Ngày 22.10, trao với Lao Động ông Nguyễn Đức Huy - Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết từ nay đến tháng 7.2022 việc thực hiện hóa đơn giấy vẫn bình thường. Phía đơn vị thuế khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp sớm hoàn thiện để chuyển sang hóa đơn điện tử.
Theo ông Huy, hiện nay ở địa bàn Hà Nội và TPHCM cơ bản đã áp dụng hóa đơn điện tử. “Chúng tôi vẫn khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp cần phải chủ động thay đổi từ hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử càng sớm càng tốt. Theo lộ trình này, cơ bản đến tháng 7.2022 là không còn hóa đơn giấy nữa”, ông Huy nói.
Ông Huy cho rằng, hóa đơn điện tử là giải pháp cho doanh nghiệp thời công nghệ, mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý. Việc chuyển đổi từ giao dịch sử dụng hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử là yêu cầu tất yếu của một hệ thống thương mại hiện đại, minh bạch. Để hóa đơn điện tử đi vào cuộc sống, cần áp dụng các giải pháp đồng bộ theo lộ trình hợp lý.
Cũng theo ông Huy, việc sử dụng hóa đơn điện tử giúp doanh nghiệp giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế. Khi doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử, cơ bản các thủ tục hành chính thuế của doanh nghiệp cũng được thực hiện điện tử. Theo đó, doanh nghiệp chỉ cần thông báo qua mạng gửi đến cơ quan thuế về việc sử dụng hóa đơn điện tử và được sử dụng ngay sau khi thông báo được chấp nhận.
"Khác với hóa đơn giấy, hóa đơn điện tử là loại hóa đơn không thể làm giả, cũng khó có thể xảy ra các sai sót thường gặp khi viết hóa đơn giấy như viết sai tên người mua hàng, sai địa chỉ, sai mã số thuế, sai đơn giá…", vị này nói và cho biết thêm việc gia hạn thời gian cũng là để các đơn vị, doanh nghiệp hoàn thiện tốt.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ. Nghị đinh này ban hành không bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử ngay từ tháng 11 mà có thể gia hạn đến 1.7.2022.
Theo đó, Chính phủ không bắt buộc mà chỉ khuyến khích những đơn vị đủ điều kiện hạ tầng công nghệ áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử trước năm 2022.
Với những doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đã thông báo phát hành hóa đơn đặt in, hóa đơn tự in, hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế, hoặc đã đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, đã mua hóa đơn của cơ quan thuế trước ngày nghị định này ban hành vẫn tiếp tục được sử dụng đến 30.6.2022. Các đơn vị này làm thủ tục hóa đơn theo quy định tại Nghị định 51 và Nghị định số 04 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ.
Trước tháng 7.2022, nếu cơ quan thuế thông báo cơ sở kinh doanh chuyển đổi để áp dụng hóa đơn điện tử, nhưng cơ sở kinh doanh vẫn muốn tiếp tục dùng hoá đơn giấy do chưa đáp ứng về hạ tầng công nghệ thông tin, thì gửi dữ liệu hóa đơn đến cơ quan thuế cùng với tờ khai thuế giá trị gia tăng.
Cơ quan thuế sẽ xây dựng dữ liệu về hóa đơn của các cơ sở kinh doanh để đưa vào cơ sở dữ liệu hóa đơn và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để phục vụ việc tra cứu dữ liệu về hóa đơn.
Theo ước tính của Tổng cục thuế, chi phí để in một hoá đơn giấy là hơn 1.000 đồng và mỗi năm sử dụng trên 4 tỉ hoá đơn giấy. Các chuyên gia đánh giá việc triển khai hoá đơn điện tử có thể tiết kiệm 70-90% cho doanh nghiệp, không lo mất, hỏng hoá đơn, không lo hoá đơn giả và việc thống kê, báo cáo sẽ đơn giản.... Ngành thuế khi đó cũng dễ hơn trong việc phát hiện hành vi gian lận, trốn thuế và xây dựng cơ sở dữ liệu.
Xem thêm: odl.217748-noh-tot-neiht-naoh-ed-naig-ioht-meht-yaig-nod-aoh-yagn-ut-iahk-auhc/et-hnik/nv.gnodoal