Trong dự thảo Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ, Bộ Công an đề xuất rất nhiều quy định mới liên quan đến việc bảo vệ trẻ em và người yếu thế khi tham gia giao thông.
Bộ Công an đề xuất trẻ dưới 4 tuổi khi ngồi trên ô tô phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em. Ảnh minh họa
Ghế thiết kế cho trẻ dưới 4 tuổi
Đáng chú ý, khoản 4 điều 10 của dự thảo quy định trẻ em dưới 12 tuổi hoặc dưới 1,35 m được chở trên xe ô tô chở người không được ngồi ở hàng ghế trước (vị trí ghế cạnh người lái xe) khi tham gia giao thông đường bộ, trừ trường hợp đối với xe chỉ có một hàng ghế.
Đặc biệt, trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em. Người lái xe có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn việc thắt dây an toàn cho trẻ em.
Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT - Bộ Công an, cho biết các đề xuất trên không chỉ là việc tiếp thu quy định của Công ước Viên năm 1968 mà còn đặt trẻ em vào vị trí trung tâm cần được bảo vệ an toàn tuyệt đối khi tham gia giao thông.
Một số ý kiến cho rằng quy định trẻ dưới 4 tuổi phải có ghế riêng là “quá rộng” bởi thực tế trẻ vài tháng tuổi chưa thể tự ngồi riêng trong ô tô được mà vẫn cần ngồi chung với người lớn.
Giải thích vấn đề này, Đại tá Bình cho hay đã liên hệ với nhiều chuyên gia về bảo vệ quyền trẻ em. Qua trao đổi cho thấy ghế dành cho trẻ em được thiết kế với nhiều kích thước khác nhau, có thể phù hợp với nhiều lứa tuổi của trẻ.
“Đã ngồi lên xe thì phải tính đến yếu tố an toàn, tới đây các phụ kiện dành cho ô tô phải tính toán để phù hợp” - ông Bình nói và nhấn mạnh quy định này không có mục đích nào khác ngoài bảo vệ tốt nhất cho sự an toàn của trẻ khi tham gia giao thông.
Cũng theo Cục phó Cục CSGT, cơ quan chức năng sẽ dành thời gian dài để nhắc nhở, tuyên truyền, từ đó hình thành cho người dân văn hóa giao thông về việc bảo vệ con em mình mỗi khi ngồi trên xe, tiếp đó mới tính toán đến chuyện chế tài.
Tương tự, với quy định trẻ em dưới 12 tuổi hoặc dưới 1,35 m không được ngồi ở hàng ghế trước, người dân sẽ được tiếp cận theo hướng xây dựng văn hóa giao thông, nghĩa là lực lượng công an tăng cường tuyên truyền chứ không phải cứng nhắc xử phạt ngay.
Dừng hẳn xe để nhường đường cho người đi bộ
Dự thảo luật do Bộ Công an soạn thảo dành riêng một điều để quy định về người đi bộ, người khuyết tật, người già yếu… tham gia giao thông.
Trong đó trẻ em, người khiếm thị, người mắc bệnh tâm thần, hạn chế về mặt trí tuệ phải có người dắt khi tham gia giao thông hoặc qua đường. Mọi người đều có trách nhiệm giúp đỡ những người thuộc đối tượng này khi đi qua đường.
Luật cũng bắt buộc người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường an toàn; không chỉ tại nơi có vạch kẻ đường hoặc báo hiệu mà cả tại nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ.
“Nếu quan sát thấy người đi bộ hoặc nhóm người yếu thế đi qua đường thì cũng phải giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho họ” – dự thảo nêu.
Đề xuất trên có điểm mới so với quy định hiện hành của Luật GTĐB năm 2008. Theo đó, người điều khiển phương tiện có thể dừng hẳn xe thay vì chỉ quan sát, giảm tốc độ khi nhường đường.
Chưa hết, luật quy định đối với trường hợp nơi có đèn tín hiệu vàng nhấp nháy được đi, người điều khiển phương tiện cũng phải chú ý quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ qua đường.
Luật cũng cho phép người khuyết tật điều khiển phương tiện tham gia giao thông được cấp giấy phép lái xe phù hợp với loại xe và tình trạng khuyết tật và phải đảm bảo tiêu chuẩn sức khỏe theo quy định của ngành y tế.