Startup từng là kỳ lân phải ‘bán mình’ với giá chỉ hơn 1.000 đô la?
Lê Linh
(TBKTSG Online) – Nền tảng buôn bán xe cũ trực tuyến Renrenche, từng là một trong những startup kỳ lân (công ty khởi nghiệp được định giá từ 1 tỉ đô la Mỹ trở lên) nóng bỏng nhất của Trung Quốc, được Ngân hàng Goldman Sachs, Tập đoàn Tencent, hãng gọi xe Didi Chuxing rót tiền đầu tư. Nhưng giờ đây, công ty có thể bán các tài sản chính với giá chỉ hơn 1.000 đô la Mỹ.
Sự cạnh tranh khốc liệt cộng với tác động của đại dịch Covid-9 đẩy nền tảng buôn bán xe cũ Renrenche rơi vào tình trạng cạn kiệt thanh khoản. Ảnh: Chinatechnews |
Lên kế hoạch bán rẻ tài sản vì khủng hoảng thanh khoản
Renrenche, được định giá đến 1,4 tỉ đô la Mỹ trong vòng gọi vốn cách đây hai năm, đang lên kế hoạch bán các tài sản chính của công ty này cho nền tảng quảng cáo rao vặt trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, 58.com, có trụ sở ở Bắc Kinh với giá chỉ 10.000 đô la Hồng Kông (1.290 đô la Mỹ).
Bloomberg dẫn lời các nguồn tin nắm rõ vấn đề cho biết nếu thương vụ được ký kết, 58.com sẽ tiếp quản tài sản của Renrenche ở Hồng Kông, đồng thời cung cấp khoản vay trị giá ít nhất 4 triệu đô la Mỹ cho các hoạt động của Renrenche ở Trung Quốc lục địa.
Các bên vẫn đang tiếp tục đàm phán và có thể không xúc tiến thương vụ này.Thương vụ này có thể giải cứu nền tảng buôn bán xe cũ Renrenche vốn đang cạn kiệt thanh khoản giữa lúc cơn bùng nổ nền kinh tế chia sẻ của Trung Quốc đang xì hơi.
Được thành lập vào năm 2014, Renrenche kết nối những người dùng muốn mua bán xe cũ và thu mức hoa hồng thấp hơn so với các công ty buôn bán xe cũ ngoại tuyến. Năm 2018, Renrenche huy động thành công 300 triệu đô la Mỹ trong một vòng gọi vốn do các nhà đầu tư gồm Ngân hàng Goldman Sachs, Tập đoàn Tencent, hãng gọi xe Didi Chuxing dẫn dầu. Theo PitchBook, tính đến năm 2018, Renrenche đã huy động được 760 triệu đô la vốn đầu tư.
Nhưng sự cạnh tranh khốc liệt với hai nền tảng buôn bán xe cũ đối thủ Uxin và Guazi.com, cộng với doanh thu sụt giảm mạnh trong thời kỳ dịch bệnh, khiến nguồn vốn của Renrenche nhanh chóng cạn kiệt. Các vấn đề thanh khoản của Renrenche xuất hiện từ năm ngoái. Vào tháng 6-2019, Reuters đưa tin Renrenche lên kế hoạch cắt giảm đến 60% nhân sự do nguồn vốn bị thắt chặt trên thị trường và sự cạnh tranh gay gắt. Hồi đầu ngoái, Renrenche lên tiếng phản bác các tin đồn phá sản.
Dịch bệnh Covid-19 cũng tác động nặng nề đến thị trường buôn bán xe cũ ở Trung Quốc. Uxin, nền tảng buôn bán xe cũ trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, cho biết trong quí kết thúc vào tháng 6, công ty chỉ đạt doanh thu 62 triệu nhân dân tệ (9,2 triệu đô la Mỹ), giảm mạnh so với con số 389 triệu nhân dân tệ vào cùng kỳ năm ngoái. Giá cổ phiếu Uxin trên sàn chứng khoán Nasdaq giảm chỉ còn 1,13 đô la, thấp hơn 50% so với hồi đầu năm.
Hồi tháng 3, Uxin quyết định giảm lương và cho nhân viên nghỉ phép khi doanh thu suy giảm do tác động của dịch bệnh Covid-19. Chehaoduo, công ty mẹ của Guazi.com, nền tảng buôn bán xe cũ lớn thứ hai Trung Quốc, từng huy động được 1,5 tỉ đô la Mỹ từ Quỹ Tầm nhìn của SoftBank, cũng cắt giảm lương của nhân viên để ứng phó với dịch bệnh.
Doanh số xe cũ ở Trung Quốc đang dần phục hồi trong những tháng gần đây nhưng tính trong tám tháng đầu năm nay, vẫn đang giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Giới phân tích dự báo doanh số xe cũ ở đất nước đông dân nhất thế giới sẽ suy giảm lần đầu tiên trong năm 2020 sau gần 2 thập kỷ tăng trưởng liên tục.
Bị kiện đòi nợ
Công ty Argyle Street Management (Hồng Kông), một trong những chủ nợ của Renrenche, đang tìm kiếm lệnh phát mại tài sản từ một tòa án ở quần đảo Cayman, nơi Renrenche đăng ký kinh doanh, để thu hồi khoản nợ gần 15 triệu đô la Mỹ.
Vụ kiện đòi nợ này có thể làm phức tạp thương vụ bán tài của Renrenche cho 58.com. Các nguồn tin cho biết trong cuộc họp cổ đông vào tuần trước, thương vụ này bị một số nhà đầu tư của Renrenche phản đối nhưng nhận được sự đồng ý quan trọng từ Tencent và Didi Chuxing. Tencent cũng là một trong những nhà đầu tư của 58.com.
Các nguồn tin nói rằng các nhà đầu tư vẫn đang tìm kiếm các phương án khác để giải quyết cơn khủng hoảng thanh khoản của Renrenche. Đại diện của Renrenche từ chối bình luận chi tiết và chỉ nói chung rằng các thông tin trên không chính xác.
Nếu được thông qua, thương vụ bán rẻ tài sản trên của Renrenche sẽ đánh dấu một trong những cú sụp đổ đáng chú ý trong cộng đồng startup công nghệ Trung Quốc kể từ khi cơn bùng nổ internet ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới xuất hiện cách đây một thập kỷ. Cú sụp đổ nhanh chóng của Renrenche gợi nhớ những startup ‘sớm nở chóng tàn’ khác ở Trung Quốc bao gồm hai startup dùng chung xe đạp Mobike và Ofo.
Theo Bloomberg
Xem thêm: lmth.al-od-0001-noh-ihc-aig-iov-hnim-nab-iahp-nal-yk-al-gnut-putrats/567903/nv.semitnogiaseht.www