Hôm 20/10, chính quyền Tổng thống Trump đã nộp đơn kiện Google. Đây là vụ kiện chống độc quyền lớn nhất thế giới trong hơn 2 thập kỷ trở lại đây, nhằm chống lại một công ty công nghệ. Trong đơn khiếu nại, Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) đã cáo buộc Google kiểm soát sự cạnh tranh để duy trì vị thế của mình trên thị trường công cụ tìm kiếm và quảng cáo trực tuyến.
Theo đơn kiện, 11 tiểu bang – bao gồm -- Arkansas, Florida, Georgia, Indiana, Kentucky, Louisiana, Mississippi, Missouri, Montana, South Carolina và Texas, đã tham gia vụ kiện này. Đơn khiếu nại nhắm mục tiêu vào một loạt các hành động của Google – được cho là làm tổn hại đến khả năng cạnh tranh và ngăn cản các đối thủ thu hút người dùng.
Ngoài ra, đơn kiện còn cáo buộc Google đã chi hàng tỷ USD cho các nhà sản xuất thiết bị như Apple, LG, Motorola và Samsung, cùng các nhà phát triển trình duyệt web như Mozilla và Opera để cài đặt Google làm công cụ tìm kiếm mặc định. Trong nhiều trường hợp, Google còn không cho phép các công ty này làm ăn với đối thủ của họ. Do đó, Google đã sở hữu hoặc kiểm soát hiệu quả các kênh phân phối tìm kiếm, chiếm khoảng 80% các lệnh tìm kiếm tại Mỹ.
Trong cuộc họp hôm thứ Ba, các quan chức DOJ không loại trừ khả năng Google phải chia tách công ty. Phó Tổng chưởng lý Jeffrey Rosen cho biết: "Không có khả năng nào bị loại trừ." Ông cũng cảnh báo rằng, nếu DOJ không thực hiện vụ kiện này ngay lập tức, "chúng ta có thể đánh mất làn sóng đổi mới tiếp theo" và "người Mỹ có thể sẽ không bao giờ chứng kiến sự xuất hiện của Google kế tiếp."
Trong khi đó, giám đốc pháp lý và đối tác toàn cầu của Google SVP – Kent Walker, viết trong 1 bài đăng trên blog: "Vụ kiện ngày hôm nay của DOJ là một sai lầm sâu sắc. Mọi người sử dụng Google là vì họ lựa chọn, chứ không phải bị ép buộc hay họ không thể tìm thấy công cụ thay thế." Ông cũng nói rằng khiếu nại của DOJ là "dựa trên các lập luận đáng ngờ về chống độc quyền" và điều này không giúp ích gì cho người tiêu dùng.
Google cho biết, hành động trả tiền để trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên các smartphone như của Apple "không khác gì" những động thái mà doanh nghiệp khác đưa ra để quảng bá sản phẩm của họ. Điều này giống như một thương hiệu ngũ cốc có thể trả tiền cho siêu thị để sản phẩm của họ được bày ở cuối giá hàng hoặc ngang tầm mắt khách hàng.
Rosen nhận định, vụ kiện của Google là một "cột mốc quan trọng" nhưng không phải là dấu chấm hết cho quá trình xem xét toàn bộ ngành công nghệ và các vụ kiện khác vẫn có thể được đệ trình khi cần thiết.
Đơn khiếu nại liên bang mang tính bước ngoặt này được thực hiện sau cuộc điều tra chống độc quyền kéo dài 1 năm của các nhà điều tra của DOJ và đưa ra ngay trước cuộc bầu cử tổng thống, trong đó các nền tảng công nghệ đã được xem xét kỹ lưỡng về tác động của họ đối với nền dân chủ và doanh nghiệp nhỏ.
Ngoài ra, động thái này cũng được đưa ra sau 1 báo cáo của Quốc hội Mỹ cho thấy Google cùng các đại gia công nghệ được hưởng "quyền lực độc quyền" và tận dụng mức độ phủ sóng mạnh mẽ của họ để giảm sức cạnh tranh từ bên ngoài. Bản báo cáo này cáo buộc rằng Amazon đã chèn ép người bán bên thứ 3, khoản phí và chính sách của AppStore trên các thiết bị Apple là chống lại sự cạnh tranh và Facebook đã tìm cách loại bỏ các đối thủ trong tương lai thông qua việc thực hiện những thương vụ thâu tóm có mục tiêu.
Trong năm vừa qua, hàng chục tiêu bang đã tiến hành cuộc điều tra chống độc quyền với Google. Hôm thứ Ba, một số bang cho biết họ có ý định kết thúc cuộc điều tra trong những tuần tới và nếu họ nộp đơn kiện thì đây có thể trở thành một vụ kiện liên bang.
Nhóm các bang bao gồm - Colorado, Iowa, Nebraska, North Carolina, Tennessee và Utah, cho biết: "Chúng tôi đánh giá cao sự hợp tác của lưỡng đảng và mối quan hệ tốt đẹp với DOJ về những vấn đề nghiêm trọng này. Đây là thời điểm mang tính lịch sử đối với cả cơ quan chống độc quyền tiểu bang và liên bang, khi chúng tôi nỗ lực bảo vệ sự cạnh tranh, đổi mới trong thị trường công nghệ của mình."
Vụ kiện này của DOJ đánh dấu bước đi quan trọng nhất mà chính phủ Mỹ đã thực hiện nhằm yêu cầu Thung lũng Silicon phải đưa ra những động thái hợp lý. Trước đó, Washington đã mạnh mẽ chống lại ngành công nghệ, sau khi nhiều bằng chứng cho thấy các nền tảng truyền thông xã hội lớn đã bị thao túng bởi thế lực nước ngoài để can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016.
Vụ kiện lần này có thể gây rủi ro lớn chưa từng có đối với hoạt động kinh doanh quảng cáo của trên quy mô lớn của Google. Mảng này đã mang về 134,8 tỷ USD vào năm ngoái, chiếm 84% toàn bộ hoạt động kinh doanh của Google.
Hơn nữa, động thái này của DOJ cũng cho thấy sự chỉ trích ngày càng gay gắt, đặc biệt là của các cựu ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ, chống lại tình trạng bất bình đẳng kinh tế và quyền lực chủ yếu tập trung vào các công ty lớn tại Mỹ.
Wiliam Kovacic – cựu chủ tịch Ủy ban Thương mại Liên bang, cho biết: "Vụ kiện lớn trước đó là của chính phủ Mỹ và Microsoft vào năm 1998. Khi đó, giới chức Mỹ cáo buộc công ty này vi phạm luật khi đưa Internet Explorer vào mọi phiên bản của Windows. Điều này gây tổn hại cho sự cạnh tranh giữa các nhà phát triển trình duyệt." Sau nhiều năm kiện tụng, Microsoft và chính phủ đã đi đến thỏa thuận, đưa ra các giới hạn mới với hoạt động kinh doanh phần mềm của Microsoft.
Theo đó, các chuyên gia đã cảnh báo rằng vụ kiện trên đã mở đường cho xu hướng sáng tạo mới, trong đó có cả sự trỗi dậy của Google. Kovacic nói rằng, như trước đây, chính phủ Mỹ cũng phải đối diện với nhiều vụ kiện tụng trong tương lai và gặp nhiều thách thức để giành chiến thắng.
Trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần chỉ trích Google, Facebook và Twitter vì cố tình kiểm duyệt những nội dung mang quan điểm bảo thủ. Năm ngoái ông cũng nói với Fox Business rằng "chúng ta nên kiện Google và Facebook, cùng các công ty công nghệ lớn."
Tham khảo CNN