Thay đổi cấu trúc hậu Covid-19
“Số hóa gia tăng trên toàn hệ thống trong những năm gần đây. Tuy nhiên, do giãn cách xã hội, cùng với hỗ trợ của NHNN, khách hàng đã nhanh chóng chấp nhận kênh giao dịch trực tuyến/số hóa trong giai đoạn Covid-19”. Đó là nhận định của Công ty Chứng khoán SSI đưa ra trong bản báo cáo mới đây về hoạt động của các ngân hàng Việt Nam trong năm 2020.
Theo báo cáo này, Covid-19 đã có những ảnh hưởng xấu tới triển vọng tăng trưởng của các ngân hàng trong năm 2020. Tuy vậy, những khó khăn đó lại trở thành một chất xúc tác dẫn đến “thay đổi cấu trúc ngành sau Covid-19”.
“Kênh số hóa giúp giảm bớt tầm quan trọng của mạng lưới chi nhánh trong khi đẩy mạnh vai trò các sản phẩm tài chính đa dạng nhằm thu hút huy động, đặc biệt là CASA từ phân khúc bán lẻ. Trong tương lai, chúng tôi ước tính tốc độ mở các văn phòng giao dịch mới sẽ chậm lại và các ngân hàng có nền tảng kỹ thuật số tốt và/hoặc áp dụng chính sách miễn phí đang chiếm nhiều thị phần CASA hơn”, báo cáo của SSI viết rõ, đồng thời đưa ra hai cái tên là TPBank và Techcombank như là những ví dụ điển hình cho những ngân hàng có nền tảng kỹ thuật số tốt.
Đúng như nhận định của SSI, số hóa các dịch vụ, sản phẩm tài chính là một trong những ưu tiên của nhiều ngân hàng trong những năm trở lại đây. Đơn cử như tại TPBank, tỷ lệ số lượng giao dịch qua kênh ngân hàng số trên tổng giao dịch đã tăng từ 72% cuối năm 2018 lên 83% ở thời điểm cuối tháng 6/2020. Tỷ lệ giá trị giao dịch trong cùng thời điểm cũng đã tăng từ 66% lên 72%.
“Chúng tôi kiên định với mục tiêu trở thành một ngân hàng số, cố gắng đồng nhất các trải nghiệm khách hàng để khi họ giao dịch trên bất cứ một kênh nào đều có trải nghiệm giống nhau, dần dần chỉ cần ngồi tại nhà, họ có thể làm được mọi giao dịch với ngân hàng”, ông Nguyễn Hưng - Tổng giám đốc TPBank, chia sẻ về mục tiêu chiến lược của ngân hàng.
eKYC là chìa khóa mở rộng thị phần
Vài tháng trước, mong ước đó vẫn là bất khả thi. Nhưng với công nghệ định danh khách hàng điện tử (eKYC) của một vài ngân hàng đi đầu về công nghệ số như TPBank triển khai cách đây một tháng, điều đó đã trở thành hiện thực.
eKYC là phương thức xác thực danh tính khách hàng qua các thiết bị điện tử như điện thoại di động. Phương thức này cho phép khách hàng mở tài khoản mà không cần gặp mặt trực tiếp, nhờ sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại thông qua đối chiếu thông tin cá nhân tức thì với hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung về danh tính người dùng, xác thực dạng sinh trắc học với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI).
Ngay trong tháng đầu triển khai eKYC, đã có hơn 30.000 khách hàng của TPBank mở tài khoản mới tại ngân hàng thông qua phương thức này. Con số này tương đương với 85% số lượng khách hàng đăng ký mở tại quầy giao dịch hoặc tại LiveBank theo cách truyền thống. Quan trọng hơn, con số đó cho thấy TPBank có thể dễ dàng tiếp cận, mang dịch vụ ngân hàng tới hơn 30.000 khách hàng mới ở khắp mọi nơi mà không phải mở rộng thêm mạng lưới chi nhánh.
Trong báo cáo phân tích về lợi ích của eKYC, TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả tại Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV nhấn mạnh rằng, eKYC là một xu thế tất yếu trong quá trình chuyển đổi số nền kinh tế và hoạt động sản xuất - kinh doanh, trong đó có lĩnh vực tài chính - ngân hàng.
Một nghiên cứu của McKinsey ước tính, eKYC có thể giúp giảm 90% chi phí đăng ký khách hàng tại các ngân hàng. Không những vậy, eKYC góp phần tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho người dân ở những vùng sâu, vùng xa và vùng nông thôn.
Điều này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến khó lường, vì giao dịch qua ngân hàng số sẽ loại bỏ nguy cơ lây nhiễm.
Với eKYC, quá trình thay đổi cấu trúc ngân hàng như SSI dự đoán sẽ được đẩy nhanh hơn, tốc độ mở rộng các phòng giao dịch sẽ chậm lại, và tỷ lệ khách hàng mới được các ngân hàng tiếp cận qua kênh số hóa ngày càng tăng.
Tổng giám đốc Nguyễn Hưng của TPBank cho biết, thông qua công nghệ eKYC, ngân hàng này sẽ hướng đến mở rộng thị phần ở vùng xa các thành phố lớn và khó tiếp cận với dịch vụ ngân hàng, nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt theo đúng định hướng của NHNN. Tất nhiên, nhóm khách hàng trẻ tuổi, yêu thích sử dụng công nghệ trong mọi hoạt động hàng ngày cũng sẽ là đối tượng phục vụ của ngân hàng.
Nhưng chắc chắn một điều, sự cạnh tranh để mở rộng thị phần qua công nghệ sẽ không hề dễ dàng. Các ngân hàng đều nhận ra lợi ích của việc thay đổi cấu trúc sang số hóa, và đều đã tham gia cuộc đua. Và như Công ty Chứng khoán SSI nhận định trong bản báo cáo gần đây, lợi thế mở rộng thị phần đang nằm ở những ngân hàng có nền tảng số tốt hơn, như TPBank.