vĐồng tin tức tài chính 365

Nữ doanh nhân xây 1.000 căn nhà chống lũ: Hiện thực tàn khốc và những "xác sống" sau thiên tai miền Trung

2020-10-21 16:10

Trong lúc mưa bão đang hoành hành ở miền Trung khiến mực nước lũ vượt qua mốc lịch sử, thì tại Tân Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình), những căn nhà chống lũ vẫn nổi trên nền mênh mông nước trắng xóa, đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng cho bà con.

Người khởi xướng việc xây dựng những căn nhà như thế là chị Phạm Thị Hương Giang (Jang Kều - Chủ tịch tập đoàn GroupG Asia Pacific (Singapore), Sáng lập & Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ & Phát triển Cộng đồng Sống bền vững (Sống Foundation) trong đó có các dự án Nhà chống lũ...).

Có mặt trong buổi họp báo sáng 21/10 diễn ra tại TP.HCM, nữ chủ tịch từng lọt top 50 người phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam (Forbers bình chọn năm 2019) đã có nhiều chia sẻ thú vị về dự án mà mình và các cộng sự đang thực hiện.

Nữ doanh nhân xây 1.000 căn nhà chống lũ: Hiện thực tàn khốc và những xác sống sau thiên tai miền Trung - Ảnh 1.

Căn nhà nổi trong mưa bão. Đây là mô hình nhà phao - một trong 9 mô hình của dự án Nhà chống lũ.

Những "xác sống vật vờ" sau mưa lũ và chuyện cụ bà "sống để chờ chết" trong căn nhà nghiêng 45 độ

Có rất nhiều người hỏi Giang, vì sao lại đi xây dựng nhà chống lũ theo cách kêu gọi chính những người nghèo phải đóng góp 50% giá trị căn nhà như thế. Trong khi đó, mỗi căn nhà chống lũ cần tới khoảng 50-180 triệu đồng, tức là người dân sẽ phải bỏ ra số tiền tối thiểu 25 triệu đồng - một khoản không hề nhỏ. Người ta băn khoăn và thắc mắc, người nghèo thì lấy đâu ra tiền? Mình đem mì tôm, nước uống, xây nhà tặng họ còn chẳng xong, nói gì chuyện kêu gọi họ đóng góp khoản tiền lớn đến thế?

Thực tế, trong rất nhiều năm, mỗi khi mưa lũ tràn về, Giang đều tìm mọi cách đi cứu trợ. Năm 2008, xe của Giang và nhóm bạn đi cứu trợ ở miền Trung còn bị nước lũ cuốn trôi, may mắn mắc vào thành cầu và cửa xe vẫn he hé mở, đủ để ăn mì tôm sống sót. Khi vượt qua được tai nạn đó, Giang cảm thấy mình vô cùng may mắn. Nhưng lúc đó, Giang cũng tự hỏi, chính mình là người đi cứu trợ còn gặp nguy hiểm như vậy, thì liệu có nên tiếp tục cách làm như thế nữa hay không?

Năm 2009, miền Trung lại trải qua trận lũ lịch sử, Giang và nhóm bạn tiếp tục đi cứu trợ tại Quảng Nam. Lúc ấy, cả nhóm chứng kiến tình cảnh chưa bao giờ kinh hoàng đến thế. Những dây điện cao thế mắc đầy rơm rác, bùn đất sình lầy khắp nơi. Ở một trường Tiểu học học tại Đại Lộc, nơi Giang tới cứu trợ, chỉ có một số lớp có học sinh, còn lại đều phải nghỉ vì phòng học chưa kịp dọn dẹp, bùn đất tràn vào cao tới 1,2m.

Nữ doanh nhân xây 1.000 căn nhà chống lũ: Hiện thực tàn khốc và những xác sống sau thiên tai miền Trung - Ảnh 2.

Dự án Nhà chống lũ của Quỹ Hỗ trợ & Phát triển Cộng đồng Sống bền vững tổ chức họp báo vào sáng nay (21/10) tại TP.HCM.

Khi Giang tới tặng quà, đồ dùng học tập, các em nhỏ gần như không thể tập trung chia sẻ được nữa. Tâm trạng ai cũng thất thần, và sự có mặt của các em dường như chỉ là vì bị các cô giáo bắt đến trường để nhận quà. Sau đó, Giang cũng muốn biết cuộc sống của người dân tại đó ra sao, nên mới quyết định đi vào trong làng.

Vì không có sự chuẩn bị trước, Giang phải rút hết toàn bộ tiền trong túi ra tặng mọi người. Ai cũng thống khổ. Người thì than vãn mất hết tiền bạc, giấy tờ, người thì lo lắng vì mất thẻ bảo hiểm, không đi bệnh viện được nữa. Mặc dù Giang đã cho hết tiền, nhưng người dân vẫn cố níu kéo lại để xin thêm.

Lúc ra khỏi làng, khi trong túi Giang đã không còn nghìn lẻ nào, Giang bắt gặp một ông cụ đứng trên nền nhà toàn bún đất, chỉ còn lại vài chiếc xoong nồi cũ nát, ngay cả bàn thờ cũng bị lũ cuốn trôi. Cụ ông cầm một cái cuốc và ngẩn ngơ đến độ, gọi ông rất nhiều lần, vẫn không nhận được sự hồi đáp. Ánh mắt cụ giống như người vô hồn, cứ thẫn thờ nhìn ra xa xăm. Phải mất một lúc rất lâu sau, Giang mới có thể nói chuyện với ông.

Tất cả những câu chuyện, hình ảnh đó cứ ám ảnh trong tâm trí Giang. Nó làm cho cô nhận ra, sau mưa lũ, rất nhiều người chỉ đang tồn tại chứ không thực sự sống. Nếu Giang đem mì tôm, nước uống hay thậm chí tiền bạc dành cho một người đã mất hết niềm tin, hy vọng như cụ ông vừa rồi, thì có lẽ, năm sau ông ấy vẫn như vậy mà thôi.

Nữ doanh nhân xây 1.000 căn nhà chống lũ: Hiện thực tàn khốc và những xác sống sau thiên tai miền Trung - Ảnh 3.

Chị Giang là một nữ doanh nhân dành rất nhiều tâm huyết chho hoạt động xã hội.

Điển hình nhất cho chuyện này, có lẽ là chuyện về một cụ bà sống trong căn nhà đã cũ nát, nghiêng tới 45 độ ở Hương Sơn (Hà Tĩnh). Căn nhà nguy hiểm tới mức, ngoài cụ bà, không một ái dám bước vào bên trong. 

Khi Giang bước vào trong đó, thấy mọi thứ đều mốc xanh vì năm nào lũ đến, căn nhà cũng ngập nước. Cụ bà không có bất cứ vật dụng gì ngoài một cái bàn và 2 cái ghế. Nhưng điều khiến Giang chú ý nhất là ở trên gác xép, cụ có món tài sản quý giá nhất, đó là chiếc quan tài màu đỏ rực, được gìn giữ rất cẩn thận.

Cụ bà rơm rớm nước mắt kể lại rằng, trước đây, vì lũ lâu quá, chồng cụ đã chết khi tránh lũ trên gác xép. Việc duy nhất cụ bà có thể làm là nấu cho chồng mình bữa cơm cuối cùng. Sau lũ, có quá nhiều thứ phải làm, và người ta không chú ý đến một cụ ông đã mất mà dành hết sự ưu tiên cho trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai...

Cụ bà đành phải cuốn xác chồng trong chiếc chiếu và đem đi chôn, vì cụ không thể tìm đâu ra một chiếc quan tài. Vì lẽ đó, tất cả tiền phúng viếng đám tang chồng, tiền mà cụ bà tiết kiệm trong suốt 3 năm qua sau khi người chồng mất đều được dành dụm để đổi lấy một chiếc quan tài.

Giang choáng váng vì nhận ra, lũ tràn đến không chỉ cuốn trôi tài sản, tính mạng con người, mà còn cuốn theo niềm tin, hy vọng, khiến nhiều người chỉ mơ ước được chết cho đàng hoàng.

Vì vậy, suốt 7 năm qua, dự án Nhà chống lũ luôn kiên trì với phương thức CHUNG TAY và chưa từng hỗ trợ bất cứ ai 100% chi phí theo kiểu tặng không cho họ.

Xây nhà mới khi chủ sở hữu chỉ có 10.000 đồng trong túi

Nhiều người cũng hỏi Giang rằng bao năm qua, dự án đã có ngoại lệ hay chưa? Ví dụ khi bão lũ vừa qua đi, người dân lấy đâu ra tiền để đóng góp xây dựng nhà chống lũ, lúc ấy thì dự án có thể linh động cho họ không?

Giang trả lời thẳng thắn: chưa bao giờ dự án có ngoại lệ. Bởi vì để đi được đường dài, mình phải có sự kiên định, rõ ràng, chứ nếu cứ mềm lòng thì sẽ luôn có ngoại lệ, bởi xã hội luôn còn nhiều trường hợp đặc biệt, rồi lại đặc biệt hơn thế nữa.

Thực tế, đã có lúc, nhóm của Giang xây nhà mới khi mà người chủ sở hữu nó chỉ có đúng 10.000 đồng trong túi. Đó chính là cụ bà mua quan tài chờ chết.

Lúc Giang gặp cụ, cụ bà không có tài sản gì, nhưng Giang đã tìm ra cách khuyên cụ dỡ hết gỗ đã làm thành căn nhà đang bị nghiêng 45 độ ra bán được 8-10 triệu đồng. Sau đó, Giang thuyết phục 3 cô con gái của cụ, dù hoàn cảnh rất khó khăn, cũng vay mượn thêm được 8 triệu đồng, rồi cụ tự vay mượn thêm... cuối cùng cũng có đủ 25 triệu đồng để xây nhà.

Giang nghĩ rằng, trong mọi hoàn cảnh, người làm từ thiện phải luôn đặt mình vào hoàn cảnh của người dân nghèo, phải đi đôi giày của họ, lắng nghe họ, và tìm mọi cách sáng tạo để giúp họ. Có như vậy thì dẫu khó đến mấy cũng sẽ có cách để giải quyết.

Nữ doanh nhân xây 1.000 căn nhà chống lũ: Hiện thực tàn khốc và những xác sống sau thiên tai miền Trung - Ảnh 4.

Với phương châm CHUNG TAY, tất cả các căn nhà chống lũ đều có sự tham gia của người dân. Họ vừa đóng góp tiền bạc, vừa nêu ra ý kiến muốn căn nhà của mình xây như thế nào. Có người muốn giữ lại ban thờ, có người muốn sơn nhà màu tím, có người muốn cửa sổ hình tròn thơ mộng, cũng có người lại muốn chia nhà thành nhiều phòng… tất cả các yêu cầu đó đều được đáp ứng.

795 ngôi nhà chống lũ đã hoàn thành đều được đo ni đóng giày cho từng người. Ai xây nhà chống lũ xong cũng tự thấy, đấy là căn nhà của riêng họ, không giống với bất cứ ai, và họ tự hào khi chính mình được làm kiến trúc sư, được tham gia xây dựng và giám sát quá trình thi công.

Khi người dân phải bỏ tiền của, công sức như thế, họ rất trân quý ngôi nhà và làm việc rất miệt mài, có khi nửa đêm rồi, vẫn có người gọi điện báo với giang chuyện vừa mua được thêm 3 kiêu gạch, hay mới vay mượn thêm được 1-2 triệu đồng.

Khi dự án Nhà chống lũ có uy tín hơn, chính quyền địa phương các nơi cũng rất ủng hộ, cử người đi làm cùng. Ở Quảng Bình, chính quyền còn cho người dân vay không tính lãi trong 10 năm để họ xây nhà chống lũ. Dự án cũng nhận được sự đóng góp của nhiều nhà hảo tâm, các nghệ sĩ, các chuyên gia... Họ vừa góp tiền, vừa góp đôi tay, kiến thức, sự sáng tạo. Tóm lại là dự án đã có sự chung tay của toàn xã hội, và Giang nghĩ rằng, nếu không có sự chung tay như thế, dự án sẽ không thể đi được lâu dài.

Nữ doanh nhân xây 1.000 căn nhà chống lũ: Hiện thực tàn khốc và những xác sống sau thiên tai miền Trung - Ảnh 5.

Nói tới đây, Giang cũng rất mong, tất cả mọi người khi đi cứu trợ thì hãy khảo sát kỹ, chuẩn bị thật tốt, làm rất bài bản, chuyên nghiệp để ủng hộ đúng nơi, đúng người, xứng đáng nhất. Bởi vì Giang đã từng chứng kiến, có người được ủng hộ tới 447 triệu đồng, nhưng khi hỏi họ có muốn xây nhà không, họ bảo không, họ sẽ mua trâu bò để làm giàu, rồi dư tiền thì đem đi uống rượu vì nhà mới kiên cố sẽ không có ai ủng hộ, nhưng nhìn căn nhà dốt nát tiêu điều thì năm sau mới có người ủng hộ, cho họ tiền.

Nếu chỉ xây nhà chống lũ thì có xây bao nhiêu cũng không đủ

Ngay từ đầu, dự án Nhà chống lũ luôn luôn cố gắng đưa người dân vào quy trình làm việc. Ít nhất một ngôi nhà cũng cần 35 ngày để hoàn thành. Trong khoảng thời gian đó, người của dự án Nhà chống lũ đã sống cùng và trở nên rất thân thiết với người dân. Các thành viên không chỉ giúp bà con xây nhà, mà còn truyền động lực, ước mơ cho họ.

Sau đó, người dân thường chủ động hơn rất nhiều trong cuộc sống. Họ mở thêm quán bán bánh xèo, làm việc nọ việc kia, chủ động giúp đỡ người khác. Giống như ở vũng lũ, những người sống trong nhà chống lũ lại là những người chủ động phòng chống thiên tai nhất. Giang nghĩ rằng, phương thức tiếp cận quan trọng hơn là giá trị vật chất, vì ngôi nhà chỉ là cầu nối để giúp người dân thay đổi nhân sinh quan, từ đó có thêm ước mơ, để muốn làm chủ cuộc sống của mình.

Nữ doanh nhân xây 1.000 căn nhà chống lũ: Hiện thực tàn khốc và những xác sống sau thiên tai miền Trung - Ảnh 6.

Lấy ví dụ, KTS của dự án là anh Đinh Bá Vinh khi đến Nam Trà My, thấy người dân ở đó chưa có ý thức nhặt rác và anh đã làm gương. Trong quá trình công tác ở đó, anh đều treo một chiếc túi, bỏ rác vào đấy, khi rời đi, anh mang theo cả túi rác bỏ vào nơi xử lý rác đúng quy định. Ban đầu, người dân thấy buồn cười vì hành động ấy, nhưng bây giờ, ai cũng có ý thức nhặt rác, họ còn tự đan sọt dọn rác và phân loại rác thải.

Dự án Nhà chống khi mới nghe tên thì nhiều người tưởng nhóm của Giang chỉ đi xây nhà thôi, nhưng thực ra, những người trong dự án đều hiểu được rằng, cuộc sống có rất nhiều thứ và ngôi nhà không phải là tất cả.

Nữ doanh nhân xây 1.000 căn nhà chống lũ: Hiện thực tàn khốc và những xác sống sau thiên tai miền Trung - Ảnh 7.

Mỗi năm nước ta có tới 5.000-7.000 căn nhà bị nước lũ cuốn trôi. Vậy thì Giang hay bất cứ ai cũng khó có thể xây đủ những căn nhà chống lũ. Vì thế, Giang tổ chức chương trình Hạnh phúc xanh kéo dài 70 năm. Vì 70 năm nữa nếu chúng ta trồng mệt mài, những cánh rừng mới có khả năng chống lũ. Ít ai biết, mỗi một cây rừng có thể giữ được 30m3 nước. Cho nên nếu có những cánh rừng xanh, hậu quả mưa lũ sẽ không thể nào khủng khiếp như bây giờ.

Thiên tai, suy cho cùng vẫn không thể bằng nhân tai. Nhìn lại những cánh rừng, chúng ta đâu còn nhiều. Biết bao nhiêu quả đồi bị chặt hết cây xanh, thay thế bằng toàn những cây dễ cọc như cao su, keo... Chúng có giá trị về kinh tế, nhưng không thể giữ đất, ngăn lũ mà thậm chí, còn phá hoại đất đến nỗi không một cây cỏ nào có thể mọc xung quanh.

Vì thế, ước mong lớn nhất của Giang là muốn mỗi cá nhân sẽ là một nhà chống lũ, cùng nhau trồng cây, bảo vệ môi trường, đó mới là cách giúp đỡ có giá trị bền vững nhất cho cộng đồng.

Xem thêm: mth.18875021112010202-gnurt-neim-iat-neiht-uas-gnos-cax-gnuhn-av-cohk-nat-cuht-neih-ul-gnohc-ahn-nac-0001-yax-hcit-uhc-un/nv.ahos

Comments:0 | Tags: vay

“Nữ doanh nhân xây 1.000 căn nhà chống lũ: Hiện thực tàn khốc và những "xác sống" sau thiên tai miền Trung”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools