vĐồng tin tức tài chính 365

Người dân miền Trung gượng dậy sau lũ

2020-10-22 08:58
Người dân miền Trung gượng dậy sau lũ - Ảnh 1.

Thuyền hơi cứu hộ của các bạn trẻ Hà Nội mang hàng tiếp tế vào cho người dân rốn lũ Lệ Thủy, Quảng Bình ngày 21-10 - Ảnh: NGỌC HIỂN

Ngày 21-10, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Tập đoàn GreenFeed Việt Nam đã mang 600 phần quà gồm lương thực, nhu yếu phẩm vào cứu trợ bà con rốn lũ xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đây là địa phương bị cô lập hơn 2 tuần qua do nước lũ ngập sâu, thiệt hại nặng nề. Để mang những phần quà bạn đọc báo Tuổi Trẻ vào đây, chúng tôi phải di chuyển bằng thuyền, hàng hóa cứu trợ được chuyển bằng xe ben và xe công nông gầm cao.

Gian nan đường vào rốn lũ

Con đường dẫn vào rốn lũ Quảng Thành bên dòng sông Bồ vẫn còn ngập sâu. Xe tải chở hàng đầy ắp của đoàn cứu trợ phải nhờ đến những chiếc xe ben, xe công nông gầm cao mới vượt qua được con đường ngập nước để vào xã Quảng Thành.

Đồng cảm, sẻ chia với những khó khăn của bà con vùng lũ, Tập đoàn GreenFeed Việt Nam gửi tặng 600 phần quà, gồm lương thực, nhu yếu phẩm và thịt viên dinh dưỡng cho bà con xã Quảng Thành. Trước đó Tập đoàn GreenFeed cùng với báo Tuổi Trẻ đã cứu trợ cho bà con vùng lũ xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, Quảng Trị.

Tại sân đình làng Kim Đôi, bà con các xóm đã tập trung rất đông, nhiều người phải lội nước mới đến được đình làng. Làng Kim Đôi ngập đã 2 tuần nay. Nước lũ ngập lâu, đường sá đi lại không được, mấy ngày qua ít đoàn cứu trợ tiếp cận hỗ trợ bà con rốn lũ Quảng Thành.

Vừa nhận được món quà, bà Lê Thị Mến (làng Kim Đôi, Quảng Thành) chia sẻ: "Năm nay lũ lớn mất lúa, trôi luôn đàn gà rồi. Mấy ngày qua đường vẫn ngập sâu, tôi không dám ra ngoài, ông trưởng thôn có gửi mấy thùng mì, bao gạo nên mấy bà cháu có cái ăn. Giờ nhận đồ ăn nhanh thế này rất thuận tiện".

Cũng giống như bà Mến, nhiều người dân làng Kim Đôi đến nhận quà của Tuổi Trẻ đều rất vui mừng. Với họ, cơn lũ vừa qua gần như cuốn sạch tài sản, vật nuôi, hoa màu, lúa gạo dự trữ ít ỏi trong nhà. Mỗi phần quà là sự sẻ chia, hỗ trợ bà con vượt qua khó khăn, sớm ổn định lại cuộc sống.

Người dân miền Trung gượng dậy sau lũ - Ảnh 2.

Bà Hoàng Thị Sen (xã Thạch Thắng, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) bật khóc khi nhận quà từ bạn đọc báo Tuổi Trẻ chiều 21-10 - Ảnh: DOÃN HÒA

Bắt đầu trở lại cuộc sống bình thường

Ở làng Kim Đôi nhiều năm nay đời sống khó khăn, thanh niên, người lớn bỏ quê vào Nam làm ăn, lập nghiệp gần hết. Trong làng còn lại nhiều gia đình chỉ có cụ già, phụ nữ và trẻ em nên lũ dâng cao, đồ đạc, lúa, xe cộ chuyển lên cao không kịp, ngâm nước hư hỏng toàn bộ.

Ở xóm mới cạnh cánh đồng nước lũ mênh mông cuối làng, bà Nguyễn Chít tranh thủ trời hửng nắng đổ mấy bao lúa đã nảy mầm trắng toát ra sân phơi. 

"Lũ rồi nước dâng ngập cửa sổ, mấy đứa con tôi đi làm ăn ở miền Nam hết, nhà có mỗi hai vợ chồng già. Vụ lúa vừa rồi, tôi có mua mấy tạ để trong nhà ăn dần nhưng lụt lần này ướt hết. Lúa nảy mầm thế này thì xem như bỏ, gà vịt còn chê chứ chưa nói giã cho heo ăn", bà Chít than thở. 

Theo bà Chít, bà con Kim Đôi ai cũng bị ướt lúa, nhà ít thì vài tạ, nhà nhiều cả tấn. Mấy năm trước lũ lên cao rồi hạ nhanh, lúa có ngâm thì bà con phơi khô, giã ra nấu cháo heo. Chứ lũ đã cao, ngâm lâu ngày mà trời cứ mưa thế này thì vứt hết, không làm gì được. Ai cũng mất tiền triệu.

Không chỉ lúa và vật nuôi, sách vở, áo quần, xe máy, đồ điện tử trong nhà bị ngâm nước cũng hư sạch. 

"Xe máy ngâm trong nước còn sửa được chứ xe đạp điện rất ít tiệm sửa. Nhà tôi có 2 chiếc xe đều hỏng, không biết sau lũ mấy cháu đi học bằng gì. Lũ lên nhanh và bất ngờ, nhà không thể kịp kê cao được. Dù sao mất của còn làm lại được, gia đình an toàn là cũng vui rồi", anh Phan Văn Thương lạc quan.

Hôm nay nước rút, người dân xã Quảng Thành bắt đầu dọn dẹp vệ sinh bùn non, phơi áo quần ngâm trong lũ và bắt đầu quay trở lại cuộc sống. Nhiều người đã 2 tuần nay chưa đi làm trở lại, trẻ em nghỉ học gần 3 tuần. Trong sự bộn bề, lộn xộn của căn nhà sau lũ, đâu đó vẫn thấy sự lạc quan của bà con dù họ thật sự đang kiệt quệ, thiếu thốn.

Kẹt cứng điểm tập kết cứu trợ rốn lũ Lệ Thủy

cano cuu tro 1

Thuyền cứu hộ tập kết tại xã Mai Thủy (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) mang hàng tiếp tế vượt biển lũ vào với người dân - Ảnh: NGỌC HIỂN

Chiều 21-10, rốn lũ huyện Lệ Thủy, Quảng Bình vẫn còn chìm sâu trong nước, cuộc sống của người dân trong vùng lũ vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Khi phóng viên vào được đến các xã Lộc Thủy, An Thủy, Dương Thủy... người dân nơi đây thiếu thốn đủ bề.

Không phải không có hàng hóa mà do thiếu tàu thuyền, canô vận chuyển nhu yếu phẩm tiếp tế vào vùng lũ. Tại ngã ba Cam Liên (xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy), điểm tập kết hàng cứu trợ lớn nhất vùng rốn lũ Quảng Bình, hàng trăm xe tải, bán tải xếp thành hàng dài, đậu khắp nơi chờ được đưa hàng ra "bến thuyền" để chuyển vào cho bà con.

Theo một nhà hảo tâm, việc chuyển lương thực cho bà con chỉ có thể bằng canô, ghe máy. Thế nhưng, hiện tại các phương tiện này không đủ đáp ứng bởi số lượng hàng hóa quá lớn. Với lượng lương thực, nhu yếu phẩm đang có mặt tại ngã ba Cam Liên, nếu muốn vận chuyển hết vào cho bà con phải cần ít nhất vài ngày nữa.

Trong khi đó, nhiều xe chở hàng cứu trợ vẫn tiếp tục đổ về điểm tập kết ở ngã ba Cam Liên khiến kẹt xe kéo dài, lực lượng cảnh sát giao thông phải có mặt điều tiết. Nhiều cán bộ huyện Lệ Thủy đã có mặt tại hiện trường để cảm ơn các nhà hảo tâm và trao đổi về việc chở hàng hóa cho bà con.

Một cán bộ cho biết nhiều nhà hảo tâm có lòng tốt nhưng không báo trước với chính quyền địa phương để sắp xếp thời gian và chuẩn bị tàu thuyền nên dẫn đến quá tải.

TRẦN MAI

Từ Hà Nội mang "tiểu đội" thuyền hơi vào giúp dân

cano cuu tro 2 (1)

"Tiểu đội" cano từ Hà Nội vào Quảng Bình hỗ trợ người dân - Ảnh: NGỌC HIỂN

Chiều 21-10, một đội canô phao gần chục chiếc được thổi phồng hơi, tức tốc hạ xuống bến đò dã chiến ở xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình để vận chuyển thức ăn tiếp tế cho người dân rốn lũ. Đây là "tiểu đội" thuyền hơi của một câu lạc bộ những người chơi xe ở Hà Nội đưa vào Quảng Bình để hỗ trợ người dân.

Trước đó đội thuyền này đã ròng rã nhiều ngày trời cứu trợ ở Hải Lăng và Đakrông (Quảng Trị) và huyện Quảng Ninh (Quảng Bình). Vừa trở về Hà Nội, nghe tin lũ lớn ở Lệ Thủy, mọi người lại tất tả huy động anh em mang theo áo phao, hàng cứu trợ chạy xuyên đêm vào lại vùng lũ. Với người dân Quảng Bình lúc này, những chiếc thuyền hơi rất quý giá bởi có thể chuyển hàng cứu trợ len sâu vào từng hộ gia đình trong khi các canô lớn bất lực.

Dù đã đuối sức sau chuyến cứu trợ trước, trong ngày 21-10, anh Nguyễn Hiếu (29 tuổi, ngụ Hà Nội) đã cầm lái chạy nhiều chuyến ra vô vùng rốn lũ và chở theo nhiều suất thức ăn, hàng hóa cho những người dân ở các xã đang ngập sâu.

"Mình ốm rồi nhưng vẫn đi, bà con đang cần mình, các chuyến cứu trợ đang ùn ứ nên gắng được hết" - Hiếu nói. Lăn lộn cùng bà con vùng lũ, Hiếu cùng các anh em trong câu lạc bộ đều bỏ lại việc riêng vì tiền bạc bây giờ không quan trọng bằng miếng ăn, sự sống của người dân.

Tương tự, chàng trai Đào Duy Phong (30 tuổi, ngụ Hà Nội) dù không phải là thành viên của câu lạc bộ nhưng khi nghe cần đến lực lượng đi Quảng Bình, 15 phút sau Phong đã có mặt xuất phát. "Mình biết bơi nên bà con cần là mình chạy đi ngay, chỉ kịp mang đúng chiếc áo phao và 2 bộ đồ. Cứ một chuyến tiếp tế thành công là dân mình bớt đi một bữa đói" - Phong nói.

Trước đó, câu lạc bộ này đã mang 400 suất quà gồm chăn màn, thực phẩm trị giá gần 200 triệu vào Quảng Trị trao tận tay cho từng gia đình. Ngoài cứu trợ, các thành viên của câu lạc bộ còn gom góp tiền để xây dựng trường cho những bản làng vùng cao ở Tây Bắc.

NGỌC HIỂN

Cơn lũ đi qua, gia sản trôi theo dòng nước bạcCơn lũ đi qua, gia sản trôi theo dòng nước bạc

TTO - Trâu bò, heo gà, bàn ghế, lúa gạo và vô vàn tài sản cả một đời tích góp của người dân vùng rốn lũ Quảng Bình đã trôi theo dòng nước dữ. Những giọt nước mắt rơi không ngớt, những khuôn mặt âu lo về miếng cơm manh áo và cả kế sinh nhai hậu lũ...

Xem thêm: mth.23754818022010202-ul-uas-yad-gnoug-gnurt-neim-nad-iougn/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Người dân miền Trung gượng dậy sau lũ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools