Đến tận 2h chiều nay, không ai dám nghĩ rằng VN-Index sẽ tăng trên 1%. Hiện tượng bùng nổ chớp nhoáng cực nhanh dù được khơi mào bởi một vài mã vốn hóa lớn, nhưng sau đó đã khiến cả thị trường phát cuồng.
Cho đến 2h10, VN-Index còn đang giảm khoảng 0,18 điểm so với tham chiếu. Nhóm trụ phần lớn giảm giá hoặc tăng rất yếu. VN30-Index lúc đó cũng chỉ tăng khoảng 2 điểm. Giao dịch đảo lộn khi VIC tăng cực nhanh.
VIC là nguồn cơn của nhịp kéo chỉ số tăng dựng đứng ở vài chục phút cuối phiên. Cổ phiếu này đến tận 2h10 vẫn còn chưa qua được tham chiếu nhưng 10 phút sau đó đã tăng trên 1% và đến gần hết đợt khớp lệnh liên tục đã tăng trên 2,2%.
Cổ phiếu nhạy nhất với VIC là VHM đến 2h22 đã tăng 1,44% dù 10 phút trước còn vật vờ ở gần tham chiếu. Đến khi đồng loạt nhóm GAS, CTG, BID ầm ầm tăng theo, VNM cũng nhích dần về tham chiếu thì VN-Index bắt đầu tăng dựng đứng. Đến cuối đợt liên tục VN-Index đã có được 7 điểm tăng chỉ trong có 10 phút.
Những gì còn lại đơn giản là sự hưng phấn tiếp tục được kích động với VIC còn kéo tiếp lên trên 100.000 đồng và chốt tăng 2,88% so với tham chiếu. VCB gần như không đóng góp gì cho 10 phút bất thường nói trên nhưng đợt ATC lại nảy bật lên trên tham chiếu, tăng 0,46%, thực chất là tăng xấp xỉ 1% chỉ trong một lần giao dịch. GAS được đẩy tiếp lên cao hơn nữa đợt đóng cửa, tăng tổng cộng 1,94%. CTG kéo dựng đứng, tăng 3,06%.
Tổng hợp những trụ mạnh nhất tăng khỏe nhất hôm nay đã giúp VN-Index tăng 10,87 điểm so với tham chiếu, tương đương 1,16%. Chỉ số này lên tận 949,9 điểm. Hơn 6 điểm tăng của chỉ số là do VIC, VHM, GAS, CTG và BID tạo ra và tất cả chỉ là trong 10 phút cuối đợt khớp lệnh liên tục và đợt ATC.
Thị trường tăng quá gấp gáp nhưng tạo hiệu ứng tâm lý cực mạnh. Độ rộng ở sàn HSX thay đổi chóng mặt, từ chỗ số mã giảm gấp rưỡi số tăng đã đảo ngược ở thời điểm cuối phiên. VN30-Index cũng tăng 1,35% với 24 mã tăng/5 mã giảm.
Mặc dù quán tính tăng giá cực nhanh kéo theo số rất lớn cổ phiếu đảo chiều từ giảm sang tăng, nhưng nhóm cổ phiếu đầu cơ cũng không tăng nóng được. HSX ghi nhận 12 mã kịch trần thì trừ SJS, TVB, CSV và TDG, còn lại đều giao dịch kiểu vài chục lô tạo giá. Chỉ số Midcap tăng 0,39%, Smallcap tăng 0,28% thể hiện sự nguội lạnh đáng kể ở hai nhóm này.
Thị trường chỉ bất ngờ và sôi động trong nhóm blue-chips. 18/24 mã trong rổ VN30 tăng giá lúc đóng cửa đều có mức tăng vượt 1%. Độ "nổ" của chỉ số ít phút cuối phiên thậm chí có thể còn khủng khiếp hơn nữa nếu như có mặt SAB, cổ phiếu vẫn giảm hay VCB, VNM tham gia nhiệt tình hơn chút nữa.
Dĩ nhiên câu hỏi lớn nhất là điều gì kích động được giá cổ phiếu tăng bất ngờ như vậy. Không có bất kỳ dấu hiệu nào sẽ có một đợt đẩy giá lên dữ dội. Thị trường cũng không xuất hiện thông tin bất thường nào. Chứng khoán thế giới thậm chí còn đỏ choét! Điều nhìn thấy duy nhất là hành động giá mạnh mẽ ở nhóm vốn hóa lớn. Nhóm này tăng mạnh thì chỉ số dựng đứng bất kể lý do.
Kết quả cuối cùng của diễn biến hôm nay có bất thường gì đi nữa thì vẫn là VN-Index có một ngày tăng mạnh nhất trong 7 tuần. Điều này tạo cảm hứng mạnh mẽ về sức mạnh mà thị trường đang có, dù thanh khoản thực chất là giảm.
Tổng giá trị giao dịch hai sàn thấp hơn hôm qua khoảng 11% còn khớp lệnh thấp hơn 10,8%. Giá trị khớp tụt xuống ngưỡng 7.000 tỷ đồng, thấp nhất 7 phiên. MSN, HPG, TCB, VNM đều tăng thanh khoản khá tốt so với hôm qua, đặc biệt là MSN, thanh khoản gần gấp 3 lần. Tuy nhiên tổng giao dịch vẫn giảm nghĩa là các cổ phiếu còn lại đã có thanh khoản kém đi nhiều.
Nhà đầu tư nước ngoài vẫn không thay đổi vị thế bất kể biến động thị trường. Thậm chí mức bán ròng còn tăng gần gấp đôi hôm qua, đạt trên 600 tỷ chỉ với cổ phiếu. Rổ Vn30 bị bán ròng 545 tỷ đồng. MSN, CTG, KDH, VNM, HSG bị bán ròng cực lớn. ITA, HDB, VRE, POW, VCB, HCM, VHM, SSI cũng nằm trong số bán ròng đáng kể. Khối ngoại rút vốn khỏi cổ phiếu đang ở con số khổng lồ trong tuần này, đã gần 2.200 tỷ chỉ trong 4 phiên. Tuy nhiên nhà đầu tư trong nước vẫn sẵn sàng ủng hộ khối ngoại.
Xem thêm: mth.49682755122010202-xedni-nv-auc-tam-gnohc-gnat-tuhp-02-on-hcik-oan-ueihp-oc/nv.ymonocenv