Quản lý hoạt động cho thuê nhà qua Airbnb như thế nào cho phù hợp?
Lê Anh
(TBKTSG Online) - Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), kiến nghị Bộ Xây dựng cần sửa đổi bổ sung quy định để quản lý hiệu quả hoạt động cho thuê nhà ngắn hạn sử dụng dịch vụ Airbnb. Đồng thời, người sử dụng dịch vụ Airbnb phải đăng ký kinh doanh và nộp thuế theo quy định pháp luật.
HoREA cho rằng nên có quy định quản lý cho thuê nhà ngắn hạn sử dụng dịch vụ Airbnb thay vì cấm - Ảnh minh họa: Anh Quân |
Không thể ngăn cản xu hướng của thị trường
Theo văn bản số 114/2020 được HoREA gửi đến Chính phủ, Bộ Xây dựng ngày 20-10, hiệp hội này dẫn chứng báo cáo khảo sát năm 2019 của Grant Thornton cho thấy mô hình dịch vụ chia sẻ phòng thuê Airbnb đang tăng trưởng mạnh ở Việt Nam, với khoảng 30.000 đơn vị lưu trú.
Đây là một trong nhiều hình thức hoạt động kinh doanh của nền kinh tế chia sẻ ứng dụng công nghệ mới, tương tự như loại hình Uber, Grab, không gian làm việc chung (co-working space) …
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch của HoREA cho biết, phương thức kinh doanh cho thuê nhà, cho thuê phòng ở theo hình thức chia sẻ phòng thuê, thông qua dịch vụ Airbnb được thực hiện chủ yếu thông qua cho thuê nhà ngắn hạn (theo giờ, buổi, ngày, vài ngày, hoặc 1-2 tuần…) Khi dùng dịch vụ Airbnb, thì bên cho thuê và bên thuê giao dịch, nhận nhà, trả nhà thuê, thanh toán tiền thuê nhà đều qua mạng, không cần phải gặp trực tiếp.
Ông Châu nhận xét, cho thuê nhà theo hình thức chia sẻ phòng thuê, trong đó có cho thuê căn hộ chung cư, là phương thức cho thuê nhà mới, chắc chắn sẽ phát triển rất mạnh trong thời gian tới. Do vậy, không thể tiếp tục quản lý theo kiểu tư duy cũ, không quản được thì cấm, mà cấm cũng không được, vì đây là nhu cầu thực tế của cuộc sống, có cầu thì tất có cung.
Cho phép hoạt động nhưng phải đăng ký và đóng thuế
Hiệp hội Bất động sản TPHCM nhận định, hiện nay, chưa có đầy đủ các quy định pháp luật để quản lý, điều chỉnh hoạt động kinh doanh theo phương thức chia sẻ phòng thuê thông qua sử dụng dịch vụ Airbnb nên làm thất thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
Hơn nữa, Luật Nhà ở năm 2014 quy định cấm sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở nhằm mục đích không “làm ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ gia đình, cá nhân trong nhà chung cư, nhưng cụm từ “sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở” chưa được Luật Nhà ở giải thích cụ thể.
Do vậy, HoREA đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 công nhận hoạt động cho thuê căn hộ chung cư ngắn hạn là hoạt động kinh doanh hợp pháp. Bên cạnh đó, cần quy định người cho thuê nhà, cho thuê căn hộ nhà chung cư ngắn hạn phải đăng ký kinh doanh và nộp thuế theo quy định pháp luật.
Đồng thời, người cho thuê căn hộ chung cư ngắn hạn, có nghĩa vụ đóng bổ sung kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư, do hoạt động kinh doanh cho thuê nhà ngắn hạn dẫn đến làm gia tăng khối lượng công việc và trách nhiệm của Ban quản trị nhà chung cư và đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư.
Trước đó vào năm 2018, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đã báo cáo Bộ Xây dựng về phương thức kinh doanh cho thuê nhà ngắn hạn dưới hình thức chia sẻ phòng thuê, sử dụng dịch vụ Airbnb, mà Luật Nhà ở 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản 2014 chưa tiên lượng được. Do vậy, 2 luật này chưa có khung pháp luật để điều chỉnh hoạt động kinh doanh cho thuê nhà theo dạng này.
Mời xem thêm: