Sáng 22-10, phiên xét xử phúc thẩm của TAND Cấp cao tại Hà Nội đối với các bị cáo trong vụ gian lận điểm ở tỉnh Hòa Bình tiếp tục làm việc.
Trước khi phiên tòa được mở, hai trong số ba bị cáo từng có đơn kêu oan, gồm Nguyễn Quang Vinh (cựu trưởng phòng Khảo thí, Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình) và Khương Ngọc Chất (cựu thượng tá, trưởng phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hoà Bình).
Tại tòa hôm nay, cả ông Vinh và Chất đều có sự thay đổi trong nội dung kháng cáo. Riêng Đỗ Mạnh Tuấn (cựu hiệu phó trường Dân tộc nội trú huyện Lạc Thủy) vẫn giữ nguyên xin giảm nhẹ hình phạt.
Ba bị cáo vụ gian lận điểm thi tại tòa ngày 22-10. Ảnh: TC
Giống như phiên sơ thẩm trước đó, ông Vinh thừa nhận có một phần trách nhiệm khi để xảy ra sự việc nghiêm trọng xảy ra (việc can thiệp, sửa bài thi – PV), tuy nhiên bị cáo không lợi dụng chức vụ như bản án sơ thẩm quy kết.
“Sự việc xảy ra bị cáo rất đau lòng, trong suốt 30 năm làm nhà giáo, bị cáo chưa bất công bằng với bất cứ học sinh nào” – bị cáo nói và thừa nhận trách nhiệm của mình rất lớn bởi là người tham mưu cho lãnh đạo Sở GD&ĐT.
Ông Vinh cũng nói với vụ việc nghiêm trọng như trên có phạt tù thì cũng xứng đáng. “Bị cáo không băn khoăn mức án, dù đó là 8 năm hay 10 năm. Nhưng bị cáo không chấp nhận việc bị cáo buộc tội lợi dụng, nếu quy kết bị cáo thiếu trách nhiệm thì sẵn sàng chấp nhận” – cựu trưởng phòng khảo thí nêu quan điểm.
Bị cáo này khẳng định không kháng cáo kêu oan mà đề nghị xem xét lại tội danh cũng như hình phạt của bản án sơ thẩm. Bị cáo thừa nhận mình có tội nhưng là hành vi thiếu trách nhiệm, trong đó thực hiện sai quy chế thi, quản lý cán bộ cấp dưới lỏng lẻo dẫn tới vi phạm….
Tương tự, bị cáo Khương Ngọc Chất cho biết trước đó có đơn kháng cáo kêu oan nhưng hôm nay thay đổi nội dung kháng cáo sang xin giảm nhẹ hình phạt.
Ông Chất thừa nhận có nhận thông tin của một số thí sinh là con em bạn bè, anh em trong cơ quan nhưng chỉ là nhờ xem điểm chứ không phải nâng điểm. Bị cáo trình bày một số tình tiết với hi vọng được xem xét giảm nhẹ mức án: có 25 năm công tác trong lực lượng CAND với nhiều cống hiến, thành tích; bản thân bị bệnh tiểu đường, sức khỏe giảm sút; gia đình có nhiều người thân có công với cách mạng…
Bị cáo Khương Ngọc Chất, cựu trưởng phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hoà Bình. Ảnh: TC
Về phần mình, Đỗ Mạnh Tuấn cho hay đã “thỏa mãn, toại nguyện” với bản án sơ thẩm. Dù vậy, “một ngày ở tù bằng ngàn năm ở ngoài”, bị cáo vẫn tận dụng quyền kêu xin của mình để mong được xem xét giảm nhẹ, “giảm được ngày nào tốt ngày đó”.
Khai trước tòa, Tuấn cơ bản giữ nguyên như hồi sơ thẩm. Trong đó, Tuấn khẳng định ông Vinh là người đề xuất việc can thiệp vào bài thi để sửa điểm cho một số thí sinh. Ông Vinh nói những thí sinh này là con em của các cán bộ trong ngành, hoặc bạn bè, hoặc các mối quan hệ ngoại giao.
Tuấn nói một mình chắc chắn không thể can thiệp, nâng điểm cho các thí sinh mà phải có sự hỗ trợ từ những người khác. HĐXX nhiều lần nhận xét lời khai của Tuấn là rất thành khẩn, nhất quán với lời khai tại giai đoạn sơ thẩm.
Dù vậy, đối chất tại tòa, ông Vinh phủ nhận nhiều lời khai của Tuấn, bao gồm việc không đưa các tờ giấy ghi tên thí sinh hoặc chìa khóa phòng cho Tuấn. Ông Vinh khẳng định giữa mình và Tuấn không có mâu thuẫn gì nhưng không thể giải thích được lý do tại sao Tuấn lại khai như vậy…
Kết thúc phần xét hỏi, tòa chuyển sang phần tranh luận. Đại diện VKS đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo kêu oan của ông Vinh, giữ nguyên hình phạt với hai bị cáo còn lại.
Theo VKS, hành vi của các bị cáo đã làm mất đi sự công bằng của kỳ thi, những thí sinh đáng lẽ đậu thì bị trượt, ngược lại những thí sinh thực tế không đủ điều kiện thì lại nghiễm nhiên trúng tuyển nhờ điểm số được can thiệp.