* Kiến nghị không thành lập mới doanh nghiệp nhà nước mới trong 10 năm tới.Mở cửa cho doanh nghiệp tư nhân cùng tham gia vào các lĩnh vực mà nhà nước đang đầu tư, đồng thời hoàn thiện thể chế kinh tế để buộc các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phải hoạt động theo cơ chế thị trường cũng như cạnh tranh sòng phẳng với các thành phần kinh tế khác là những gợi ý quan trọng nhằm gia tăng hiệu quả hoạt động của các DNNN, khắc phục tình trạng yếu kém và thua lỗ triền miên diễn ra tại nhiều doanh nghiệp trong thời gian qua.
Rút khỏi lĩnh vực tư nhân có thể làm tốt hơn
Để có cơ sở xây dựng phương hướng cơ cấu lại DNNN từ nay đến năm 2030 một cách hiệu quả, các chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, ở thời điểm hiện nay vẫn cần xác định rõ quan điểm về vai trò của DNNN cũng như phạm vi hoạt động của khối này.
Cụ thể ngoài hình thức nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc cổ phẩn, vốn góp chi phối dưới hình thức công ty cổ phần, các DNNN chỉ tập trung vốn đầu tư nhà nước vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh, những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư, ứng dụng công nghệ cao và đầu tư lớn.
Theo đó phải thực hiện cơ cấu lại nguồn lực của kinh tế nhà nước đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh theo nguyên tắc đảm bảo quy mô đầu tư nhà nước vào kinh doanh hợp lý hơn với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập theo hướng giảm dần, tiến tới rút khỏi các ngành, lĩnh vực kinh doanh cạnh tranh mà các thành phần kinh tế khác có thể thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn, góp phần thực hiện chủ trương phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường.
Thay vào đó, tập trung vào các ngành, lĩnh vực thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính bền vững của nền kinh tế.
Với định hướng trên, các chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đề xuất, từ nay đến năm 2025, cần phải hoàn thành quá trình cơ cấu lại sở hữu DNNN thuộc các ngành, lĩnh vực. Chuyển hầu hết doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần đồng thời giảm tỉ lệ vốn nhà nước xuống mức sàn theo quy định tại tất cả DNNN cũng như hoàn thành thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp không thuộc diện duy trì cổ phần, vốn góp của Nhà nước.
Song hành với quá trình cơ cấu này, các DNNN phải hoạt động trong một thể chế kinh tế thị trường đầy đủ đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường với các thành phần kinh tế khác. Trong đó DNNN và các doanh nghiệp khu vực tư nhân áp dụng một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thống nhất về mọi mặt hoạt động sản xuất kinh doanh. Chấm dứt mọi hành vi, mọi biểu hiện phân biệt đối xử trên thực tế của cơ quan nhà nước đối với các doanh nghiệp theo hình thức sở hữu.
Ngay trong quá trình hoạt động, các DNNN phải thực hiện chế độ tiền lương, tiền thưởng, thù lao của người lao động và người quản lý theo cơ chế thị trường tương tự các doanh nghiệp khu vực tư nhân, có tính cạnh tranh cao trên cơ sở kết quả sản xuất, kinh doanh và năng suất lao động.
Cần rộng cửa với doanh nghiệp tư nhân
Trao đổi với Báo Lao Động, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan - nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, cần thẳng thắn là thành công của DNNN có được một phần nhờ vào nguồn vốn cũng như nguồn lực đất đai của nhà nước. Còn để cạnh tranh thẳng trên thị trường chưa chắc DNNN đã tốt hơn doanh nghiệp tư nhân.
Bà Phạm Chi Lan cũng cho rằng, dù kết quả hoạt động của nhiều DNNN là có lãi nhưng thực tế vẫn tồn tại nhiều vấn đề phải xem xét lại.
“Chúng ta muốn cải thiện thêm thì cần phải cho tư nhân đầu tư vào cùng. Và việc đầu tư này cũng phải cho các doanh nghiệp tư nhân có quyền lựa chọn, quyền quyết định (tức số cổ phần, số vốn phải gần tương đương nhau, thậm chí là hơn). Việc có số vốn đầu tư vào lớn là để khi cần họ được quyết định cùng. Nếu không có quyền quyết định họ cũng chả mặn mà…” - bà Phạm Chi Lan chia sẻ thêm.
Trong khi đó PGS-TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, để tăng cường hiệu quả hoạt động của khối DNNN, cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại DNNN theo hướng tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh.
Trao đổi với Báo Lao Động, ông Long cho hay, hiện nay DNNN của nước ta so với các nước trên thế giới vẫn chiếm tỉ lệ cao. Trong khi đó đã có Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03.6.2017 “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Nghị quyết đưa ra và coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng. Vậy nên cầm xem lại những DNNN làm ăn kém hiệu quả, cầm chừng thì nên tính toán lại. “Chúng ta phải phân loại ra để đánh giá cụ thể” - ông Long nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Long phân tích và so sánh thêm những doanh nghiệp tư nhân nếu làm ăn thua lỗ sẽ bị phá sản ngay. Ông Long cũng nhấn mạnh, thời gian tới muốn giải quyết và để DNNN làm ăn có hiệu quả thì phải nâng cao năng lực quản trị, cải tiến cơ cấu kinh doanh, chọn người lãnh đạo cho đúng. “Người lãnh đạo vừa có tài, vừa có tâm thì lúc đó doanh nghiệp mới phát triển và đi lên được” - ông Long nói thêm.
Kiến nghị không thành lập mới DNNN trong 10 năm tới
Để thực hiện lộ trình cơ cấu lại DNNN trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, các chuyên gia của Viện Nghiên cứu cứu quản lý kinh tế Trung ương kiến nghị tiếp tục điều chỉnh cơ cấu đầu tư vốn nhà nước theo hướng tiếp tục tăng tỉ trọng đầu tư cho kết cấu hạ tầng phục vụ sự phát triển của mọi thành phần kinh tế và phát triển kinh tế xã hội, giảm tỉ trọng đầu tư trực tiếp của Nhà nước cho các DNNN trong lĩnh vực kinh doanh cạnh tranh.
Đồng thời sửa đổi quy định về phạm vi đầu tư vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp theo hướng chưa xem xét đầu tư vốn nhà nước thành lập mới DNNN trong giai đoạn 2021-2030; chỉ xem xét đầu tư bổ sung vốn nhà nước cho các DNNN hiện có nhiệm vụ thường xuyên và chủ yếu cung cấp các sản phẩm, dịch vụ then chốt, thiết yếu, các DNNN đáp ứng tiêu chí doanh nghiệp quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật; truyền tải, điều độ hệ thống điện quốc gia và quản lý lưới điện phân phối; thủy điện đa mục tiêu; điện hạt nhân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh; DNNN đáp ứng tiêu chí ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn và tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế. N.Văn