Đến lượt Thụy Điển ‘cấm cửa’ Huawei khỏi mạng lưới 5G
Chánh Tài
(TBKTSG Online) –Thụy Điển vừa tuyên bố cấm các hãng viễn thông ở nước này sử dụng thiết bị từ hai hãng thiết bị viễn thông lớn nhất Trung Quốc Huawei và ZTE để xây dựng mạng lưới 5. Động thái này nối gót các nước châu Âu trước đó đã hạn chế các nhà cung cấp Trung Quốc tham gia xây dựng mạng lưới 5G của họ.
Cấm vì lo ngại rủi ro an ninh quốc gia
Hôm 20-10, Cơ quan Viễn thông và Bưu chính Thụy Điển (PTS) thông báo các công ty viễn thông trong nước tham gia cuộc đấu giá cấp phép phổ tần số 5G vào tháng sau sẽ bị cấm sử dụng thiết bị của Huawei và ZTE để xây dựng mạng lưới 5G, nhằm bảo đảm “việc sử dụng các tần số 5G không gây rủi ro ho an ninh quốc gia”.
Ngoài ra, PTS cũng yêu cầu họ loại bỏ thiết bị của Huawei và ZTE ra khỏi các chức năng trọng tâm trong mạng lưới hiện hành của họ vào hạn chót là ngày 1-1-2025.
PTS nói rằng các điều kiện cấp phép phổ tần số 5G được thiết lập dựa trên các thẩm định an ninh của lực lượng quân đội và cơ quan an ninh Thụy Điển.
PTS cho rằng sự chi phối của nhà nước Trung Quốc đối với khu vực tư nhân khiến các doanh nghiệp tư nhân ở nước này buộc phải hành động phù hợp với các mục tiêu và chiến lược quốc gia của nhà nước.
Giám đốc Cơ quan an ninh Thụy Điển, Klas Friberg, nói: “Trung Quốc là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với Thụy Điển”. Ông cho rằng chính phủ Trung Quốc đang hỗ trợ cho năng lực quân sự và sự phát triển kinh tế bằng cách “thu thập thông tin tình báo, ăn cắp công nghệ, nghiên cứu và phát triển”.
Tele2, hãng viễn thông lớn thứ hai của Thụy Điển, đang sử dụng thiết bị từ Huawei và các nhà cung cấp khác trong mạng lưới 5G được ra mắt hồi tháng 5. Tele2 và hãng viễn thông nhà nước Na Uy, Telenor cũng đang sử dụng thiết bị Huawei trong mạng lưới 4G hiện tại của họ ở Thụy Điển.
Dù xem Huawei là nhà cung cấp quan trọng, song Tele2 cho rằng quyết định của PTS về việc gạt Huawei ra khỏi mạng 5G “không làm thay đổi đáng kể kế hoạch triển khai 5G của chúng tôi”.
PTS đã đồng ý cho phép các hãng viễn thông trong nước gồm Hi3G Access, Net4Mobility (liên doanh giữa Tele2 và Telenor), Telia Sverige và Teracom tham gia cuộc đấu giá cấp phép phổ tần số 3,5 GHz và 2,3 GHz, hai dải tần quan trọng để triển khai mạng 5G vào tháng sau.
Ban đầu, cuộc đấu giá phổ tần số 5G ở Thụy Điển được lên kế hoạch tổ chức vào đầu năm 2020. Nhưng năm ngoái, PTS cho biết tạm dừng kế hoạch này vì chờ thẩm định an ninh. Đến tháng 4, PTS thông báo cuộc đấu giá sẽ được tiến hành vào tháng 11.
Cơ quan Viễn thông và Bưu chính Thụy Điển (PTS) cấm các công ty viễn thông trong nước sử dụng thiết bị của Huawei và ZTE để xây dựng mạng lưới 5G của họ. Ảnh: Getty |
Huawei cho biết bị bất ngờ và thất vọng trước quyết định trên của PTS. Thông báo của Huawei nhấn mạnh “Huwei chưa bao giờ gây ra mối dọa nhỏ nhất nào cho an mạng mạng của Thụy Điển và sẽ không bao giờ làm như vậy”.
Đại sứ quán Trung Quốc ở Thụy Điển ra tuyên bố kêu gọi Thụy Điển cung cấp các điều kiện kinh doanh cởi mở và không phân biệt đối xử với các công ty Trung Quốc dựa trên các nguyên tắc thị trường.
Quan hệ ngoại giao giữa Thụy Điển và Trung Quốc trở nên căng thẳng kể từ khi Bắc Kinh bắt giữ Gui Minhai, nhà xuất bản sách người Thụy Điển gốc Hoa, vào năm 2015. Đầu năm nay, Gui Minhai bị kết án 10 năm tù về tội cung cấp thông tinh tình báo cho các cơ quan nước ngoài.
Ericsson có nguy cơ bị trả đũa
Quyết định cấm trên sẽ giúp các đối thủ của Huawei và ZTE bao gồm Ericsson (Thụy Điển) và Nokia (Phần Lan) được hưởng lợi tại thị trường 5G của Thụy Điển.
Tuy nhiên, không giống như Nokia, hãng thiết bị viễn thông Ericsson của Thụy Điển đã giành được một số hợp đồng từ tất cả ba nhà mang viễn thông lớn ở Trung Quốc để cung cấp thiết bị vô tuyến cho mạng lưới 5G của họ. Ericsson có thể gặp rủi ro nếu chính phủ Trung Quốc quyết định trả đũa nhằm vào công ty này.
Trong một dấu hiệu đe dọa trả đũa sớm nhất, hôm qua, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc ra thông báo kêu gọi giám sát chặt chẽ hơn các hãng thiết bị viễn thông nước ngoài hoạt động ở Trung Quốc.
Giám đốc điều hàng hãng viễn thông Tele2, Kjell Johnsen nói: “Có thể một số nhà cung cấp châu Âu sẽ bán thiết bị ít hơn ở Trung Quốc nếu như các nhà cung cấp Trung Quốc bị hạn chế tiếp cận thị trường ở châu Âu”.
Các chính phủ châu Âu đang siết chặt các biện pháp kiểm soát đối với các nhà cung cấp Trung Quốc trong các dự án triển khai mạng lưới 5G sau khi chịu sức ép ngoại từ Washington. Các quan chức Mỹ cảnh báo thiết bị của Huawei có thể bị lạm dụng để phục vụ cho các hoạt động gián điệp của Trung Quốc, gây rủi ro an ninh quốc gia. Huawei đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc này.
Hồi tháng 7, Anh yêu cầu các nhà mạng gỡ bỏ hoàn toàn thiết bị của Huawei ra khỏi mạng lưới 5G ở Anh vào thời hạn cuối 2027, trở thành một trong những nước đầu tiên ở châu Âu ‘cấm cửa’ Huawei khỏi mạng 5G. Một số nước khác ở châu Âu cũng dần khép cánh cửa lại đối với Huawei hoặc đang cân nhắc làm như vậy.
Pháp không cấm hoàn toàn thiết bị của Huawei trên thị trường 5G nhưng chỉ cho phép các nhà mạng viễn thông sử dụng thiết bị 5G của Huawei trong thời hạn 8 năm và sau đó sẽ không gian hạn giấy phép này nữa.
Ý đã đặt ra các rào hành chính tốn kém đối với các nhà mạng sử dụng thiết bị từ các nhà cung cấp có rủi ro cao, khiến họ phải cân nhắc lại tính khả thi kinh tế nếu chọn Huawei hay ZTE làm nhà cung cấp.
Thái độ của Mỹ và các đồng minh đã gây cản trở cho sự trỗi dậy mạnh mẽ của Huawei, vốn đã tham gia xây dựng mạng lưới 5G ở hơn 10 nước và đang hỗ trợ triển khai mạng này ở thêm 20 nước nữa trong năm nay. Các khách hàng của Huawei ở châu Âu bắt đầu chuyển sang sử dụng nhà cung cấp khác. Tháng trước, Nokia mở rộng hợp tác với hãng viễn thông BT của Anh sau khi chính phủ Anh cấm cửa Huawei. Mạng lưới 4G của BT đang sử dụng 2/3 thiết bị từ Huawei và 1/3 thiết bị từ Nokia.
Theo Reuters, Euronews, Bloomberg
Xem thêm: lmth.g5-ioul-gnam-iohk-iewauh-auc-mac-neid-yuht-toul-ned/827903/nv.semitnogiaseht.www