông chủ Nhật.

Ông Võ Sáng Xuân Vinh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Sóng Xanh, cho biết từ năm 2019 đến nay, làn sóng nhà đầu tư Nhật muốn mua DN Việt hoặc DN nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam đã gia tăng. "Do ảnh hưởng dịch Covid-19, họ không thể sang Việt Nam gặp gỡ, tiếp cận và thẩm định DN muốn hợp tác nhưng vẫn liên lạc với chúng tôi để đặt hàng, yêu cầu tư vấn giúp họ làm việc với đối tác Việt Nam" - ông Xuân Vinh giải thích và cho hay lĩnh vực mà nhà đầu tư Nhật quan tâm rất đa dạng, bao gồm cả dịch vụ, tài chính, thị trường chứng khoán. "Dịch bệnh gây khủng hoảng, nhiều DN bán lại cơ ngơi, tài sản với giá rất thấp nên nhà đầu tư nhân cơ hội này bỏ tiền ra mua" - ông Xuân Vinh nhận định.

Đối tác tin cậy

Quan hệ giao thương và thu hút đầu tư từ Nhật Bản sẽ diễn tiến thế nào sau chuyến thăm của tân Thủ tướng Nhật Suga Yoshihide đến Việt Nam lần này? Ông Nguyễn Đức Hải, Giám đốc cấp cao Phòng Đầu tư chứng khoán thu nhập cố định - Công ty TNHH Quản lý quỹ Manulife Investment, nhận định sự kiện tân Thủ tướng Nhật chọn thăm chính thức Việt Nam trong bối cảnh chúng ta đang là Chủ tịch ASEAN cũng như việc Việt Nam có những chính sách ứng phó để bảo đảm quyền lợi ở biển Đông cho thấy Việt Nam được xác định là điểm đến tin cậy. Bên cạnh đó, chính phủ Nhật đã tuyên bố hỗ trợ DN Nhật chuyển dịch khỏi Trung Quốc, sang khu vực ASEAN, trong đó Việt Nam, với những lợi thế nói trên cùng khả năng kiểm soát dịch Covid-19 trong thời gian qua thì chúng ta chắc chắn là một trong những điểm đến được lựa chọn. Việt Nam đang là đối tác tin cậy của Nhật Bản.

Cũng theo ông Hải, DN Nhật vào Việt Nam không chỉ là M&A, đầu tư đơn giản mà đã nhìn thấy cơ hội từ các tập đoàn lớn đang đổ tiền vào Việt Nam để xây dựng nhà máy sản xuất. "Những tập đoàn sản xuất lớn đã, đang và sẽ hoạt động tại Việt Nam cần hệ thống cung ứng nội địa nên sẽ tìm những DN có gần đủ khả năng hoặc có tiềm năng để đầu tư, phát triển thành nhà cung cấp tại chỗ. Đây là câu chuyện rất dài hơi, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và dịch Covid-19 là những điều kiện bổ trợ để Việt Nam ghi thêm điểm, thúc đẩy sự lựa chọn của các nhà đầu tư" - ông Hải phân tích.

Đánh giá về đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam, GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, cho hay từ khoảng những năm 1990, dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) từ Nhật đã vào Việt Nam và ổn định trong thời gian dài đến nay. Từ khi Việt Nam còn là thị trường nhỏ đến giờ đã trở thành thị trường 100 triệu dân với mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng nên sức hút với dòng vốn FDI của Nhật sẽ ngày càng lớn hơn. Nhật Bản cũng là một trong 2 thị trường đổ vốn nhiều nhất vào Việt Nam những năm qua. Họ đầu tư ở Việt Nam rất đa dạng và đầu tư Nhật cũng luôn nằm ở nhóm đầu chứ không trồi sụt như các nền kinh tế khác.

"Do đó, chuyến thăm của tân Thủ tướng Nhật Bản lần này cho thấy quan hệ hợp tác về chính trị, ngoại giao, kinh tế giữa 2 nước ngày càng tốt đẹp. Ông Suga Yoshihide đã chọn Việt Nam và Indonesia là 2 quốc gia đầu tiên trong chuyến công du, trong đó Indonesia là nước lớn nhất khu vực và còn Việt Nam được đánh giá là nước thích hợp để tới trong chiến lược phát triển của Nhật ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương thời gian tới" - GS Nguyễn Mại nhìn nhận.

Thực tế, vừa qua, trong số 30 DN Nhật được Chính phủ nước này hỗ trợ mở rộng đầu tư ra nước ngoài cũng có tới 15 DN đang làm ăn, hoạt động ở Việt Nam. Điều này cho thấy môi trường đầu tư ở Việt Nam đã được cải thiện rất nhiều nhằm đáp ứng nhu cầu của DN Nhật. Và Chính phủ Việt Nam cũng đưa ra thông tin sẵn sàng hỗ trợ DN Nhật làm ăn tốt hơn, nhất là những DN đang gặp khó khăn. "Với các DN trong lĩnh vực bán lẻ, thương mại, Việt Nam không chỉ hấp dẫn bởi thị trường 100 triệu dân mà tăng trưởng GDP liên tục ở mức cao khoảng 7% những năm qua. Năm nay, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế của nước ta được dự báo chỉ khoảng 2%-2,5% nhưng nhiều tổ chức quốc tế vẫn dự báo GDP Việt Nam sẽ hồi phục mạnh trong năm sau ở mức 6,5% hay như Quỹ Tiền tệ quốc tế dự báo tới 8,1% vào năm 2021. Tăng trưởng kinh tế cao, tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh cũng góp phần tạo sự hấp dẫn cho nhà đầu tư" - GS Nguyễn Mại nhận định thêm.

Xu hướng "Việt Nam+1"

Dưới góc nhìn của chuyên gia, ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP HCM, cho biết nhiều DN Nhật có xu hướng tìm kiếm cơ sở đầu tư mới tại Việt Nam. Vừa qua, một số DN Nhật đã có nhà máy ở TP HCM, Bình Dương... vẫn tiếp tục tìm thêm mặt bằng ở địa phương khác để gia tăng hoạt động đầu tư, sản xuất. "Đây là xu hướng "Việt Nam+1" đang diễn ra, tức các DN Nhật đã có dự án sản xuất ở Việt Nam và muốn mở thêm nhà máy nữa" - ông Hirai Shinji nói.

Theo các chuyên gia của JETRO, để tiếp tục sản xuất - kinh doanh, đầu tư thuận lợi ở Việt Nam, DN Nhật mong muốn tiếp tục cải thiện về cơ sở hạ tầng, giao thông nhằm dễ dàng hơn trong vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu của DN từ đó gia tăng tỉ lệ cung ứng nội địa...

Xem thêm: mth.89002522202010202-noh-hnam-man-teiv-oav-yahc-es-tahn-nov/et-hnik/nv.moc.dln

Comments:0 | Tags:No Tag

“Vốn Nhật sẽ "chảy" vào Việt Nam mạnh hơn”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools