Người dân Quảng Bình quê tôi sau một cơn lũ lụt - Ảnh: L.GIANG
Trong những ngày bão lũ triền miên ấy, những cánh đồng lúa lại ngập trắng nước. Thoi thóp vài mảng lúa ở chân ruộng cao chưa kịp chín trên mặt nước bạc, hay những vạt rau bám đầy phù sa trên mặt lá nổi lập lờ trong nước, luôn làm tôi day dứt.
Sau mỗi trận lũ lút xóm lút làng ấy, dì tôi lại bần thần ngồi nhìn những mảng rau không còn màu xanh trong vườn, hay trên ô ruộng lô xô đầy bùn, cát. Đã bao lần nhìn thấy dì bần thần, nhưng chưa khi nào tôi hỏi dì về điều ấy. Chỉ để ý là sau mỗi lần lũ rút, bao giờ dì nghỉ chạy chợ mươi lăm ngày.
Dượng tôi thì năm ba ngày sau lũ lại một lần trèo lên giàn trữ thóc, vừa cho thóc vào bao vừa thở dài thườn thượt. Dì bảo: "Cây không lên mau mà chạy chợ thì hạt thóc cất trữ mấy cũng hết... Ra giêng hai biết lấy chi mà ăn cho đến thu hoạch vụ đông xuân".
Mảnh vườn chống chếnh những cọng rau lang vàng úa, còn gì nữa để cho dì chạy chợ? Phải đến nửa tháng sau cơn lũ, dì tôi mới hé được nét vui trên khuôn mặt. Đó là khi mảnh vườn bắt đầu xanh lên những vạt rau mồng tơi, ngò, cải.
Vất vả, lam lũ, cực nhọc làm ăn trên mảnh đất lắm bão nhiều giông như thế, nhưng hễ mấy đứa con của dì bảo đưa dì vào Nam sống với chúng là dì lại cự tuyệt. Chắc bão giông "ăn" vào máu thịt dì rồi. Dì đi, sao đi được cả làng…
Một chiều sau khi lũ lụt sông Kiến Giang vừa rút. Người dân sống bên sông đem thóc ra đãi. Những hạt thóc dính bết bùn đỏ ối. Sau mỗi mẻ đãi, bùn đất trôi theo sông, trong đáy thúng còn nhót lại một nhúm thóc bằng chiếc đĩa.
Hạt thóc ít ỏi ấy đã phải trằn qua bao ngày khô hạn, bao ngày mưa lũ và đẫm bao công sức của người nông dân nghèo khó quê tôi. Cứ tưởng đã cất được hạt thóc lên giàn là yên ổn, vậy mà không, chưa năm nào hạt thóc quê tôi lại không phải chịu thêm nỗi truân chuyên là lấm bùn, đẫm nước của những trận mưa, lũ, bão tơi bời...
Sau mỗi trận lũ lụt lớn, những người dân quê tôi lại hốt thóc còn vương vãi trong đám bùn lầy đọng ở góc nhà, rồi ra dòng nước sông Kiến Giang hay sông Gianh còn phù sa đỏ ối để đãi, như một sự bòn mót cuối cùng cho cái ăn sau lũ.
Những hạt thóc trầm mình qua nước lũ vừa đãi sạch bùn đất xong, thật kỳ lạ, bao giờ cũng sáng hơn khi mới gặt.
Hạt thóc quê tôi sao cũng lấm lem, truân chuyên như những người dân vùng lũ quê tôi lắm vậy…
TTO - Cơn lũ lịch sử lên nhanh nhưng lại rút chậm làm nhiều người dân không những mất mát tài sản, nhà cửa tan hoang mà đến miếng ăn, nước uống cũng đã cạn kiệt. Trong khi đó, hàng tiếp tế không dễ vượt lũ vào với bà con.
Xem thêm: mth.81230751212010202-ul-yagn-uas-oehgn-euq-coht-tah/nv.ertiout