Sáng 21-10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025, đã chính thức khai mạc với sự tham dự của 339 đại biểu.
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư chúc mừng, biểu dương và ghi nhận những thành tựu quan trọng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình đã đạt được nhiệm kỳ vừa qua.
Ông Trần Quốc Vượng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu chỉ đạo Đại hội Đảng bộ Ninh Bình. Ảnh: TTXVN
Ông Trần Quốc Vượng cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế của tỉnh Ninh Bình trong nhiệm kỳ. Chẳng hạn so với các địa phương trong cùng khu vực đồng bằng sông Hồng, tốc độ tăng trưởng bình quân năm năm qua còn thấp; thu nhập bình quân đầu người chưa đạt mục tiêu. Thu hút đầu tư của Ninh Bình còn hạn chế; môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh chưa được cải thiện nhiều. Tỉnh thu ngân sách tăng cao, nhưng chưa thật bền vững...
Thường trực Ban Bí thư lưu ý Ninh Bình cần tích cực đổi mới mạnh mẽ tư duy và hành động trong lãnh đạo, chỉ đạo; có tầm nhìn mới về một Ninh Bình phát triển trong thời kỳ mới; nhận thức đúng đắn, sâu sắc hơn nữa về những tiềm năng, thế mạnh đặc thù và lợi thế so sánh của Ninh Bình.
Cùng với đó, tỉnh cũng cần xác định động lực phát triển trong thời gian tới là phát triển công nghiệp phụ trợ, du lịch chất lượng cao và dịch vụ. Trong đó, xây dựng thật tốt quy hoạch Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
“Với vị trí chiến lược hết sức quan trọng, kết nối khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Bắc, nằm trong vùng tứ giác phát triển kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Thanh Hóa, Ninh Bình cần đặc biệt quan tâm phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nội tỉnh và liên vùng” – Thường trực Ban Bí thư lưu ý.
Ông Trần Quốc Vượng cũng nêu rõ Ninh Bình phải hết sức coi trọng giữ gìn và bảo vệ thật tốt môi trường sinh thái "xanh, sạch, đẹp," chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống dịch bệnh, thiên tai…
"Ninh Bình là tỉnh có vị trí chiến lược, đặc biệt trọng yếu về quốc phòng, do vậy, tỉnh cần hết sức chăm lo xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; bảo vệ vững chắc chủ quyền biển..." - Ông Trần Quốc Vượng nhấn mạnh.
Cũng theo Thường trực Ban Bí thư, Đảng bộ Ninh Bình phải quan tâm công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tỉnh phải tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị các cấp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất, trình độ và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Ba khâu đột phá của Đảng bộ tỉnh Ninh Bình - Xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số. - Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ cấc cấp, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. - Đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ, hiệu quả, chất lượng, nhất là hạ tầng du lịch. Ninh Bình cũng đề ra sáu chương trình trọng tâm; sáu nhóm nhiệm vụ, giải pháp… trong nhiệm kỳ tới. |